Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp Việt Nam chia sẻ, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tiếp cận bình đẳng nguồn lực, hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội.
Theo ông Đặng Trần Anh Tuấn, ý kiến, góp ý từ chuyên gia trong và ngoài nước thông qua hội thảo sẽ giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác giải quyết nuôi con nuôi có cái nhìn rộng hơn; đồng thời tăng cường năng lực trong việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai mô hình, các dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi. Đây còn là kênh tham khảo để cơ quan chức năng hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 và Nghị định 24/2019/NĐ-CP ngày 5/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi trước khi trình Chính phủ.
Tại Hội thảo, theo ông Vincenzo Starita - Phó Chủ tịch Ủy ban Con nuôi quốc tế Italia (CAI - cơ quan thuộc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Italia), chương trình hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Italy trong những năm qua đã đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần tạo nên nhiều gia đình mới đa sắc tộc, tôn trọng bản sắc cá nhân và cuộc sống trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của mỗi trẻ em bị bỏ rơi hoặc trẻ em không nơi nương tựa, giữa nước cho trẻ em làm con nuôi và nước nhận trẻ em làm con nuôi cần tiếp tục khắc phục những điểm yếu lẫn rào cản để việc nuôi con nuôi thực sự là công cụ phụ trợ để bảo vệ trẻ em, trong đó, quyền cơ bản của trẻ em là được lớn lên và giáo dục trong gia đình là vấn đề cốt lõi…
Hội thảo đã lắng nghe các ý kiến hữu ích từ phía các vị đại diện đến từ Italia và Bộ Tư pháp Việt Nam cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ một số tỉnh thành. Theo thẩm phán Gemma Tuccillo, người có 42 năm cống hiến trong ngành, thì việc đào tạo tốt cho các cặp vợ chồng để đảm bảo tất cả các điều kiện được đặt ra, để trẻ em khi bước vào môi trường gia đình mới có thể vượt qua một cách tốt nhất mọi khó khăn sinh lý có thể gặp phải là rất quan trọng.
Còn theo bà Phạm Thị Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp chia sẻ, thực tế cho thấy, quan hệ nuôi con nuôi thất bại do nhiều yếu tố như chỉ mới tập trung yếu tố pháp lý, chưa chú trọng yếu tố tâm lý, gia đình trong đánh giá điều kiện, người nhận và trẻ được nhận làm con nuôi chưa chuẩn bị tâm lý, tập huấn, trang bị kỹ năng cần thiết…
Các đại biểu đưa ra nhiều nhận định rất quan trọng trong công tác nuôi con nuôi mang tính cốt lõi, đó là hoạt động nuôi con nuôi chính là tìm một gia đình phù hợp cho trẻ em chứ không phải tìm trẻ em cho một gia đình, và nuôi con nuôi không phải là một biện pháp dành cho tất cả trẻ em, không phải gia đình nào cũng phù hợp nuôi con nuôi.
Tại hội thảo, các nội dung quan trọng như đánh giá tính cần thiết của công tác hỗ trợ trong quy trình giải quyết nuôi con nuôi ở Việt Nam, vai trò của tổ chức con nuôi trong hệ thống nuôi con nuôi quốc tế, vấn đề cách chăm sóc trong việc nhận con nuôi quốc tế, thực trạng dịch vụ công tác xã hội và hỗ trợ về nuôi con nuôi tại Việt Nam, định hướng thực hiện công tác xã hội trong giải quyết nuôi con nuôi ở Việt Nam trong giai đoạn tới... đã được đưa ra thảo luận.
Theo Vụ Con nuôi, Bộ Tư pháp, pháp luật về nuôi con nuôi ở Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; công tác giải quyết nuôi con nuôi đi vào nền nếp. Đến nay, có hơn 26.000 trẻ em tìm được gia đình thay thế trong nước, gần 4.000 trẻ em khuyết tật nặng, mắc bệnh hiểm nghèo tìm được gia đình thay thế ở nước ngoài.