Nhiều dự án lớn “mịt mù” tiến độ
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, việc cung ứng điện trong năm 2020 về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra (như sự cố ở các nhà máy điện, sự cố lưới điện truyền tải, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến). Tuy nhiên, dự báo năm 2021, khi sản lượng điện tiêu thụ tiếp tục tăng theo dự báo thì khả năng thiếu điện có thể xảy ra khi nguồn điện bổ sung trong giai đoạn này đang… chấp chới.
Được biết, giai đoạn 2016-2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao đầu tư 24 dự án, với tổng công suất là 15.215MW, trong đó giai đoạn 2016-2020 cần hoàn thành 14 dự án với tổng công suất 7.185MW. Trong tổng số 24 dự án nói trên, 9 dự án đã phát điện, 15 dự án đang ở bước đầu tư xây dựng hoặc chuẩn bị đầu tư (dự kiến 6 dự án đúng tiến độ, 9 dự án chậm tiến độ).
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) được giao đầu tư 8 dự án nguồn điện trọng điểm với tổng công suất 11.400MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án. Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII.
Các dự án đang thi công xây dựng gồm Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1 đều chậm tiến độ 2-3 năm, trong đó Thái Bình 2, Long Phú 1 đều chưa thể xác định tiến độ do có nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết. Riêng Nhà máy Sông Hậu 1, tổng thầu đã xây dựng tiến độ hoàn thành thực tế, phấn đấu đưa vào vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào tháng 5/2021 và Tổ máy số 2 vào tháng 9/2021.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950MW, trong đó giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án. Hiện cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên, trong đó có những dự án TKV gặp khó khăn khi tiến hành huy động vốn do các dự án nhiệt điện hiện đều không có bảo lãnh của Chính phủ.
Ngoài ra, còn có 19 dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT với tổng công suất khoảng gần 27.000MW, trong đó 4 dự án đã đi vào vận hành thương mại, 4 dự án đang triển khai xây dựng, 4 dự án đang hoàn thiện bộ hợp đồng BOT để chuẩn bị ký chính thức, 2 dự án đang triển khai đàm phán, 5 dự án đang triển khai giai đoạn đầu, chưa đàm phán.
Hiện cũng có 7 dự án điện độc lập với tổng công suất 2.000MW, nhưng các dự án này đều chậm tiến độ, trong đó có một số dự án khó xác định được thời gian hoàn thành. Thậm chí, Dự án Nhiệt điện Công Thanh vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giải phóng mặt bằng, Dự án thủy điện Hồi Xuân vẫn chưa thể tích nước.
Tính chuyện thuê nhà máy điện nổi
Bộ Công Thương cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo cung cấp điện là tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư công trình nguồn điện và lưới điện vào vận hành sớm nhất có thể nhằm tăng cường khả năng cấp điện và khả năng giải tỏa công suất.
Bên cạnh đó, cần đôn đốc các chủ đầu tư xử lý những nội dung thuộc thẩm quyền và báo cáo Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với các dự án trọng điểm Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1; chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021-2025 như Dự án BOT Duyên Hải 2 (2022), Vân Phong 1 (2023), Nhiệt điện Sông Hậu (2021), Nhiệt điện Thái Bình 2 (2022), Nhiệt điện Long Phú 1 (2023).
Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời, điện gió đã có trong quy hoạch vào vận hành đúng, khẩn trương xây dựng lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện này, xây dựng chính sách đồng bộ nhằm khuyến khích các nguồn năng lượng tái tạo với cơ cấu và tỷ lệ hợp lý.
Trong trường hợp các dự án ở phía Nam vẫn tiếp tục chậm tiến độ, cũng có thể xem xét tới khả năng thuê các tàu, xà lan làm nhà máy điện nổi để cung cấp điện. “Với thời gian giao hàng ngắn, theo hợp đồng từ 3-10 năm và dải công suất dao động trong khoảng 30-620MW, đây là giải pháp ngắn hạn và trung hạn tương đối hiệu quả cho các quốc gia có nhu cầu điện khẩn cấp” - Bộ Công Thương cho biết.
Xem xét chuyển đổi nhiên liệu đối với Nhà máy điện Hiệp Phước hiện hữu sang sử dụng LNG và bán toàn bộ điện năng lên lưới; lắp đặt bổ sung thêm 3 tuabin khí, nâng quy mô công suất lên khoảng 1.185MW để nâng cao hiệu suất và bổ sung nguồn điện, giảm sản lượng điện thiếu cho hệ thống điện quốc gia từ cuối năm 2022; tiếp tục tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực theo chủ trương Chính phủ đã phê duyệt.