Kỳ tuyển sinh năm 2012 sẽ là năm mở đầu cho lộ trình đổi mới thi cử tới năm 2015. Việc này sẽ được chính thức công bố sau khi có góp ý, đề xuất của các trường vào giữa tháng 1/2012.
Không bắt buộc thi theo khối mới
Bộ trưởng GDĐT Phạm Vũ Luận đã chính thức công bố việc bổ sung một số khối thi ĐH,CĐ kỳ tuyển sinh tới bên cạnh 4 khối thi truyền thống, đồng thời sẽ trưng cầu ý kiến về phương án chỉ thi tuyển sinh theo 6 môn và không phân biệt theo các khối A,B,C… Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định: Từ nay đến năm 2015, cần thay đổi số môn thi và khối thi ĐH, CĐ. Theo đó, cần thi nhiều môn (thay vì chỉ 3 môn như hiện nay) và dù là ngành nào cũng bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội.
Về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung”, tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy năm 2012 sẽ có một số điều chỉnh. Cụ thể, Bộ GDĐT nghiên cứu bổ sung một số khối thi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào của các ngành đào tạo, tạo sự linh hoạt trong xét tuyển của các trường và tăng cơ hội đăng ký dự thi của thí sinh.
Lo ngại việc thay đổi khối thi có thể ảnh hưởng đến kết quả của thí sinh, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, việc tiến hành thi theo khối thi mới này là không bắt buộc. Thí sinh vẫn có thể thi theo khối thi truyền thống nhưng đồng thời có thêm cơ hội đăng ký thì theo khối thi mới. Cụ thể, sau khi việc mở rộng khối thi được quyết định, Bộ sẽ yêu cầu các trường thông báo công khai yêu cầu tuyển sinh bao gồm ngành đào tạo, khối thi, chỉ tiêu.
|
Sẽ có nhiều khối thi? |
Theo đó, có thể cùng một ngành, tuyển sinh cả khối thi truyền thống và khối thi mới- Thứ trưởng Ga cho biết. Bộ GDĐT cũng khẳng định đây không phải là thay đổi hẳn hình thức thi mà vẫn tiến hành thi “3 chung”. Việc thay đổi các môn thi bắt buộc sẽ chỉ được áp dụng sau 3 năm kể từ khi thông báo để không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.
Tự chủ tuyển sinh- không tái diễn “ lò luyện”
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định trong chỉ thị, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển, trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định; các trường đại học trọng điểm, các trường đại học thuộc khối Năng khiếu - Nghệ thuật chủ động đề xuất phương án tuyển sinh với yêu cầu chung: không để tái diễn luyện thi; tổ chức tuyển sinh nghiêm túc và có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội kiểm tra, giám sát.
Học sinh giỏi được tuyển thẳng Một thay đổi quan trọng khác cũng đang được lấy ý kiến: Những học sinh đạt từ giải ba trở lên tại cuộc thi HSG QG sẽ được tuyển thẳng vào ĐH theo chủ trương khuyến khích các ngành đào tạo khoa học cơ bản, các ngành như sư phạm, nông nghiệp… |
Ngoài ra, căn cứ các tiêu chí quy định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 phù hợp với các điều kiện bảo đảm chất lượng (tỷ lệ sinh viên/giảng viên, diện tích sàn xây dựng,…); Điều chỉnh chỉ tiêu chính quy để giải quyết mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng, đồng thời tiếp tục giảm chỉ tiêu không chính quy để nâng cao chất lượng đào tạo.
Ngoài công tác tuyển sinh, Chỉ thị cũng đề ra những nhiệm vụ cụ thể đối với giáo dục ĐH liên quan đến công tác đào tạo, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công tác tổ chức và cán bộ, hợp tác và đào tạo quốc tế...
Thi tốt nghiệp- xóa bỏ thi cụm?
Được biết, từ kì thi 2012 hình thức thi cụm, chấm theo liên tỉnh sẽ bị xóa bỏ và thu hẹp lại trong từng địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể để tiến đến việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT gọn nhẹ nhưng đảm bảo an toàn và nghiêm túc. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011-2012, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho giám đốc các Sở GD-ĐT trong khâu tổ chức thi. Giao cho Giám đốc Sở GD-ĐT đưa ra cách thức tổ chức thi phù hợp với địa phương của mình. Bên cạnh đó, Sở cũng được phép chủ động tổ chức chấm thi, nhưng phải đảm bảo yêu cầu chấm chéo bài thi tự luận giữa các khu vực của tỉnh.
Như vậy với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012, hình thức thi cụm, chấm theo liên tỉnh sẽ bị xóa, và chỉ còn thu hẹp lại trong từng địa phương.
Về kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (HSG QG), Bộ đang lấy ý kiến đóng góp cho những đổi mới như sau: Tổ chức thi HSG QG sẽ tổ chức theo mô hình các cuộc thi Olympic quốc tế. Cụ thể, sẽ đưa phần thực hành vào theo đúng mô hình quốc tế nhằm khuyến khích dạy thực hành trong trường phổ thông. Với thi HSG QG môn ngoại ngữ, sẽ đưa thêm phần thi kỹ năng nói.
Uyên Na