Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi

(PLO) - Nâng vốn điều lệ của công ty đại chúng (CTĐC), tăng khung xử phạt với hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, bổ sung thêm thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... là những điểm mới cơ bản trong dự thảo Luật Chứng khoán (CK) sửa đổi.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hôm qua (3/10), UBCKNN đã công bố dự thảo Luật CK sửa đổi để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân theo quy định, trước khi chính thức trình Chính phủ và trình Quốc hội.

So với luật hiện hành, dự thảo Luật CK sửa đổi ghép hai chương: “Thanh tra và xử lý vi phạm” và “Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại” thành một chương “Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại” để đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh những nội dung sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích thuật ngữ, các hành vị bị cấm... dự thảo luật sẽ quy định rõ hơn và  thống nhất với Luật Doanh nghiệp  (DN) về phạm vi điều chỉnh hoạt động chào bán CK. Theo đó, Luật CK điều chỉnh hoạt động chào bán CK ra công chúng, chào bán CK của CTĐC. Chào bán CK riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là CTĐC thực hiện theo quy định của Luật DN. 

Cùng với đó, dự thảo cũng  có những bổ sung, sửa đổi về quy định đối với CTĐC như: điều kiện trở thành CTĐC; hồ sơ CTĐC; quyền và nghĩa vụ của CTĐC; chào mua công khai; quản trị CTĐC;... Đáng chú ý, dự thảo sửa đổi quy định về nâng tiêu chí về vốn đề trở thành CTĐC từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, quy định rõ hơn về nghĩa vụ của CTĐC (về quản trị công ty, kiểm toán, công bố thông tin).

Về thu hút nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường CK, dự thảo bổ sung các quy định theo hướng thống nhất với tinh thần Luật Đầu tư 2014  (cơ bán thống nhất cách ứng xử đổi với chủ thể là NĐTNN và tổ chức kinh tế có trên 51% do NĐTNN nắm giữ; Quy định rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài dựa theo ngành nghề mà DN đăng ký hoạt động theo hướng: tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại CTĐC là 100% ngoại trừ trường hợp cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể thấp hơn…).

Dự thảo luật cũng sửa đổi bổ sung về mô hình tổ chức của Sở giao dịch CK cho phù hợp với Luật DN, sửa đổi tên gọi của Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam thành Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ thanh toán CK Việt Nam, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới công ty CK, công ty quản lý quỹ đầu tư CK; về công bố thông tin…

Liên quan đến thanh tra, xử lý vi phạm, Dự thảo quy định mức phạt tiền tối đa cao hơn mức phạt tối đa chung cho các lĩnh vực theo Luật Xử lý vi phạm hành chính để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Đặc biệt, Dự thảo bổ sung một số quy định về thẩm quyền của UBCKNN khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, xác minh vi phạm; yêu cầu tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm giải trình, đối chất…

Theo dự kiến, Dự án Luật CK sửa đổi sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội đầu năm 2019 và thông qua tại kỳ họp cuối năm 2019.  

Đọc thêm