Nhiều kết quả quan trọng trong thực hiện triển khai Công ước chống tra tấn

(PLVN) -Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực trong triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn, khẳng định quyết tâm và chính sách nhất quán, tính nhân văn của hệ thống pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam.
Lễ Tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan về Công ước chống tra tấn vào tháng 07/2022.
Lễ Tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan về Công ước chống tra tấn vào tháng 07/2022.

Cùng với nỗ lực vượt qua những thách thức và khó khăn do đại dịch Covid-19 mang đến, các cơ quan, bộ, ban, ngành Việt Nam đã quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thực hiện các cam kết về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền không bị tra tấn. Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là trên các khía cạnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn; nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn.

Cụ thể, về phổ biến, tuyên truyền Công ước chống tra tấn và các quy định pháp luật trong nước có liên quan, Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn. Trên cơ sở Kế hoạch triển khai Công ước chống tra tấn và Đề án tuyên truyền Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền; biên soạn, phát hành, đăng tải hàng chục cuốn sách, tài liệu tuyên truyền, tài liệu giảng dạy, tin, bài, phóng sự, chuyên đề trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình.

Trong đó, Bộ Tư pháp đã biên soạn các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật về các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống tra tấn gồm: Bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, sổ tay, chuyên đề phát thanh, tờ gấp pháp luật và các tiểu phẩm pháp luật, như infographic, tờ gấp pháp luật về các văn bản pháp luật mới, câu hỏi đáp pháp luật và các tiểu phẩm, tình huống pháp luật liên quan đến phòng, chống tra tấn để đăng trên Trang thông tin điện tử PBGDPL thuộc Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp để phổ biến pháp luật cho người dân

Về nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều quy định pháp luật trong nước để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn. Nhiều quy định về ngăn ngừa và trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn trong Công ước đã được nội luật hóa vào Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Trên cơ sở hệ thống các quy định của pháp luật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tổ chức triển khai trên thực tế. Các Bộ, ngành, địa phương đã tăng cường đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác chuyên môn của cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự; tiếp tục triển khai thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự trên phạm vi toàn quốc; bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, lao động, phân loại giam giữ, thăm gặp thân nhân, tiếp xúc lãnh sự, kiểm tra, khám sức khỏe đầu vào và định kỳ, phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định pháp luật; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thực thi công vụ; tiếp tục tổ chức nghiên cứu khả năng xây dựng Cơ quan Nhân quyền quốc gia trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam trong thời gian tới.

Có thể nói, với những kết quả đạt được nêu trên, việc Việt Nam tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán, tính nhân văn của hệ thống pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Đọc thêm