Nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh Thái Nguyên vào thị trường UKVFTA

(PLVN) - Các mặt hàng của tỉnh Thái Nguyên vào thị trường UKVFTA gồm điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt may; gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép... Đây là những sản phẩm có ưu thế xuất khẩu của Việt Nam và được hưởng ưu đãi theo Hiệp định UKVFTA.
Hiệp định UKVFTA thời cơ cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Anh. Ảnh: Moit.gov.vn.

UKVFTA được xem là hiệp định quan trọng mở lối để hàng hoá Việt Nam, trong đó có sản phẩm của doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường UKVFTA nói chung và Vương quốc Anh nói riêng.

Đến nay tỉnh Thái Nguyên có 11 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sang Vương quốc Anh. Kết quả trong 11 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu vào thị trường này đạt 685 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2,6% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu bao gồm sản phẩm gỗ lát sàn, nhựa lát sàn, điện thoại các loại và linh kiện, sản phẩm may mặc, dụng cụ dùng trong y tế.

Giá trị nhập khẩu từ thị trường Anh đạt 250 triệu USD, bao gồm nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất mũ bảo hiểm thời trang của hãng Dainess, hàng tạm nhập về linh kiện điện thoại, vi tính, nguyên liệu sản xuất.

Để triển khai thác có hiệu quả Hiệp định UKVFTA trên địa bàn, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch để phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan: Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về UKVFTA và thị trường Vương quốc Anh; hướng dẫn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật và cam kết trong Hiệp định; đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật.

Cùng với đó, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối về hội nhập kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương để đảm bảo việc thực hiện hiệp định được hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo lập và củng cố nền hành chính năng động, dân chủ, hiện đại; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI);

Triển khai thực hiện các chính sách xã hội, bao gồm chính sách hỗ trợ tài chính, đào tạo, đào tạo lại chuyển đổi nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm... để hỗ trợ người lao động khi mất việc làm do các doanh nghiệp không đứng vững được trong quá trình cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong nỗ lực đưa hàng hoá sang thị trường Anh các doanh nghiệp ở địa phương cũng gặp những vướng mắc. Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên chỉ ra: Thứ nhất, hiện tại, các doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên xuất khẩu vào thị trường Anh chủ yếu là các doanh nghiệp khối FDI. Việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường Anh của các đơn vị thuộc khối doanh nghiệp trong nước của tỉnh Thái Nguyên còn hạn chế. Khối doanh nghiệp trong nước ở tỉnh mới chỉ có 1 đơn vị xuất khẩu sản phẩm may mặc, tuy nhiên giá trị còn ở mức còn thấp (đạt khoảng 3,6 triệu USD).

Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước ở tỉnh cũng đã có các đơn vị xuất khẩu vào các thị trường khác như sản phẩm may mặc, cơ khí, dụng cụ y tế, phụ tùng xe nhưng chưa có sản phẩm vào được thị trường Anh. Lý do là các đơn vị này chưa tìm được đối tác ở thị trường này, ở các đơn vị may mặc chủ yếu là thực hiện theo đơn đặt hàng gia công của đối tác nước ngoài, năng lực tự thiết kế chào hàng còn hạn chế.

Ngoài ra, đối với sản phẩm trà Thái Nguyên, một số đơn vị trên địa bàn tỉnh đã bước đầu tiếp cận thành công xuất khẩu vào các thị trường khó tính: Ba Lan, Đức, Séc, Nhật Bản (chủ yếu dưới hình thức ủy thác), tuy nhiên lượng hàng chưa ổn định, số lượng chưa nhiều.

Đọc thêm