Cũng theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, các Bộ, ngành đã có sự chuyển biến tích cực trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Đặc biệt là sau Hội nghị toàn quốc thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 24 tháng 7 năm 2018, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia có sự phát triển đột phá, chỉ trong khoảng 5 tháng (từ ngày 24/7/2018 – 31/12/2018), các Bộ, ngành đã triển khai thêm được 100 thủ tục mới trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Tính đến ngày 30/01/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 173 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với gần 1,9 triệu hồ sơ của khoảng 27 ngàn doanh nghiệp. Bên cạnh việc triển khai tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.
Bên cạnh triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, trong năm 2018, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn bị xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ về trao đổi thông tin kết nối với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU); đồng thời tiến hành đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.
Như vậy, Việt Nam là một trong 5 nước ASEAN đầu tiên trao đổi C/O điện tử mẫu D, đồng thời Việt Nam cũng đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan điện tử ASEAN (ACCD) và chứng nhận kiểm dịch động thực vật.
Theo báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hợp tác với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan thực hiện thì: Những doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia nhận diện tương đối rõ những thuận lợi khi thực hiện thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể là giảm thời gian tiếp nhận, xử lý và thủ tục nhanh gọn, đơn giản (61%), giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp (51%), giao diện thân thiện, dễ hiểu (50%) và minh bạch trong thủ tục (42%), chi phí chuẩn bị hồ sơ giảm (40%), giảm nhân lực khi thực hiện (35%) và tăng hiệu quả quản lý cho doanh nghiệp (32%).