Nhiều tỉnh, thành lên phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

(PLVN) -  Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhiều tỉnh, thành đã đồng loạt lên phương án sắp xếp xã, phường, với tỉ lệ giảm từ 66% đến gần 70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã hiện có.

* Khánh Hòa dự kiến sẽ còn 40 đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 17/4, ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đã có phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 132 đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến xuống còn 40 đơn vị (29 xã, 10 phường, 1 đặc khu), giảm 92 đơn vị hành chính cấp xã, tương đương tỷ lệ giảm 69,69%.

Cụ thể, đối với TP Nha Trang, trung tâm kinh tế - du lịch của tỉnh, dự kiến sau sắp xếp sẽ giảm 19 xã, phường, còn 3 phường, gồm: phường Nha Trang, phường Bắc Nha Trang và phường Nam Nha Trang. Đây là bước đi mang tính đột phá nhằm nâng cao hiệu lực quản lý đô thị, tạo nền tảng cho chiến lược phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch thông minh, tầm cỡ quốc tế.

TP Cam Ranh sẽ giảm 10 xã, phường, sau sắp xếp còn 5 xã, phường, gồm: phường Cam Ranh, phường Cam Ranh 1, phường Cam Ranh 2, phường Cam Ranh 3, xã Cam Ranh 4.

Thị xã Ninh Hòa sẽ giảm 18 đơn vị hành chính cấp xã, còn 8 xã, phường, gồm: phường Ninh Hòa, xã Ninh Hòa 1, phường Ninh Hòa 2, phường Ninh Hòa 3, xã Ninh Hòa 4, xã Ninh Hòa 5, xã Ninh Hòa 6, xã Ninh Hòa 7.

Huyện Vạn Ninh sẽ giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, còn 5 xã, gồm: xã Vạn Ninh, xã Vạn Ninh 1, xã Vạn Ninh 2, xã Vạn Ninh 3, xã Vạn Ninh 4.

Huyện Diên Khánh sẽ giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã; còn 6 xã, gồm: xã Diên Khánh, xã Diên Khánh 1, xã Diên Khánh 2, xã Diên Khánh 3, xã Diên Khánh 4, xã Diên Khánh 5.

Huyện Cam Lâm sẽ giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã, còn 4 xã, gồm: xã Cam Lâm, xã Cam Lâm 1, xã Cam Lâm 2, xã Cam Lâm 3.

Huyện Khánh Vĩnh sẽ giảm 9 đơn vị hành chính cấp xã, còn 5 xã, gồm: xã Khánh Vĩnh, xã Khánh Vĩnh 1, xã Khánh Vĩnh 2, xã Khánh Vĩnh 3, xã Khánh Vĩnh 4.

Huyện Khánh Sơn sẽ giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, còn 3 xã, gồm: xã Khánh Sơn, xã Khánh Sơn 1, xã Khánh Sơn 2.

Huyện đảo Trường Sa sẽ giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã, hình thành đặc khu.

Các xã, phường mới thành lập sẽ được đặt tên theo số thứ tự, hoặc tên đơn vị hành chính cấp huyện đi kèm số, nhằm thuận lợi cho việc quản lý dữ liệu và hành chính công.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thiện đề án chi tiết, lấy ý kiến nhân dân và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 25/5/2025.

* TP HCM dự kiến có 168 phường xã sau sát nhập

Tại họp báo kinh tế - xã hội diễn ra chiều 17/4 tại TP HCM, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, vừa qua Hội nghị Thành ủy lần 39, khóa XI TP HCM họp và thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã ở TP HCM từ 273 phường xã xuống còn 102 phường xã, bao gồm 78 phường và 24 xã. Như vậy, ĐVHC cấp xã của TP HCM giảm 171, tỷ lệ 62,64%.

Về quy mô dân số, TP HCM có 62 đơn vị hành chính dưới 100.000 dân, 23 đơn vị từ 100.000 đến 150.000 dân và 17 đơn vị từ 150.000 đến 200.000 dân.

Bên cạnh đó, khi sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM, TP HCM mới sẽ có 168 phường, xã, vẫn giữ nguyên các đơn vị hành chính Thạnh An và Côn Đảo.

Trong đó TP HCM có 102 phường xã, Bình Dương từ 91 phường xã còn 36 phường xã (24 phường, 12 xã), Bà Rịa - Vũng Tàu từ 77 phường xã còn 30 phường xã (11 phường, 13 xã, 1 đặc khu).

Đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã họp thống nhất phương án xây dựng các đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh và cấp xã.

Ngoài ra, Sở Nội vụ TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã tổ chức cuộc họp để trao đổi, thống nhất, rà soát các ranh đơn vị hành chính của các khu vực ranh chồng lấn nhằm phối hợp, phân tách và sắp xếp phường xã mới của TP HCM mới thống nhất, tương đồng tạo dư địa phát triển, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, gần dân sát dân.

Ông Thuận cho biết thêm, đến nay 168 phường, xã của 3 địa phương đều đã rà soát tránh việc trùng lắp tên gọi và bất cập ở những khu vực giáp ranh. Các địa phương cũng phối hợp tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp cấp tỉnh.

3 địa phương cũng đã trao đổi phương án về sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, bố trí nguồn nhân lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo tính phù hợp.

* Sau sắp xếp, Phú Thọ còn 66 đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 17/4, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp tỉnh Phú Thọ đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo đề án hợp nhất ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, đồng thời xem xét đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Theo dự thảo đề án hợp nhất ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ mới sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số và hệ thống đơn vị hành chính cấp xã của cả ba tỉnh.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Phú Thọ (mới) sẽ có tổng diện tích tự nhiên hơn 9.400 km², dân số khoảng 3,6 triệu người, với trung tâm hành chính – chính trị đặt tại thành phố Việt Trì như hiện nay.

Đối với dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Phú Thọ, hiện trên địa bàn tỉnh có 207 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 180 xã, 15 phường, 12 thị trấn). Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập giảm còn 66 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 141 đơn vị hành chính cấp xã (bằng 68,1%).

Trung tâm hành chính và trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp sẽ được bố trí tại những vị trí có địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, giao thông kết nối hiệu quả trong nội bộ đơn vị hành chính; đồng thời có tiềm năng phát triển lâu dài, bảo đảm sự hài hòa, hợp lý giữa các địa phương và giữ vững quốc phòng – an ninh.

Toàn bộ biên chế cấp huyện hiện có sẽ được chuyển về cấp xã, giữ nguyên số lượng biên chế trước khi sắp xếp và thực hiện rà soát, tinh giản dần trong 5 năm theo quy định. Dự kiến mỗi xã, phường sẽ có khoảng 32 biên chế (không tính các tổ chức đảng, đoàn thể). Đồng thời, sẽ chấm dứt việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; các trường học và trạm y tế được giữ nguyên và tổ chức lại phù hợp với mô hình đơn vị hành chính mới.

* Ngày 16/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị nhằm thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2025.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Theo phương án, toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ sắp xếp còn 36 xã, phường trên cơ sở 121 xã hiện có, giảm 85 đơn vị hành chính cấp xã (70,24%), cụ thể:

Thành phố Vĩnh Yên từ 9 đơn vị hành chính cấp xã, phường còn 2 phường gồm: Phường Vĩnh Phúc được thành lập từ 5 phường Định Trung, Liên Bảo, Khai Quang, Ngô Quyền, Đống Đa; phường Vĩnh Yên được thành lập từ 4 phường Tích Sơn, Hội Hợp, Đồng Tâm và xã Thanh Trù.

Thành phố Phúc Yên từ 9 đơn vị hành chính cấp xã, phường còn 2 phường gồm: Phường Phúc Yên được thành lập từ 5 phường Hai Bà Trưng, Phúc Thắng, Tiền Châu, Nam Viêm, Hùng Vương; phường Phúc Yên 1 được thành lập từ 2 phường Xuân Hòa, Đồng Xuân và 2 xã Cao Minh, Ngọc Thanh.

Huyện Sông Lô từ 13 đơn vị hành chính cấp xã còn 4 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Xã Sông Lô được thành lập từ thị trấn Tam Sơn và 2 xã Đồng Quế, Tân Lập; xã sông Lô 1 được thành lập từ 4 xã Tứ Yên, Đồng Thịnh, Đức Bác, Yên Lạc; xã Sông Lô 2 được thành lập từ 4 xã Nhân Đạo, Hải Lựu, Đôn Nhân, Phương Khoan; xã Sông Lô 3 được thành lập từ 2 xã Lãng Công và Quang Yên.

