Nhiều nước đồng loạt mạnh tay siết quản lý mạng xã hội

(PLVN) - Giới chức một số nước thời gian qua đã công bố nhiều biện pháp nhằm thắt chặt quản lý đối với các mạng xã hội, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc xử lý các nội dung xấu, độc được đăng tải trên các nền tảng này.
Hình minh họa
Hình minh họa

“Thời đại tự quản đã kết thúc”

Theo văn bản chính sách được Chính phủ Anh công bố hôm đầu tuần, Anh dự kiến sẽ áp dụng các quy định mới với tất cả những công ty cho phép người dùng chia sẻ hoặc khám phá những nội dung thông tin do người sử dụng tổng hợp hoặc tương tác với nhau trực tuyến. 

Quy định mới cũng sẽ áp dụng với các trang web lưu trữ những tệp dữ liệu, những diễn đàn tán gẫu cũng như các nền tảng truyền thông xã hội, dịch vụ nhắn tin và công cụ tìm kiếm nổi tiếng. Các công ty có thể đối mặt án phạt nặng nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn được đưa ra. 

“Chúng tôi đang tham vấn về quyền hạn để đưa ra những mức phạt nặng, chặn truy cập vào các trang web và có khả năng áp dụng quy định buộc phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các thành viên quản lý cấp cao của các công ty về những nội dung độc hại được đăng tải trên các trên nền tảng của họ”, Chính phủ Anh cho biết trong một tuyên bố.

Cùng với đó, Chính phủ Anh cũng lập kế hoạch thành lập một đơn vị quản lý độc lập nhằm xử lý tất cả các loại nội dung độc hại từ khuyến khích bạo lực và tự tử tới phát tán tin giả và bắt nạt trên không gian mạng. Cơ quan quản lý mới sẽ có quyền buộc các nền tảng mạng xã hội và các công ty cung cấp báo cáo minh bạch hàng năm. Các báo cáo này sẽ bao gồm thông tin về những cấp độ nội dung có hại được phổ biến trên trang web của các công ty cũng như cách họ giải quyết vấn đề. 

Cơ quan này còn có thể ban hành các quy tắc hoạt động, có thể buộc các công ty phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định, như thuê nhân viên kiểm tra nhanh sự thật với các thông tin được đăng tải trên các nền tảng của họ, đặc biệt là trong thời gian diễn ra các cuộc bầu cử. “Thời đại tự quản của các công ty trực tuyến đã kết thúc. Những bên không tuân thủ quy định sẽ phải đối mặt với những động thái nghiêm ngặt”, Bộ trưởng Kỹ thuật số Anh Jeremy Wright tuyên bố.

Các kế hoạch nói trên đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Theresa May lên tiếng cảnh báo các công ty công nghệ rằng họ “chưa hành động đến nơi đến chốn” trong việc bảo vệ người dùng. Bà May cũng tuyên bố chính phủ của bà sẽ xác lập trách nhiệm pháp lý của các công ty trong việc đảm bảo an toàn cho người dùng mạng xã hội. “Trong một thời gian quá dài, các công ty này đã không thực hiện đủ những biện pháp để bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, khỏi những nội dung có hại. Điều đó là không tốt và đã đến lúc phải làm những điều khác biệt. Các công ty trực tuyến phải bắt đầu chịu trách nhiệm về các nền tảng của họ và giúp khôi phục niềm tin của công chúng vào công nghệ này”, Thủ tướng Anh tuyên bố.

Vấn đề quản lý mạng xã hội đã trở nên cấp thiết hơn sau khi facebook đã không thể ngăn chặn ngay lập tức việc phát sóng trực tiếp vụ một phần tử cổ súy chủ nghĩa da trắng thượng đẳng xả súng vào hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand khiến 50 người thiệt mạng hôm 15/3. Những người ủng hộ việc thắt chặt quy định đối với hoạt động của các trang mạng xã hội đã hoan nghênh các đề xuất mới của Chính phủ Anh. 

“Trong một thời gian dài, các mạng xã hội đã không ưu tiên sự an toàn của trẻ, khiến chúng tiếp xúc với những vụ dụ  dỗ, lạm dụng và nội dung có hại. Đã đến lúc họ bị buộc phải hành động với những nghĩa vụ mang tính ràng buộc về mặt pháp lý để bảo vệ trẻ em và sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề nếu không tuân thủ các quy định”, ông Peter Wanless, người đứng đầu Hiệp hội quốc gia phòng chống những hành vi tàn bạo đối với trẻ em, của Anh nhận định. 

