Nhiều nước đề nghị thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

(PLO) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thông tin trên tại buổi tiếp xúc cử tri tại Câu lạc bộ hưu trí tỉnh Thái Nguyên trước thềm Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Chinhphu.vn
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Chinhphu.vn

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, kỳ họp thứ 5 sẽ khai mạc vào ngày 21/5 và bế mạc vào ngày 14/6/2018 với tổng thời gian là 19 ngày. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án Luật, trong đó có Luật An ninh mạng, Luật cạnh tranh (sửa đổi), Luật Tố cáo (sửa đổi), và Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, quyết toán ngân sách Nhà nước và xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác của đất nước; thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2018…

Theo Phó Thủ tướng, điểm mới của kỳ họp là Quốc hội sẽ tăng thời lượng thảo luận tại hội trường, giảm thời lượng họp nhóm, thảo luận tổ.

Bên cạnh những nội dung chính của Kỳ họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã dành thời gian để thông tin với cử tri tình hình quốc tế và công tác đối ngoại trong thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi nhanh, sâu sắc và khó lường, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt…, Việt Nam đã chủ động triển khai chính sách đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, đem lại thành công trên bình diện song phương và đa phương.

Kể từ năm 2011, Việt Nam đã thiết lập thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 15 đối tác chủ chốt trên thế giới nhưng điều quan trọng là nhiều nước đã đề nghị thiết lập cấp độ quan hệ trên với Việt Nam, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, việc xây dựng đối tác chiến lược/đối tác toàn diện giúp tăng cường lòng tin về chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng…, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình cho phát triển đất nước.

Trong năm 2016-2017, hầu hết lãnh đạo các nước quan trọng đã đến thăm Việt Nam, trong đó có chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ 19, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản…, qua đó thể hiện quan hệ với các nước phát triển tích cực.

Đặc biệt, năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất về đối ngoại khi Việt Nam làm chủ nhà APEC. Với vai trò chủ nhà, Việt Nam đã dung hòa, thu hẹp được khác biệt để APEC tái khẳng định vai trò là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu của khu vực với các mục tiêu của APEC là tự do thương mại, thuận lợi hóa đầu tư và tăng trưởng trong khu vực, qua đó duy trì được những giá trị của APEC.

Trong một thập kỷ qua, đây là một trong hai Tuần lễ Cấp cao có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên. Vị thế của Việt Nam còn được thể hiện ở việc lần đầu tiên Tổng thống Mỹ và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc tham dự phiên họp của Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC (CEO Summit). 

Đặc biệt, nhờ nỗ lực thu xếp của Việt Nam, lãnh đạo thăm song phương Việt Nam trong cùng thời điểm và đều bày tỏ hài lòng với khả năng thu xếp của nước chủ nhà.

Về mặt kinh tế, qua các chuyến thăm, cuộc gặp song phương, đã có 121 thỏa thuận trị giá hơn 20 tỷ USD được ký kết, mang lại cơ hội cho người dân và doanh nghiệp. Những con số cho thấy vai trò vị thế ngày càng tăng của Việt Nam đồng thời qua đó cũng chứng tỏ bước tiến về khả năng dẫn dắt các vấn đề hội nhập của Việt Nam.

Đọc thêm