Huyện Lập Thạch từ 20 đơn vị hành chính cấp xã còn 6 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Xã Lập Thạch được thành lập từ 3 xã Xuân Hòa, Tử Du, Vân Trục và thị trấn Lập Thạch; xã Lập Thạch 1 được thành lập từ 4 xã Tiên Lữ, Đồng Ích, Xuân Lôi, Văn Quán; xã Lập Thạch 2 được thành lập từ 3 xã Bắc Bình, Thái Hòa và Liễn Sơn; xã Lập Thạch 3 được thành lập từ 2 xã Liên Hòa, Bàn Giản và thị trấn Hoa Sơn; xã Lập Thạch 4 được thành lập từ 3 xã Ngọc Mỹ, Quang Sơn và Hợp Lý; xã Sơn Đông được thành lập từ 3 xã Tây Sơn, Sơn Đông (huyện Lập Thạch) và xã Cao Phong (huyện Sông Lô).

Huyện Tam Đảo từ 8 đơn vị hành chính cấp xã còn 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Xã Tam Đảo được thành lập từ 2 thị trấn Tam Đảo, Hợp Châu và 2 xã Hồ Sơn, Minh Quang; xã Tam Đảo 1 được thành lập từ thị trấn Đại Đình và xã Bồ Lý; xã Tam Đảo 2 được thành lập từ 2 xã Đạo Trù và Yên Dương.

Huyện Tam Dương từ 13 đơn vị hành chính cấp xã còn 3 đơn vị hành chính cấp xã gồm: xã Tam Dương được thành lập từ 2 thị trấn Hợp Hòa, Kim Long và 2 xã Hướng Đạo, Đạo Tú; xã Tam Dương 1 được thành lập từ 3 xã Duy Phiên, Hội Thịnh và Thanh Vân; xã Tam Dương 2 được thành lập từ 3 xã An Hòa, Hoàng Đan và Hoàng Lâu; xã Tam Dương 3 được thành lập từ 2 xã Đồng Tĩnh, Hoàng Hòa (huyện Tam Dương) và xã Tam Quan (huyện Tam Đảo).

Huyện Vĩnh Tường từ 20 đơn vị hành chính cấp xã còn 6 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Xã Vĩnh Tường được thành lập từ 2 thị trấn Vĩnh Tường, Tứ Trưng và 2 xã Lương Điền, Vũ Di; xã Thổ Tang được thành lập từ thị trấn Thổ Tang và 2 xã Thượng Trưng, Tuân Chính; xã Vĩnh Tường 1 được thành lập từ 3 xã Nghĩa Hưng, Yên Lập và Đại Đồng; xã Vĩnh Tường 2 được thành lập từ 3 xã Kim Xá, Yên Bình và Chấn Hưng; xã Vĩnh Tường 3 được thành lập từ 4 xã Ngũ Kiên, An Nhân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Phú; xã Vĩnh Tường 4 được thành lập từ 3 xã Sao Đại Việt, Lũng Hòa và Tân Phú.

Huyện Yên Lạc từ 16 đơn vị hành chính cấp xã còn 5 đơn vị hành chính cấp xã gồm: xã Yên Lạc được thành lập từ thị trấn Yên Lạc và 2 xã Bình Định, Đồng Cương; xã Tề Lỗ được thành lập từ 3 xã Đồng Văn, Tề Lỗ, Trung Nguyên; xã Yên Lạc 1 được thành lập từ 3 xã Đại Tự, Hồng Châu, Liên Châu; xã Yên Lạc 2 được thành lập từ thị trấn Tam Hồng và 2 xã Yên Phương, Yên Đồng; xã Yên Lạc 3 được thành lập từ 4 xã Nguyệt Đức, Văn Tiến, Trung Kiên và Trung Hà.

Huyện Bình Xuyên từ 13 đơn vị hành chính cấp xã còn 4 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Xã Bình Xuyên được thành lập từ 3 xã Tam Hợp, Quất Lưu, Sơn Lôi và thị trấn Hương Canh; xã Bình Xuyên 1 được thành lập từ 2 thị trấn Đạo Đức, Thanh Lãng và 2 xã Tân Phong, Phúc Xuân; xã Bình Xuyên 2 được thành lập từ 2 xã Hương Sơn, Thiện Kế và thị trấn Gia Khánh; xã Bình Xuyên 3 được thành lập từ xã Trung Mỹ và thị trấn Bá Hiến.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc giao Ban Thường vụ Đảng ủy UBND lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh hướng dẫn các huyện, thành phố lấy ý kiến cử tri, tổng hợp trình HĐND tỉnh thông qua; hoàn thiện Hồ sơ trình Chính phủ theo quy định.

Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan tham mưu phương án nhân sự chủ chốt cấp xã, nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy, cấp xã sau sáp nhập đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm.

