Động thái cảnh tỉnh những người thiếu ý thức
Từ cuối năm 2020 đến nay, công an các tỉnh, thành đã khởi tố 3 vụ án về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” đối với cá nhân có những hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch.
Các cá nhân bị khởi tố là BN1432, là tiếp viên hàng không tại TP HCM và người này đã bị khởi tố bị can; BN1440 ở tỉnh Vĩnh Long; và mới đây nhất là BN2278 ở Hải Dương.
Đối với BN1342 là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Ngày 14/11/2020, người này đi trên chuyến bay từ Nhật Bản về và được tổ chức cách ly theo quy định. Tuy nhiên, BN1342 không thực hiện nghiêm việc cách ly, bị nhiễm bệnh, không thực hiện nghiêm việc cách ly tại nhà khiến lây lan dịch bệnh cho một số người khác.
Ngày 3/12/2020, Công an TP HCM ra quyết định khởi tố vụ án "Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo Điều 240 BLHS. Tháng 1/2021, người này bị khởi tố.
Với BN1440 (ngụ huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), rạng sáng 24/12 nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam qua đường mòn lối mở ở huyện An Phú, An Giang về nhà. Đầu tháng 1/2021, sau quá trình điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án.
Mới đây, ngày 22/2, Công an TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cũng ra quyết định khởi tố vụ án với tội danh tương tự xảy ra tại số nhà 15 Trần Sùng Dĩnh, khu 14, phường Hải Tân; để điều tra hành vi của BN2278 (52 tuổi).
Trước đó, trong ba ngày 15-17/2, TP Hải Dương phát hiện 11 ca bệnh xảy ra trong cộng đồng. BN2278 là F1 của một trong 11 ca bệnh trên nhưng không khai báo và thực hiện các biện pháp chống dịch. Người này đã làm lây lan dịch bệnh cho chồng, con và người giúp việc, làm khu vực cư trú của những người nói trên bị phong tỏa, cách ly và gây thiệt hại kinh tế, gây hoang mang trong dân.
Trong ba vụ án trên, cả ba BN trên đều bị xác định không tuân thủ đúng quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 là trốn cách ly, cách ly không đúng, khai báo không trung thực để tránh bị cách ly.
|
Lực lượng chức năng tại một chốt kiểm soát dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh. |
“Việc khởi tố là có cơ sở, đúng luật và rất kịp thời”
LS Trương Hồng Điền (Đoàn LS TP HCM) nhận định: “Việc khởi tố các vụ án trên để điều tra hành vi không tuân thủ quy định về cách ly, khai báo gian dối, dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh nhóm A cho người khác, theo Điều 240 BLHS, mức hình phạt cao nhất đến 12 năm, là đủ cơ sở pháp luật và cần thiết”.
“Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” được hiểu là hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”.
“Trước đây, trốn khỏi nơi cách ly, trốn tránh cách ly, khai báo không trung thực để tránh cách ly… chưa được xác định là “hành vi khác…” vì thời điểm đó chưa có hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền. Một số địa phương chỉ áp dụng quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Những hành vi bị nghiêm cấm gồm: “Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm... để xử phạt hành chính với mức phạt khá thấp, không đủ răn đe”, LS nói.
Tuy nhiên, từ 30/3/2020, TAND Tối cao đã ban hành Công văn 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hướng dẫn cụ thể “hành vi khác” như sau:
Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” và bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly (trường hợp BN 1342 ở TP HCM); từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly (trường hợp BN1440 ở Vĩnh Long); không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối (trường hợp BN2278 ở Hải Dương).
“Các cá nhân này đều có đầy đủ nhận thức và đầy đủ thông tin về phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn cố tình không tuân thủ. Hậu quả xảy ra với BN1342 và BN2278 là làm nhiều người khác nhiễm bệnh, một số khu vực phải phong tỏa gây hậu quả về kinh tế, đời sống. Đây là những dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này”.
“Theo tôi, việc khởi tố là có cơ sở, đúng luật và rất kịp thời. Bởi vì không ít người có tâm lý không muốn bị cách ly nên tìm cách trốn tránh, khai báo không trung thực; gây khó khăn, phức tạp trong công tác truy vết, phòng chống dịch. Các hành vi trên gây thiệt hại lớn nếu những người thực hiện hành vi bị nhiễm bệnh và lây lan ra cộng đồng”, LS Điền nói.