Nhiều trẻ em nguy hiểm tính mạng vì nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng

(PLVN) - Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày khoa Điều trị tích cực Nội khoa tiếp nhận 1 – 2 bệnh nhi nhiễm khuẩn huyết/sốc nhiễm trùng vào điều trị.
Bệnh nhi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC

Một trong những bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương là bé trai N.H (1 tuổi, ở Hà Nội) tiền sử khỏe mạnh. Bệnh diễn biến tại nhà khoảng 5 ngày với các biểu hiện như bé sốt cao liên tục khó hạ, mệt nhiều, kèm hắt hơi, sổ mũi. Gia đình cho H sử dụng thuốc hạ sốt và kháng sinh, tuy nhiên bé vẫn sốt cao liên tục, mệt mỏi, thở nhanh nên được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 30/8.

H được đưa vào Khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch, suy hô hấp, suy tuần hoàn, quấy khóc nhiều. Các xét nghiệm ban đầu ghi nhận chỉ số viêm tăng cao, rối loạn đông máu, tăng men gan, suy thận cấp.

Các bác sĩ nhận định đây là tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, bù dịch, sử dụng thuốc vận mạch và kháng sinh phổ rộng để ổn định sau đó chuyển lên Khoa Điều trị tích cực Nội khoa. Bệnh nhi tiếp tục được hồi sức tích cực điều trị sốc nhiễm khuẩn tuy nhiên tình trạng cải thiện không rõ rệt, có biến chứng tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, suy thận cấp. Các bác sĩ đã tiến hành dẫn lưu dịch màng ngoài tim, màng phổi và lọc máu liên tục.

Kết quả xét nghiệm khẳng định căn nguyên gây nhiễm khuẩn ở H là do tụ cầu vàng. Đây là nguyên nhân khá thường gặp gây tổn thương nhiều cơ quan như viêm phổi, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, viêm xương, viêm khớp. Bệnh nhi được điều trị tích cực bằng kháng sinh, dẫn lưu màng phổi, màng tim (dọn sạch các ổ nhiễm trùng), hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn, sau 14 ngày điều trị tình trạng cháu H có tiến triển nhưng vẫn còn nặng.

Một trường hợp mắc nhiễm trùng huyết khác cũng vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cứu sống là bé gái P.T (18 tháng tuổi). Trước khi nhập viện 4 ngày, T xuất hiện nốt mụn nhọt sau gáy, đến ngày thứ 2 sốt cao, đi ngoài phân lỏng. Gia đình cho T đi khám tại bệnh viện huyện và được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, sau đó T vẫn sốt cao liên tục, tím tái toàn thân, khó thở nên được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm trùng huyết và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tổn thương nhiều cơ quan: viêm phổi nặng, tràn dịch màng phổi và rối loạn đông máu. Căn nguyên gây bệnh được xác định là tụ cầu vàng.

ThS. BS Lê Nhật Cường – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sốc nhiễm trùng là tình trạng bệnh lý thường gặp. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nguy kịch. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn biến tới suy đa cơ quan (gan, thận, rối loạn đông máu).

Điều trị sốc nhiễm trùng chủ yếu là phát hiện sớm, sử dụng kháng sinh kịp thời, hồi sức hô hấp bằng hỗ trợ thở máy, hồi sức tuần hoàn bằng thuốc vận mạch, trợ tim. Ngoài ra, một số biện pháp hỗ trợ tích cực cho bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết như: lọc máu liên tục hỗ trợ trong các bệnh nhân suy thận, sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO) cho các bệnh nhân suy hô hấp nặng, suy tuần hoàn nặng không đáp ứng với sử dụng thuốc vận mạch.

Đáng nói, dù có nhiều tiến bộ trong điều trị hồi sức, nhưng sốc nhiễm khuẩn vẫn là gánh nặng bệnh tật lớn, tỉ lệ tử vong có giảm nhưng còn cao.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 20 triệu trẻ em dưới 5 tuổi mắc nhiễm trùng huyết và 3 triệu trẻ trong số đó tử vong.

Đọc thêm