Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác vận động quần chúng cần nhân rộng

(PLVN) - Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, ngay sau khi Đề án 1371 ra đời, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quán triệt, triển khai và thực hiện triệt để nội dung của Đề án, ban hành đầy đủ hệ thống văn bản liên quan. Nhiều mô hình sáng tạo trong công tác vận động quần chúng nhân dân đã được tỉnh Lai Châu áp dụng.
Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì khảo sát Đề án 1371 tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu.
Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì khảo sát Đề án 1371 tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu.

Chiều 13/7, đoàn công tác của Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng thực hiện khảo sát kết quả triển khai thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, giai đoạn 2021-2027” (gọi tắt là Đề án 1371) tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu.

Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, Thành viên Ban chỉ đạo 1371 Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn công tác chủ trì hội nghị khảo sát.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, ngay sau khi Đề án 1371 ra đời, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quán triệt, triển khai và thực hiện triệt để nội dung của Đề án, ban hành đầy đủ hệ thống văn bản liên quan. Là đơn vị được lựa chọn làm điểm để triển khai thực hiện trước, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã lựa chọn Đồn Biên phòng Huổi Luông và Ka Lăng làm điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện sâu rộng.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án, các cơ quan, đơn vị đã coi trọng công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn toàn diện các mặt công tác trên phạm vi các xã biên giới. Công tác kiểm tra được đơn vị quan tâm và tiến hành thường xuyên; nội dung, hình thức kiểm tra phù hợp với từng địa bàn nên đã đánh giá thực chất kết quả triển khai ở cơ sở; kịp thời phổ biến, nhân rộng cách làm hay, khắc phục những hạn chế ngay từ cơ sở, địa phương, từng mặt công tác.

Hiện 22/22 xã biên giới của tỉnh Lai Châu đã có câu lạc bộ tư vấn pháp luật; 15/15 cơ quan, đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh có tủ sách pháp luật. Thành viên câu lạc bộ bao gồm cán bộ các đồn biên phòng, cán bộ tư pháp, văn hóa xã, công an xã. Các câu lạc bộ hoạt động tích cực phục vụ nhu cầu tư vấn và giải đáp những vấn đề về pháp luật cho 3.203 lượt quần, chúng nhân dân trên địa bàn.

Các tổ tuyên truyền pháp luật ở các đồn Biên phòng được thành lập và duy trì hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực hoạt động.

Tính đến tháng 7/2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu có 5 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 5 báo cáo viên pháp luật cấp Bộ đội Biên phòng, 33 đồng chí báo cáo viên pháp luật cấp Bộ đội Biên phòng tỉnh và 37 đồng chí tuyên truyền viên cấp cơ sở.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Đặc biệt với phương châm chỉ đạo “gần dân, chăm lo cho dân”, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phân công 19 cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức danh bí thư, phó bí thư đảng ủy các xã biên giới; tham gia củng cố 22 đảng bộ xã, bồi dưỡng và đề nghị kết nạp vào Đảng hàng trăm quần chúng ưu tú.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu hiện hỗ trợ 230 cháu học sinh trong Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường” trong 2 năm 2022-2023 với tổng số tiền 2 tỷ 174 triệu đồng; nuôi trực tiếp 7 cháu học sinh tại 3 đồn Biên phòng trong Chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” với số tiền 1 tỷ 330 triệu đồng; 57 cháu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức hỗ trợ mỗi tháng 500.000đ/học sinh/tháng với tổng số tiền 2 tỷ 259 triệu đồng.

Kết luận tại buổi khảo sát, Đại tá Phạm Đức Hoài Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng khẳng định: Đảng ủy, Bộ đội chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án 1371, có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, cần nhân rộng ra các đơn vị trong toàn quân.

Đại tá cũng đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tiếp tục chú trọng xây dựng, củng cố, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cấp, nhất là đối với cấp cơ sở; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng nhóm tôn giáo và thường xuyên quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới.

Cùng với đó, đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện Đề án; thường xuyên sơ, tổng kết đánh giá kết quả và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần cùng các lực lượng thực hiện thắng lợi Đề án 1371 của Chính phủ.

Đọc thêm