Nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người dân tại TP Hồ Chí Minh

(PLVN) - Hôm qua (12/1), HĐND TP HCM phối hợp thực hiện số đầu tiên năm 2025 của chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Tết Ất Tỵ - Hạnh phúc, bình yên, hướng đến tương lai”.
Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” do HĐND TP HCM phối hợp thực hiện.

Tại chương trình, PGĐ Sở LĐ-TB&XH TP Nguyễn Tăng Minh cho biết, năm nay, TP chăm lo 325.448 suất quà đến diện chính sách có công, với kinh phí hơn 423,7 tỷ đồng; chăm lo 8.575 suất với người nghèo, với hơn 10,7 tỷ đồng; 148.215 suất quà với diện bảo trợ xã hội, với kinh phí hơn 170,4 tỷ đồng. Riêng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng được chăm lo 4.931 suất, với kinh phí hơn 5,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, TP cũng chăm lo 7.542 suất đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với kinh phí hơn 8,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tổ chức đoàn đi thăm các đơn vị quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở xã hội…

Dịp Tết Ất Tỵ năm nay với chủ đề “Tết Sum vầy - Xuân đoàn kết”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Phạm Chí Tâm cho biết thêm, TP tập trung chăm lo 15.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, trong đó ưu tiên chăm lo đoàn viên Công đoàn tại các DN bị nợ lương, nợ BHXH, đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bão, lũ các tỉnh phía Bắc không có điều kiện về quê đón Tết, với hơn 27 tỷ đồng.

Đồng thời, Liên đoàn Lao động phối hợp tổ chức chương trình “Gia đình công nhân lao động vui Tết cùng TP” lần 4 năm 2025; “Tấm vé nghĩa tình - Xuân đoàn viên”; “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” với chủ đề: “Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt”; chương trình họp mặt tặng quà đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn; chương trình thăm, chúc Tết các đơn vị, DN, đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các công trình trọng điểm và gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Để kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như chống hàng gian, hàng giả trong dịp Tết, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TP đã chuẩn bị nguồn cung, các DN đầu mối tham gia Chương trình bình ổn thị trường với hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25 - 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả...

Đồng thời, các DN luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ…

Về hoạt động phân phối hàng hóa, ông Phương cho biết, Sở phối hợp UBND cấp huyện triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Để bảo đảm cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết… Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng 1; riêng một số hệ thống cửa hàng 24/7 hoạt động xuyên suốt Tết.

Về giá cả, giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.

Bên cạnh đó, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm, các DN, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.

Đại diện Sở Công Thương cho biết đã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc trên thị trường; Tăng cường tổ chức bán hàng lưu động tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu lưu trú công nhân.

Riêng Chương trình bán hàng lưu động - bình ổn thị trường Tết 2025 với chủ đề "Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương" được tổ chức đồng loạt từ 10/12/2024 đến hết 5/1/2025 với sự tham gia của nhiều DN, ứng dụng thanh toán không tiền mặt, kết hợp nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sâu và trao tặng những “Giỏ quà yêu thương” đến những hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Đọc thêm