Nhiều hình thức lấy ý kiến nhân dân

Hôm qua (14/12), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố các Luật, Pháp lệnh vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua.

Hôm qua (14/12), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố các Luật, Pháp lệnh vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua.

Đó là: Luật Xuất bản, Luật Hợp tác xã, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Ảnh minh họa

Lấy ý kiến tất cả các tầng lớp nhân dân

Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 gồm 8 điều quy định về mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, đối tượng, thời gian lấy ý kiến nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Cũng theo Nghị quyết vừa được công bố, nội dung lấy ý kiến nhân dân lần này là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 bao gồm: lời nói đầu, chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục…Hình thức lấy ý kiến gồm góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 38/2012/QH13; thảo luận tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua trang thông tin điện tử của Quốc hội htttp:duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác.

Đối tượng lấy ý kiến bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/2013.

Một trong những yêu cầu của Nghị quyết nêu trên là ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Phải có căn cứ mới bỏ phiếu tín nhiệm

Giới thiệu về Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Phó Ban công tác Đại biểu của Quốc hội Ngô Tự Nam cho biết: theo Nghị quyết, việc bỏ phiếu tín nhiệm không được tiến hành thường xuyên mà phải có căn cứ, hai trong số các căn cứ dựa trên kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Căn cứ đối với việc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội gồm: UBTVQH đề nghị; có ý kiến bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số Đại biểu Quốc hội; có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” hai năm liên tiếp.

Ông Nam cũng cho biết, tại phiên họp mới đây UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu tiên với dự thảo hướng dẫn thực hiện nghị quyết. Ngay sau phiên họp của UBTVQH, hôm qua, ban soạn thảo đã họp thống nhất một số vấn đề lớn.

Theo đó, với các trường hợp nhân sự đưa ra bỏ phiếu mà tín nhiệm thấp thì việc miễn nhiệm, cách chức sẽ được làm ngay, không chờ đến kỳ họp tiếp theo.

Nghị quyết cũng quy định quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, mức độ tín nhiệm… Nghị quyết có hiệu lực từ 1/2/2013.

* Cũng trong chiều qua (14/12), Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố 5 văn bản Luật, gồm Luật Dự trữ quốc gia, Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Bình An

Đọc thêm