Nhiều vụ án giải quyết trong 7 ngày
VKSND quận Ba Đình (Hà Nội) đã ra Quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn đối với bị can Đặng Văn Tỉnh (SN 1982, ở phường Đội Cấn, Ba Đình) về tội “Chống người thi hành công vụ”. Đây là một trong số vụ án hy hữu được VKSND ra Quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn thay vì ra Cáo trạng truy tố như đối với các vụ án thông thường khác. Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ truy tố, xét xử vụ án, đảm bảo tính thời sự, răn đe và phòng ngừa chung.
Trước đó, ngày 10/4, TAND huyện Tiên Yên, Quảng Ninh đã đưa Đào Xuân Anh – người không đeo khẩu trang lại có hành vi đánh cán bộ ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 ra xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ”. Bị cáo Anh bị tòa tuyên phạt 9 tháng tù theo đúng tội danh bị truy tố sau 7 ngày thực hiện hành vi phạm tội.
Một vụ án khác cũng được đưa ra xét xử sau 7 ngày tính từ lúc bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đến ngày bị đưa ra xét xử. Đó là vụ án Trần Văn Mạnh (SN1966, ở xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cụ thể, chiều 8/4, Mạnh không đeo khẩu trang, điều khiển xe máy qua chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 xã Thống Nhất. Thấy vậy, thành viên chốt kiểm soát là ông Nguyễn Văn Tần (SN 1962, ở xã Thống Nhất) yêu cầu Mạnh dừng xe. Mạnh không chấp hành, có hành vi chống lại lực lượng chức năng, gây thương tích cho thành viên của chốt kiểm dịch. Ngày 8/4, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Hà đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Mạnh. Ngày 14/4, TAND huyện Hưng Hà đưa Mạnh ra xét xử, tuyên phạt 9 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa.
Việc điều tra, truy tố, xét xử trong vài ngày như trên không phải quá mới, điều này đã được luật quy định rõ ràng. Tại Điều 456 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện: Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
Điều 457 – Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng quy định trong thời hạn 24 giờ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được giao cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Chỉ thị về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) ngày 3/4 cũng yêu cầu áp dụng thủ tục rút gọn đối với các vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Việc này nhằm xử lý nhanh chóng những hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đối với các vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn thì phải khẩn trương tiến hành các hoạt động tố tụng để xử lý tội phạm trong thời hạn ngắn nhất.
Tại công văn hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn tổ chức xét xử đối với vụ án liên quan tới phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, tòa án chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp để áp dụng thủ tục rút gọn với vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 456 – Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Do đó, trong giai đoạn hiện nay mới có nhiều vụ án được đưa ra xét xử “siêu tốc” chỉ trong vài ngày kể từ khi có hành vi vi phạm. Việc này nhằm góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh, bảo đảm thống nhất trong xử lý tội phạm ở tất cả các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo tính thời sự, răn đe và phòng ngừa chung.