Nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường condotel

(PLVN) - Thị trường bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng (condotel) được dự báo sẽ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh ở nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, do đây là mô hình kinh tế BĐS chia sẻ còn mới mẻ ở Việt Nam nên từ khung pháp lý lẫn hoạt động thực tiễn còn một số bất cập, cần tiếp tục được điều chỉnh, hoàn thiện.
Thị trường Condotel được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện
Thị trường Condotel được dự báo sẽ tiếp tục phát triển, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện

Nhiều giải pháp cho thị trường Condotel phát triển bền vững đã được nêu ra tại buổi Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường Condotel” được tổ chức sáng nay - 27/2.

Condotel là xu thế phát triển tất yếu

Theo ông Vũ Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nước ta có những lợi thế lớn mà nhiều nước trên thế giới không có để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Bờ biển nước ta dài, nhiều vùng biển đẹp; vùng núi cao có khung cảnh hùng vĩ; khí hậu nước ta nắng ấm. “Đây là điều kiện tốt đề phát triển du lịch, phát triển BĐS nghỉ dưỡng mà phương Tây không có”, ông Thanh nói.

Ông Vũ Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Khách sạn
Ông Vũ Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Khách sạn 

Cũng theo ông Thanh, Chính phủ đã có chính sách cụ thể để phát triển ngành du lịch, định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế, nước ta có những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, những khu resort đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, khách quốc tế ngày càng ưa thích Việt Nam. Bằng chứng là năm 2015 nước ta chỉ có 7,9 triệu lượt khách quốc tế, nhưng sau ba năm, tức năm 2018 con số này đã lên đến 18 triệu lượt khách. Theo tính toán của Tổng cục Du lịch, đến năm 2025, lượt khách quốc tế đến Việt Nam là 35 triệu, đến năm 2030 là 50 triệu. “Du lịch phát triển thì BĐS nghỉ dưỡng phát triển, thị trường condotel phát triển, đấy là tất yếu”, Vụ trưởng Vụ Khách sạn phân tích.

Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay thị trường condotel đang tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, sau thời gian dịch và trong tương lai những năm tới, condotel sẽ phát triển mạnh mẽ. Điều quan tâm và đáng bàn lúc này là làm sao để condotel phát triển bền vững, làm sao để nhà đầu tư thứ cấp tin tưởng vào tương lai condotel?

Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT), cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế xã hội, kinh tế chia sẻ đang phát triển ở Việt Nam. “Condotel là một dạng BĐS kinh tế chia sẻ, Nhà nước phải thay đổi tư duy quản lý để loại hình kinh tế này phát triển lành mạnh. Không thể mang tư duy kinh tế truyền thống để quản lý kinh tế chia sẻ”, ông Võ nói và cho rằng, khung pháp lý đối với loại hình BĐS du lịch nghỉ dưỡng cần tiếp tục được nới rộng. “Văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ do Bộ TNMT mới ban hành là cần thiết, đã hướng dẫn “cấp sổ” cho người sở hữu condotel. Tuy nhiên, khung pháp lý cần tiếp tục nới rộng”, ông Võ nói.

Những góp ý để khung pháp lý hoàn thiện

Ông Đặng Hùng Võ phân tích, văn bản 703 mới thực hiện được một nửa nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Bộ TNMT trong chỉ thị 11/2019. Ông Võ cho rằng, Bộ TNMT cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn thị trường. Đồng thời, Bộ TNMT nên tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể với các nội dung khác liên quan đến sở hữu, chuyển nhượng codontel.

Đại diện đến từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn APEC đánh giá, thị trường condotel hiện tại gặp một số khó khăn, nhưng chỉ là khó khăn tạm thời, trong ngắn hạn. APEC hiện đang xây dựng nhiều dự án condotel; chiến lược và tham vọng của APEC là đầu tư xây dựng khoảng 30.000 – 50.000 đơn vị condotel ở khắp đất nước, từ vùng biển đến vùng núi. “Hiện nay, chúng tôi cần pháp lý ổn định để niềm tin khách hàng ổn định. Chúng tôi tin rằng nếu làm việc nghiêm túc, sáng tạo, vì sự phát triển chung của đất nước thì sẽ có kết quả tốt”, ông Huy nói.

Phó TGĐ Tập đoàn APEC Nguyễn Quang Huy
Phó TGĐ Tập đoàn APEC Nguyễn Quang Huy

Ông Huy cũng cho rằng, trong quá trình phát triển condotel, cần minh bạch thông tin với nhà đầu tư thứ cấp; “sổ” được cấp có thời hạn 50 hay 70 năm cần nói rõ với khách hàng, giải thích để họ hiểu và an tâm đầu tư. Phó tổng giám đốc Tập đoàn APEC cũng cho rằng cần tách “sổ” cho khách hàng với loại hình shophouse. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư vay vốn ngân hàng trong đầu tư condotel. “Vì chưa có “sổ” nên ngân hàng không cho vay, nhất là với nhà đầu tư thứ cấp; giờ condotel chủ yếu thực hiện từ vốn tự có”, ông Huy nói.

Liên quan đến khung pháp lý condotel, bà Phạm Thị Thịnh - Phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Bộ TNMT) - cho biết, Luật đất đai năm 2013 quy định, đất trong một dự án được xây dựng với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Trong BĐS du lịch nghỉ dưỡng, condotel vừa có chức năng căn hộ vừa có chức năng khách sạn, đồng thời có thêm các yếu tố kinh tế chia sẻ. “Luật đất đai hiện hành đã bao hàm nội dung quản lý dạng đất xây dựng condotel. Nói cách khác, pháp luật đã có khung bảo vệ loại hình BĐS condotel”, bà Thịnh nói và cho biết, bản thân cơ quan quản lý Nhà nước luôn muốn song hành với doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, cũng là cách thức để tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Ông Vũ Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch:

"Việt Nam đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá của các tổ chức quốc tế về du lịch. Riêng năm 2019, Việt Nam là “Điểm đến hàng đầu Châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á”, “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”… Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019”.

Về số khách du lịch, nếu như vào năm 1994 Việt Nam mới chỉ có 1 triệu khách quốc tế, thì đến năm 2015 đã có tới 7,9 triệu, và tiếp tục tăng lên trên 18 triệu năm 2019. Dự báo đến 2020, chúng ta dự kiến đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỉ đồng.

Về cơ sở lưu trú, nếu trong năm 2015, Việt Nam có 19.000 cơ sở lưu trú thì tới năm 2019 chúng ta đã có 30.000 cơ sở với 650.000 phòng. Đặc biệt trong đó, nhiều khu nghỉ dưỡng của Việt Nam phát triển với quy mô chất lượng và đẳng cấp đã ngang tầm quốc tế, InterContinental Đà Nẵng 2 năm liền là Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất châu Á.

Đảng và Chính phủ cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiến lược phát triển du lịch năm 2030 cũng tái khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn". 

Đọc thêm