Nhiều doanh nghiệp lưỡng lự với mô hình quản trị mới

(PLO) -Với chủ đề “Quản trị công ty”, hôm qua, 21/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chính thức công bố Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2016/2017.
 
 Nhiều doanh nghiệp lưỡng lự với mô hình quản trị mới

Việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty (QTCT) không chỉ giúp các DN cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống đỡ với rủi ro mà còn góp phần xây dựng niềm tin để tăng cường khả năng hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều DN vẫn còn mơ hồ với vấn đề được xem là yếu tố tiên quyết để hội nhập này…

Quản trị công ty - Yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp hội nhập!

Theo Phó Chủ tịch VCCI,  ông Đoàn Duy Khương,  sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách kinh tế mạnh mẽ hướng tới việc xây dựng cộng đồng DN Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, mà mới đây nhất là Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 hướng tới xây dựng DN là động lực để phát triển kinh tế. Bởi theo ông, nâng cao sức cạnh tranh của DN là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Với đặc thù Việt Nam hiện có nhiều loại hình công ty khác nhau, tính sở hữu hết sức đa dạng, vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản trị tốt công ty để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, đặc biệt khi chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường thì QTCT là vấn đề vô cùng quan trọng...” - ông Khương nhấn mạnh. Theo ông, cải thiện QTCT là một yếu tố tiên quyết để DN Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các DN trong khu vực.

Còn theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, ông Vũ Bằng, QTCT  giống như trái tim của DN, QTCT tốt sẽ tỷ lệ thuận với  sự phát triển bền vững của DN…

Chất lượng không đồng hành cùng số lượng

Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2016-2017 cho thấy, năng lực DN Việt Nam những năm gần đây đã đạt được nhiều con số tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, trong năm 2016 đánh dấu xác lập kỷ lục về số DN thành lập mới  trên 110 nghìn DN phá vỡ xu hướng tăng đều trong giai đoạn 2011-2014 là 74 nghìn DN mỗi năm. Tuy nhiên, chất lượng các DN chưa cao, năng lực cạnh tranh còn yếu, QTCT còn hạn chế.

Theo bà Phạm thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, ngay tại những DN niêm yết lớn trên thị trường chứng khoán được xem là đi đầu về QTCT ở Việt Nam thì việc thực hiện QTCT tốt theo thông lệ quốc tế mới chỉ ở bước đầu.

Dẫn chứng tại Lễ Vinh danh các DN QTCT tốt nhất khu vực Asean năm 2015, bà Hằng cho biết, không có DN Việt Nam nào có đại diện trong Top 50 DN niêm yết có chất lượng QTCT tốt nhất. Phần lớn trong số này là các DN của Thái Lan.

Malaysia, Singapore, Philippines. Trong số DN niêm yết có chất lượng QTCT tốt nhất tại mỗi quốc gia được vinh danh, Việt Nam có 3 đại diện: TCty Phân bón hóa chất dầu khí, Cty Chứng khoán TP HCM và CTCT Sữa Việt Nam. Hai DN khác của Việt  Nam được ghi nhận có chất lượng QTCT cải thiện nhiều nhất trong 3 năm 2012- 2015 là CTCT Hoàng Anh Gia Lai và CTCT cơ điện lạnh.

“Dù DN Việt Nam được vinh danh về QTCT đều có cải thiện tích cực về điểm rố trong những năm gần đây, nhưng thực tế về mức điểm trung bình của các DN Việt Nam còn kém xa so với các quốc gia trong khu vực. Điều này cũng cho thấy thực hành QTCT tại Việt Nam còn thấp và chưa đặt được các chuẩn mực mà Asean hướng tới”- Tổng Thư ký VCCI nhận định.

Khoảng cách xa giữa quy định và thực tiễn

“Rất mừng là vừa rồi Đại hội đồng cổ động của Vinamilk đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng về mô hình QTCT, trong đó có việc bầu 9 thành viên HĐQT độc lập thay vì 6 như nhiệm kỳ trước.  Đây là công ty tiên phong. Tuy nhiên, rất nhiều công ty “lưỡng lự”, chưa mạnh dạn áp dụng mô hình quản trị mới, dẫn đến hậu quả là nhiều thực tiễn tốt về quản trị đã không được áp dụng…”- ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế TW (CIEM) nhận định.

Theo Phó Viện trưởng CIEM, rất nhiều DN, nhất là DN nhà nước chưa quen với khái niệm thành viên HĐQT độc lập, số lượng thành viện HĐQT độc lập chỉ dừng ở đáp ứng yêu cầu tối thiểu của luật. Nhiều DN còn nhầm lẫn hoặc chưa phân định rõ ràng ban kiểm toán nội bộ thuộc HĐQT với kiểm toán nội bộ của công ty.

Đặc biệt, Phó Viện trưởng CIEM đã chỉ ra khoảng cách rất lớn giữa quy định và thực thi về QTCT. Trong khi khung khổ QTCT của Việt Nam được 87 điểm, cao hơn cả Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia thì thực tế QTCT của Việt Nam chỉ đạt 35/100 điểm, thấp hơn cả các nước có khung khổ QTCT thấp hơn Việt Nam.

“Nhận thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của QTCT của DN Việt Nam còn là số ít. Luật DN chỉ là yêu cầu tối thiểu, các DN cần phải quản trị tốt hơn, theo thực tiễn tốt”- ông Hiếu đưa ra lời khuyên.

Với các DNNN, đặc biệt là cổ đông nhà nước trong DN, Phó Viện trưởng CIEM kêu gọi phải “gương mẫu” trong việc áp dụng thực tiễn tốt về  QTCT. “Quan trọng là phải tách bạch giữa chủ sở hữu và QTCT. Do đó, cần thiết lập bộ máy quản trị điều hành DN chuyên nghiệp, độc lập và không nhất thiết phải là cổ đông. Đối với DNNN thì không nhất thiết phải là người đại diện phần vốn…”- ông Hiếu đề nghị.

Khảo sát của VCCI cho thấy, năm 2016, 14,3% công ty niêm yết vượt kế hoạch thì tỷ lệ này ở Công ty không niêm yết chỉ là 9,9%. Tương tự, đối với công ty niêm yết, có 48,1% công ty hoàn thành kế hoạch thì với công ty không niêm yết, tỷ lệ này chỉ là 37,5%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nếu như có gần 58% số DN thông thường thực hiện  kiểm toán nội bộ thì tỷ lệ này ở không công ty niêm yết là 78%, về công bố báo cáo, gần 67% số công ty niêm yết công bố cả báo cáo tài chính và Báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh thì tỷ lệ này ở các DN không niêm yết chỉ là 27%.

Đọc thêm