* Chiều 16/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình cũng tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Lê Chung

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã thống nhất thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh. Theo Đề án, dự kiến toàn tỉnh Hòa Bình còn 46 xã, phường, giảm 69,5% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhấn mạnh: Phương án sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh, sắp xếp 151 xã, phường còn 46 xã, phường đạt tỷ lệ 69,5%, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh trên cơ sở căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương gần dân, sát dân, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, tạo không gian phát triển.

Ông Nguyễn Phi Long yêu cầu các cơ quan tham mưu giúp việc hoàn thiện tờ trình báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết, tổ chức xin ý kiến nhân dân; hoàn thiện đề án và trình Chính phủ trước 1/5/2025.

Các huyện, thành phố thực hiện rà soát tổng thể cán bộ cấp xã, rà soát nhân sự đại hội; rà soát nhân sự đăng ký nghỉ theo chế độ 178 của Chính phủ; phải đánh giá lại kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu năm tới 30/6 về đầu tư công, rà soát lại các công việc dừng, việc tiếp tục làm; rà soát các khoản nợ đọng.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp phải bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

* Cùng ngày, tại Hà Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị cho ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Nam.

Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Theo phương án dự kiến, tỉnh Hà Nam sẽ giảm từ 98 đơn vị hành chính cấp xã còn 33 đơn vị hành chính cấp xã (16 phường, 17 xã), giảm 66,3% số xã.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Quốc Huy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương triển khai lấy ý kiến nhân dân về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã dự kiến từ ngày 21 đến 23.4, lấy theo hộ gia đình.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam yêu cầu, các thị ủy, thành ủy, huyện ủy, rà soát lại toàn bộ cơ sở vật chất đang quản lý để báo cáo phương án bố trí trụ sở các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, tránh lãng phí. Rà soát lại toàn bộ nợ xây dựng cơ bản để báo cáo và rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ để bố trí vào các xã, phường mới.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương sáp nhập trong thời gian rất ngắn, khẩn trương nhưng vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương, vì vậy yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương không được lơ là nhiệm vụ.

* Tại Thái Nguyên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên vừa ban hành phương án dự kiến sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự kiến tỉnh Thái Nguyên sẽ còn 55 xã, phường, không còn cấp huyện, thị trấn.

Theo đề án, TP Thái Nguyên giảm từ 32 phường xuống còn 6 phường và 2 xã gồm các phường mới có tên Phan Đình Phùng, Linh Sơn, Tích Lương, Gia Sàng, Quyết Thắng, Quan Triều. Ngoài ra thành lập 2 xã Tân Cương và Đại Phúc.

Huyện Đại Từ giảm từ 27 xã, thị trấn còn 9 xã gồm xã Đại Từ, Đức Lương, Phú Thịnh, La Bằng, Phú Lạc, An Khánh, Quân Chu, Vạn Phú, Phú Xuyên.

Thành phố Phổ Yên giảm từ 18 xuống còn 5 phường, xã gồm Phường Phổ Yên, Vạn Xuân, Trung Thành, Phúc Thuận và xã Thành Công.

Huyện Phú Bình giảm từ 20 xã, thị trấn xuống còn 5 xã gồm thành lập xã Phú Bình, Tân Thành, Điềm Thụy, Kha Sơn, Tân Khánh.

Huyện Đồng Hỷ giảm từ 14 xã, thị trấn còn 6 xã gồm Đồng Hỷ, Quang Sơn, Trại Cau, Nam Hòa, Văn Hán, Văn Lăng.

Thành phố Sông Công giảm từ 10 xã, phường còn 3 phường gồm Sông Công, Bá Xuyên và Bách Quang.

Huyện Phú Lương giảm từ 14 xã, thị trấn còn 4 xã gồm Phú Lương, Vô Tranh, Yên Trạch, Hợp Thành.

Huyện Định Hóa giảm từ 22 xã, thị trấn còn 08 xã gồm Định Hóa, Bình Yên, Trung Hội, Phượng Tiến, Phú Đình, Bình Thành, Kim Phượng, Lam Vỹ.

Huyện Võ Nhai giảm từ 15 xã, thị trấn còn 7 xã gồm Võ Nhai, Dân Tiến, Nghinh Tường, Thần Sa, La Hiên, Tràng Xá, Sảng Mộc.

Trước khi sắp xếp, Thái Nguyên có 172 đơn vị xã, phường. Sau sắp xếp, Thái Nguyên giảm khoảng 68% đơn vị hành chính cấp xã.

Đọc thêm