Chiều 7/6, ngay sau khi tới thành phố Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự cuộc tọa đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vùng Kansai.
Sự kiện này do Liên đoàn Kinh tế Kansai (Kankeiren), Cục Kinh tế Công nghiệp Kansai, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Osaka, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tại tọa đàm, 15 doanh nghiệp Nhật Bản như Daikin, Sakura, Acecook, Kubota, Takako, Asahi, Azusa Sekkei, Fuji Impulse… trình bày về tình hình đầu tư, kinh doanh và đều bày tỏ quan tâm hoạt động đầu tư kinh doanh cũng như mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Thủ tướng và lãnh đạo, một số bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp, làm rõ từng vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm.
Chủ tịch Ngân hàng Senshu Ikeda, ông Hirohisa Fujita bày tỏ, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Kansai cũng như các vùng khác của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, Ngân hàng này muốn mở văn phòng đại diện tại TP HCM. Để làm việc đó, theo ông, cần rất nhiều thủ tục hành chính và ông mong Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan của Việt Nam hỗ trợ, tạo thuận lợi cho ông thành lập văn phòng đại diện này. Thủ tướng cho biết, sẽ giao Ngân hàng Nhà nước xem xét cụ thể kiến nghị của doanh nghiệp.
Lãnh đạo các công ty Sakura, Takako có cùng băn khoăn về quy định đối với nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng tại Việt Nam khi các doanh nghiệp này muốn chuyển cơ sở sản xuất của mình vào Việt Nam. Doanh nghiệp cho biết, dù đã sử dụng hơn chục năm, nhưng máy móc, thiết bị của họ vẫn bảo đảm tính năng.
Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, sau khi Thông tư 20 quy định về vấn đề này được sửa đổi bởi Thông tư 23 thì tình hình đã được cải thiện một bước. Tuy nhiên, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, quy định này cần tiếp tục được xử lý theo hướng mở hơn và mỗi thiết bị cần xem xét độ tuổi khác nhau, chứ không phải mọi thiết bị đều quy định 10 năm tuổi. Ví dụ, máy CNC trong cơ khí chế tạo chính xác thì thậm chí 40-0 năm vẫn không có vấn đề gì. “Trực tiếp tôi sẽ xử lý Thông tư 23 để giải quyết tình hình”, Bộ trưởng cam kết.
Chủ tịch Công ty Takashimaya, ông Shigeru Kimoto cho biết, ông có dự định triển khai dự án xây dựng khu phố ngầm ở khu vực Bến Thành, TPHCM để “đón đầu”, đồng bộ với tuyến tàu điện ngầm của Thành phố. Ông mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam.
Được sự chỉ định của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự ủng hộ dự định của doanh nghiệp, đây là một lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam gắn với việc khai thác hệ thống hạ tầng giao thông ngầm. TPHCM đã có đề án về việc này.
Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, qua sự kiện này cũng như các cuộc làm việc khác với doanh nghiệp Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam lắng nghe để xử lý, giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhật Bản, nhất là vùng có nhiều tiềm năng như Kansai đầu tư vào Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục chỉ đạo các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, năng lượng, thị trường dịch vụ bán lẻ, y tế…”, Thủ tướng nói và đánh giá cao vùng Kansai có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả ở Việt Nam.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp vùng Kansai, thành viên Liên đoàn Kinh tế Kankeiren đầu tư mạnh mẽ hơn vào Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư theo hình thức PPP, năng lượng, năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng, du lịch dịch vụ, đặc biệt là tham gia quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Thủ tướng khẳng định, thắng lợi của các nhà đầu tư là thắng lợi của Chính phủ Việt Nam. “Các bạn làm ăn kinh doanh có lãi là thành công của chúng tôi”.
Nhân dịp này, Thủ tướng mời các doanh nghiệp Nhật Bản đến dự Hội nghị APEC vào cuối năm nay tại Việt Nam.