Nhiều tỉnh, thành thiệt hại nặng vì mưa lớn kéo dài

(PLVN) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kèm theo dông lốc và sạt lở tại nhiều địa phương trên cả nước, khiến nhiều người thiệt mạng. Các khu vực chịu tác động nặng nhất bao gồm Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Lâm Đồng…
Giúp người dân khắc phục hậu quả lốc xoáy làm sập, tốc mái nhà dân tại xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh Nhật Hồ

Thiệt hại nặng cả về người và của

Cụ thể, một người đã thiệt mạng tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), do bị vách tường nhà đổ đè vào người. Ngoài ra, có 10 người khác bị thương, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu bị ảnh hưởng 2 người, Kiên Giang 5 người, Bạc Liêu 2 người và Cà Mau 1 người.

Tính đến thời điểm này, có tổng cộng 268 căn nhà bị sập và tốc mái, trong đó Cà Mau ghi nhận 170 căn nhà, An Giang 9 căn nhà và Bà Rịa - Vũng Tàu 89 căn nhà. Ngoài ra, có 657ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại ở Bình Thuận, Kiên Giang và An Giang. Đồng thời, có 210m đoạn đường giao thông nông thôn, 6m bờ kè, 160m tường rào bị ảnh hưởng và 20 cây điều bị ngã đổ tại Bình Thuận. Riêng ở tỉnh Cà Mau, thiên tai đã gây thiệt hại với số tiền ước tính lên đến 7,4 tỷ đồng.

Trong ngày 31/7, ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Văn Tr (41 tuổi, ngụ khu phố 7, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bị sóng cuốn mất tích khi hành nghề lưới ghẹ, đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Nhiều ngày qua, tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có mưa lớn và lũ quét lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng về cây trồng, đường giao thông, tài sản người dân… Lũ quét đã cuốn trôi 14ha bắp, lúa, cây điều. Ước tính thiệt hại ban đầu trên 5 tỷ đồng. Cụ thể, các đợt mưa lớn đã khiến các xã Huy Khiêm, Đồng Kho, La Ngâu, Gia Huynh và Suối Kiết bị thiệt hại nặng.

Tại huyện Định Quán, huyện Tân Phú (Đồng Nai) cũng xảy ra mưa lớn, nước lũ dâng nhanh gây ra thiệt hại đối với người dân nuôi cá lồng, bè thuộc xã Thanh Sơn, Ngọc Định. Tổng số 38 lồng bè bị cuốn trôi, thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.

Ngày 30/7, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra ở Bảo Lộc, khiến 3 chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ và 1 người dân thiệt mạng. Các cơ quan chức năng đã xác nhận cả 4 nạn nhân đều đã tử vong.

Còn tại Đắk Lắk, đến sáng 31/7, mưa lớn kéo dài nhiều ngày tại các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông đã làm 2.440ha cây trồng bị ngập; trong đó lúa 2.256ha, 95,5ha ngô, 42,5ha điều và 46ha đậu… Hiện tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chính quyền các địa phương, sở, ban, ngành triển khai phương án ứng phó thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động phương án sẵn sàng bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", không để bị động trong các tình huống.

Tập trung ứng phó

Trước tình hình này, hiện chính quyền các tỉnh, thành đã ra những chỉ đạo khẩn trương, bố trí chỗ ở tạm và cấp phát gạo cùng các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân; đồng thời, huy động lực lượng để hỗ trợ những hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, dông lốc và sạt lở, di dời tài sản và khảo sát nhanh chóng để hỗ trợ những hộ dân gặp thiệt hại, giúp họ ổn định cuộc sống sớm nhất có thể…

Không chỉ vậy, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã Công điện khẩn yêu cầu các đơn vị đường bộ, đường sắt và các sở GTVT khu vực Tây Nguyên, Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) khẩn trương, tập trung ứng phó mưa lũ trên địa bàn.

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chủ trì, phối hợp với các sở GTVT, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông.

Cấm đường tại các vị trí nguy hiểm (ngầm tràn, cầu, phà…) trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ; kiên quyết không cho phép người và phương tiện đi vào những vị trí này, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho người, phương tiện trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt khu vực đèo Bảo Lộc - quốc lộ 20.

Cục Đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước... sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện…

Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, các lực lượng chức năng của địa phương trong việc khắc phục sự cố do mưa, lũ gây ra. “Tiến hành phân luồng, bảo đảm giao thông thông suốt và hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người dân đang di chuyển đi qua địa bàn quản lý, hướng dẫn di chuyển đến các vị trí tránh, trú an toàn khi có mưa to gió lớn; có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt”, Bộ GTVT yêu cầu.