Nhiều lô hàng nông sản chỉ còn mất 2 giờ để kiểm tra

(PLO) - Nỗ lực cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý được phân công, Bộ NN&PTNT đã tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp được cả ngàn tỷ đồng. 
Rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành đã tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí. Ảnh minh họa
Rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành đã tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí. Ảnh minh họa

Báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vào hôm nay (25/10), Bộ NN&PTNT cho biết: hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT cũng đang thực hiện 40 TTHC kiểm tra chuyên ngành, trong đó 32 TTHC liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 TTHC liên quan đến hàng hóa xuất khẩu.

Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng văn bản QPPL phải quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Về cơ bản, các TTHC liên quan KTCN từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế.

Đến nay, thời gian kiểm tra chuyên ngành được rút ngắn đi rất nhiều. Với kiểm tra lô hàng thủy sản XK, thời gian đã rút ngắn từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí.

Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.

Phương án đơn giản hóa các TTHC liên quan đến KTCN nêu trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và sẽ tiết kiệm chi phí thêm khoảng 9,5 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN), về cơ bản hiện nay đã không còn tình trạng độc quyền. Bộ đã công nhận, chỉ định 63 tổ chức đủ điều kiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Các loại phí, lệ phí chi cho hoạt động KTCN đã được rà soát, cắt giảm, và hiện chỉ còn 06 loại phí và lệ phí.  

Theo nguyên tắc cắt giảm tối đa việc KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, Bộ này cũng đề xuất cắt giảm 05 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi Danh mục hàng hóa phải KTCN khi nhập khẩu, cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch thực vật ít nguy cơ chứa đối tượng kiểm dịch, cắt giảm 04 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn; cắt giảm 09 nhóm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm thủy sản.

Làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ, Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. 

Bộ này cũng mong muốn Chính phủ sớm cho ý kiến định hướng về xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi các Nghị định để thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa TTHC theo trình tự, thủ tục rút gọn để nhanh chóng đưa các đề xuất trên của Bộ được triển khai trên thực tế.  

Đọc thêm