84% người Mỹ lo ngại về tin giả cuộc bầu cử tới

Trước đó, Quốc hội Australia hôm 4/4 cũng đã thông qua dự luật mới với điều khoản quy định phạt nặng người điều hành những doanh nghiệp truyền thông xã hội không dỡ bỏ kịp thời các nội dung cực đoan khỏi nền tảng của họ. Theo luật mới của Australia, các nội dung về khủng bố, giết người, tra tấn, hiếp dâm và bắt cóc được coi là nội dung bạo lực. Các công ty như Facebook, Google sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu không gỡ bỏ các đoạn phim có chứa các nội dung bất hợp pháp nói trên trong thời gian sớm nhất. 

Luật mới của Australia cũng bao gồm quy định các giám đốc điều hành có trụ sở tại nước này và nước ngoài có thể phải đối mặt mức án tối đa là ba năm tù nếu bị kết tội còn các công ty có thể bị phạt 7,5 triệu USD hoặc 10% doanh thu hàng năm, tùy thuộc vào con số nào lớn hơn. Luật còn bao gồm điều khoản quy định các công ty truyền thông mạng xã hội sẽ đối mặt mức phạt lên tới 597.500 USD nếu họ không thông báo cho cảnh sát liên bang Australia khi dịch vụ của họ được sử dụng để phát sóng trực tiếp bạo lực diễn ra tại Australia. 

“Cùng nhau, chúng ta phải hành động để đảm bảo rằng thủ phạm và đồng phạm của những vụ bạo lực không thể tận dụng các nền tảng mạng xã hội cho mục đích truyền bá tuyên truyền bạo lực và cực đoan của chúng. Những nền tảng này không nên để bị biến thành công cụ của tội ác”, Bộ trưởng Tư pháp Australia Christian Porter tuyên bố khi giới thiệu dự luật.

Hôm 1/4 vừa qua, Singapore cũng đã công bố một dự luật với nhiều biện pháp cứng rắn mới nhằm chống lại nạn tin giả. Theo Bộ Tư pháp Singapore, theo quy định của dự luật mới, những người sử dụng tài khoản trực tuyến giả hoặc lan truyền thông tin sai lệch tại Singapore có thể đối mặt với việc bị phạt tiền lên tới 100 ngàn USD và phạt tù tới 10 năm. Các nền tảng internet, bao gồm các trang truyền thông xã hội như Facebook, cũng sẽ được yêu cầu hành động nhanh chóng để hạn chế sự lan truyền tin giả bằng cách hiển thị các chỉnh sửa bên cạnh các bài đăng hoặc xóa chúng. Việc không tuân thủ có thể bị phạt tới 1 triệu USD.

Tại Mỹ và Canada, theo kết quả khảo sát do công ty Maru/Matchbox thực hiện với 1.516 người Canada và 1.523 người Mỹ, được công bố ngày 9/4, mạng xã hội đang ngày càng trở thành một nguồn tin phổ biến. Có tới 48% số người Canada được hỏi cho biết họ thu thập thông tin về tình hình thế giới thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter. Ở Mỹ, tỉ lệ này là 52% số người được hỏi. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong số tất cả các nguồn tin mà người dân có thể tiếp cận, mức độ tin tưởng vào mạng xã hội là thấp nhất. Mức độ tin tưởng với các thông tin trên mạng xã hội ở Mỹ là 43% còn ở Canada là 32%. Trong khi đó, mức độ tin tưởng của những người được hỏi đối với các kênh tin tức truyền thống như đài phát thanh và báo chí ở cả hai nước đều đạt 80%. 

Cũng theo kết quả khảo sát, người Mỹ và Canada cho rằng tin tức chính trị là những thông tin có khả năng bị làm sai lệch nhất. Đáng chú ý, có tới 84% số người Mỹ được hỏi cho biết họ lo ngại về tin giả trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 tới. Tuy nhiên, 50% trong số này tin tưởng rằng họ có đủ sự nhạy bén để có thể xác định đâu là những thông tin chính xác. 

Một khảo sát các hãng tin NBC News và tờ Wall Street Journal tiến hành được công bố trước đó ít ngày cũng cho hay, 57% những người được hỏi tin rằng mạng xã hội gây chia rẽ đất nước nhiều hơn và 61% cho rằng các mạng xã hội lan truyền tin đồn thất thiệt về những nhân vật và công ty nổi tiếng. 

Đọc thêm