Nhiều thách thức trong nâng cao chất lượng dân số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 26/12/2023, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức lễ Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam và Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024.

Theo đại diện Cục Dân số, năm 2023, đối với chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết 01/NQ-CP, chỉ có chỉ tiêu tuổi thọ trung bình (tính từ lúc sinh) 73,8 là đạt kế hoạch…

Một số chỉ tiêu công tác dân số không hoàn thành, rất nhiều khó khăn, hạn chế. Mức sinh giảm dưới mức sinh thay thế, còn biến động khó lường; hoạt động cung ứng dịch vụ dân số bị gián đoạn; mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức với công tác dân số từ nhiều năm nay và đang có dấu hiệu gia tăng.

Nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số, gồm cả cộng tác viên dân số. Chất lượng thông tin, số liệu chuyên ngành dân số chưa được đầu tư đúng mức làm giảm độ tin cậy đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, về chỉ tiêu chuyên môn "Giảm số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn" không đạt kế hoạch đề ra (năm 2023 giảm 15% so với năm 2022). Nguyên nhân không đạt là do vị thành niên và thanh niên còn nhiều hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ dân số, kế hoạch hoá gia đình, chưa được giáo dục đầy đủ về sức khỏe giới tính; Chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tương lai; Gia đình vị thành niên, thanh niên còn chưa chú trọng việc giáo dục sức khoẻ sinh sản để phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho các em.

Chỉ tiêu "tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh)" (chỉ tiêu giao 60%), tính đến ngày 21/12/2023, qua báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố số phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh chủ yếu bằng kỹ thuật siêu âm (tương ứng 69,63%) số phụ nữ mang thai và chỉ có 11,65% phụ nữ mang thai được sàng lọc bằng kỹ thuật xét nghiệm.

Chỉ tiêu "Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh)" (chỉ tiêu giao 55%), tính đến 21/12/2023, qua báo cáo của 51/63 tỉnh, thành phố, số trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh bằng kỹ thuật xét nghiệm mẫu máu gót chân (ít nhất 02 bệnh) là 557.806/931.805 (tương ứng 59,91%) số trẻ em mới sinh 2023.

Chỉ tiêu "Tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn" (chỉ tiêu giao 8% so với năm 2022), tính đến ngày 21/12/2023 có 55/63 tỉnh/thành phố gửi báo cáo. Tuy nhiên, các báo cáo gửi chưa thống kê đầy đủ số liệu tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn (có 40 tỉnh, thành phố có số liệu về tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn và chỉ có 14/40 tỉnh có số liệu báo cáo đạt chỉ tiêu kế hoạch giao: tăng thêm tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: chỉ tiêu giao 8% so với năm 2022). Dự kiến năm 2023 không đạt kế hoạch đề ra.

Chỉ tiêu "Tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm" (chỉ tiêu giao 11% so với năm 2022), tính đến ngày 21/12/2023 có 48/63 Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố gửi báo cáo. Tỉ lệ người cao tuổi khám sức khỏe ước tính đạt 55,3% năm 2023 (của 44 tỉnh, thành phố báo cáo số liệu, 4 tỉnh không có số liệu khám: Lạng Sơn, Nam Định, Đắk Lắk, Vĩnh Long ). Dự kiến cả năm 2023 không đạt chỉ tiêu kế hoạch giao là tăng 11% so với năm 2022 là 57,5%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: BTC)

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: BTC)

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, hưởng ứng của quần chúng nhân dân, chương trình dân số Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả về chất và về lượng.

Theo đó, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan truyền thông đại chúng, mỗi cộng đồng và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành và hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành Y tế - dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Đọc thêm