Nhiều đổi mới tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII

Đổi mới đầu tiên là Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, do một Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày. Đây là việc làm chưa có tiền lệ và theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, ai không thực hiện lời hứa, tín nhiệm thấp sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm...

[links()]Hôm nay (22/10), tại Hà Nội, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc. Đây là kỳ họp được đánh giá có nhiều đổi mới, thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận; trong đó, có các vấn đề mà người dân rất quan tâm như sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, Luật Thủ đô, Luật Đất đai (sửa đổi)…

Ảnh minh họa

Đổi mới đầu tiên là Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, do một Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày.

Đây là việc làm chưa có tiền lệ và theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Ai không thực hiện lời hứa, tín nhiệm thấp sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (nếu Quốc hội thông qua sẽ được thực hiện từ năm 2013-PV). Và đó là chế tài cho việc không thực hiện lời hứa”.

Đưa Báo cáo phòng chống tham nhũng ra trước Quốc hội

Nếu như trước đây, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng thường chỉ được gửi đến Đại biểu Quốc hội nghiên cứu thì kỳ họp này, Chính phủ sẽ báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2012 trước Quốc hội để Quốc hội xem xét, cho ý kiến cùng với các báo cáo về công tác tư pháp.

Dự kiến, báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng sẽ được trình bày ngay trong ngày khai mạc kỳ họp. Nhiều đại biểu đánh giá cao sự đổi mới này, chứng tỏ tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.

Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2012 của Chính phủ tại phiên họp tháng 9/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ: Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của quần chúng, nhân dân, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội…

Việc đưa báo cáo về phòng chống tham nhũng ra trước Quốc hội chắc chắn sẽ nhận được nhiều phản hồi từ phía các đại biểu. Và các ý kiến này dù đồng thuận hay không cũng sẽ là những tiếng nói quan trọng góp phần tạo chuyển biến tích cực hơn trong công tác PCTN thời gian tới.

Những vấn đề “nóng”: Truyền hình trực tiếp

Ngoài hai nội dung nói trên, vì là kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng, được cử tri cả nước quan tâm, do đó công tác thông tin, tuyên truyền tại kỳ họp cũng được cải tiến một bước. Số lượng các nội dung quan trọng của chương trình nghị sự được truyền hình, phát thanh trực tiếp đã tăng lên đáng kể (tổng cộng 13 buổi).

Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và phiên chất vấn được phát thanh truyền hình trực tiếp như thông lệ, tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ mở rộng việc truyền hình, phát thanh trực tiếp đối với một số phiên thảo luận về một số dự án luật quan trọng, nhất là những dự án luật được đưa ra lấy ý kiến nhân dân.

Đó là Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Kỳ họp thứ 4 tuy không phải là kỳ họp “nặng” về công tác xây dựng pháp luật nhưng là kỳ họp cuối năm, xem xét tổng thể nhiều vấn đề quan trọng của đất nước cùng với những đổi mới căn bản trong nội dung, cách thức, kỳ họp này đang được cử tri cả nước theo dõi hết sức sát sao và trông đợi những quyết sách đúng đắn của những “người đại biểu dân cử”.(nội chính)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đưa ra trình tại kỳ họp thứ tư gồm 14 chương, 190 điều, chủ yếu tập trung sửa đổi các nội dung như: quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai, các vấn đề về thu hồi đất, thẩm quyền liên quan đến đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai; tài chính về đất đai và giá đất, thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình,cá nhân, nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất…

Thu Hằng

Đọc thêm