Nhiều dự án truyền tải điện cấp bách về đích

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã nỗ lực hoàn thành nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt quan trọng trong năm 2022.
Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú báo cáo kết quả công tác năm 2022.
Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú báo cáo kết quả công tác năm 2022.

Chủ động khắc phục khó khăn từ sớm

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) hôm qua (9/1), Tổng Giám đốc EVNNPT Phạm Lê Phú nhấn mạnh: Dù gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong các tháng đầu năm 2022, vướng mắc kéo dài trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, giá nguyên vật liệu tăng cao, trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng... nhưng EVNNPT đã rất nỗ lực khắc phục.

Cùng với đó, xác định đầu tư xây dựng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, EVNNPT đã huy động cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách như các dự án đường dây 500kV mạch 3, các dự án giải tỏa công suất nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1.

Kết quả công tác cho thấy, sản lượng điện truyền tải trong năm 2022 đạt 98% kế hoạch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao, tăng 5,28% so với năm 2021. Tổn thất điện năng năm 2022 thực hiện đạt 2,54%, tăng 0,25% so với năm 2021, cao hơn 0,39% so với chỉ tiêu kế hoạch EVN giao. Theo ông Phú, nguyên nhân chính làm tăng tổn thất điện năng trên lưới truyền tải là do khai thác cao các nguồn điện giá rẻ (nguồn thủy điện Tây Bắc, miền Trung và nguồn năng lượng tái tạo) trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (than, dầu, khí), dẫn đến truyền tải cao trên lưới 500kV Bắc - Trung - Nam để đảm bảo cấp điện cho miền Bắc, miền Nam.

Cùng với đó, công tác giảm thiểu sự cố đã được EVNNPT và các đơn vị quyết liệt chỉ đạo và triển khai thực hiện. Mọi sự cố đều được phân tích, xem xét nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể để đưa ra các giải pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Kết quả trong năm 2022, lưới truyền tải điện xảy ra 114 vụ sự cố, tăng 13 sự cố so với năm 2021. Sau khi miễn trừ 16 sự cố khách quan do bão số 4 và 5 (các sự cố được xét là khách quan do EVN đã có công điện chỉ đạo ứng phó bão), tổng số vụ sự cố năm 2022 là 98 sự cố, giảm 3 sự cố so với năm 2021. Các sự cố đã được EVNNPT tập trung xử lý nhanh, khôi phục cấp điện kịp thời, không để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng lớn đến quá trình cung cấp điện cho phụ tải và gây mất điện trên diện rộng.

Nhận thức được sự khó khăn có thể xảy ra, ngay từ đầu năm, EVNNPT đã tập trung thực hiện các giải pháp tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm các khoản chi phí theo định mức hơn 18%, tối ưu chi phí lãi vay, nâng cao nguồn thu... để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Nhờ sự cố gắng khắc phục khó khăn của toàn Tổng Công ty, sự hỗ trợ của EVN, cuối năm 2022, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Tổng Công ty đảm bảo đáp ứng các yêu cầu theo quy định, tạo cho EVNNPT có điều kiện huy động vốn để đầu tư phát triển lưới điện truyền tải trong các năm tiếp theo.

Tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm trong năm 2023

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng EVNNPT đã khởi công được 28/43 dự án, trong đó có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện; đóng điện được 42/71 dự án nhưng có những dự án rất trọng điểm và quan trọng như đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi, đặc biệt là đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân và nhiều dự án khác…

Báo cáo về việc hoàn thành dự án được đánh giá là quan trọng nhất của EVNNPT và của ngành điện trong năm 2022, ông Nguyễn Đình Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, do nhận thức được tính cấp bách và những khó khăn khi thực hiện dự án, CPMB đã tập trung điều hành để đảm bảo cụm các dự án lưới điện phục vụ giải tỏa công suất NMNĐ BOT Vân Phong 1 vượt tiến độ được giao.

“Dự án “về đích” đúng thời hạn được đánh giá là có ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ giúp EVN tránh bị phạt 1 triệu USD/ngày, tạo được hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam với sự tin cậy trước các nhà đầu tư quốc tế mà còn khẳng định năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ, kỹ sư tham gia thực hiện dự án” - ông Tuyển nói.

Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành đánh giá, mặc dù chưa hoàn thành đóng điện các dự án đúng theo kế hoạch đề ra nhưng trong bối cảnh các khó khăn, vướng mắc kéo dài trong công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng, với khối lượng đầu tư xây dựng thực hiện và các dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2022 đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của EVNNPT. Ông Thành đặc biệt đánh giá cao việc hoàn thành đúng tiến độ dự án đường dây giải tỏa công suất nhà máy BOT Vân Phong 1 (đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân).

Ngoài ra, ông Thành cũng chỉ đạo EVNNPT, trong năm 2023 cần tập trung vào những dự án trọng điểm đã có chủ đầu tư, đầu tư dứt điểm các dự án, hoàn thành đúng thời gian, không kéo dài dự án; Những dự án có thể xã hội hóa thì báo cáo với Tập đoàn, với Bộ Công Thương để tiến hành thực hiện theo phương thức này. Ngoài ra, EVNNPT cũng phải tập trung đầu tư một số công trình cấp bách trong cung cấp điện cho miền Bắc như đường dây 500kV từ Quảng Trạch đi Quỳnh Lưu, triển khai sớm đường dây từ Quỳnh Lưu đi Thanh Hóa và Thanh Hóa đi Nam Định để đảm bảo điện cung cấp đủ điện cho miền Bắc vào năm 2025 vì thời gian tới miền Bắc không có nguồn điện mới nào bổ sung. Các đường dây mua điện của Lào, Trung Quốc cũng cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành.

Đọc thêm