Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ngày 3/11 cho biết, tính đến hết tháng 10/2022 toàn thành phố đã ghi nhận 70.370 trường hợp mắc bệnh SXH. Bệnh tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuần qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận 1.628 ca SXH, giảm 27,% so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ năm trước.
HCDC cảnh báo, hiện nay khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Nhiều trường hợp đến bệnh viện trễ gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời. Ngành Y tế khuyến cáo cộng đồng khi có dấu hiệu sốt cao 39 đến 40 độ C, đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp…
Tại Cần Thơ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố ghi ghi nhận hơn 4.800 ca mắc SXH, tăng hơn 4.000 ca so với cùng kỳ năm 2021, không có ca tử vong. Tuy nhiên mới đây, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều đã có một em sinh viên 20 tuổi, tử vong vì bệnh SXH.
Ngành Y tế Cần Thơ dự báo số ca mắc SXH trên địa bàn có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm, do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển…
Bác sĩ Lê Phúc Hiển, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ nhận định, khi có ca bệnh SXH trên địa bàn, Trung tâm Y tế quận, huyện phải phân công cán bộ giám sát, kiểm tra các ca bệnh. Khi có ổ dịch, cần phân công cán bộ giám sát, kiểm tra chỉ số côn trùng, BI (dụng cụ chứa nước có lăng quăng) và kỹ thuật pha, phun hóa chất diệt muỗi. Trong công tác xử lý ổ dịch, phải loại bỏ lăng quăng triệt để, tuân thủ đúng thời gian và phun hóa chất đúng bán kính.
Tại Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 2.880 ca mắc, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó 3 trường hợp đã tử vong, so với năm ngoái không có ca tử vong nào. Các ổ dịch tập trung nhiều nhất tại huyện Tam Bình, Bình Tân và TP Vĩnh Long với gần 400 ca.
Trước tình hình này, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng cho biết, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hệ thống giám sát bệnh tại các cơ sở y tế, thực hiện phân tầng điều trị, đảm bảo đủ thuốc, vật tư, hóa chất trong điều trị cũng như xử lý ổ dịch kịp thời. Không để dịch lây lan trong cộng đồng, giảm số ca chuyển nặng và tử vong.
Ở miền Bắc, tỉnh Quảng Ninh đang ở giai đoạn cao điểm của dịch SXH khi trung bình mỗi tuần có khoảng 50 ca bệnh, trong đó chỉ có 1/3 số ca là người di chuyển đến từ địa phương khác; tổng số ca nhiễm trên địa bàn là 370 ca và đã có một số ca biến chứng nặng. Các trường hợp mắc SXH tập trung nhiều ở Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Quảng Yên.
“Theo chu kỳ, SXH có ca bệnh xuất hiện từ tháng 4 tới tháng 11 và đỉnh dịch ghi nhận vào tháng 8. Nhưng năm nay, ghi nhận nhiều vào tháng 9 và đỉnh kéo dài hết tháng 11, đầu tháng 12 sẽ giảm. Đây có thể coi là bất thường với Quảng Ninh, bởi nhiều năm trở lại đây, Quảng Ninh có ghi nhận SXH nhưng không ghi nhận các ca bệnh nặng và xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo như năm nay. Tuy nhiên ở thời điểm này, người dân cần có biện pháp cụ thể để phòng bệnh SXH là rất cần thiết”, bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh cho biết.