Sáng nay (30/10), Quốc hội bước vào nội dung quan trọng là chất vấn và trả lời chất vấn. Trước khi các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Xử lý nhiều vi phạm về công tác cán bộ
Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, công tác cải cách hành chính là một trong những trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nội dung theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội.
Trong đó, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện thể chế; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản và nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức.
Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đổi mới việc phân loại, xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù của từng loại đơn vị hành chính.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan công tác cán bộ như giao chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm.
Chính phủ đã trình Trung ương ban hành nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương. Đã chỉ đạo đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, xây dựng Chính phủ điện tử, chỉ đạo thành lập các Trung tâm hành chính công, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tập trung chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV báo cáo cho biết, trong lĩnh vực công thương, đã tập trung chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay việc xử lý đã có kết quả tích cực, đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi trên 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, 1 nhà máy bắt đầu vận hành trở lại trên tổng số 3 nhà máy trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh; các dự án còn lại đang được tích cực xử lý, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn để phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh, môi trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, báo cáo cho biết, xác định bảo vệ môi trường là một trụ cột trong phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, chú trọng kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, hướng dẫn địa phương chủ động ứng phó, giải quyết các sự cố môi trường, nhất là tại các khu kinh tế ven biển.
Về kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thời gian qua, cơ quan chức năng đã tích cực tổ chức kiểm tra, rà soát, theo dõi, đánh giá hiện trạng để hướng dẫn địa phương xử lý, ứng phó, giải quyết các sự cố môi trường và cách lập quy hoạch các công trình bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế ven biển.
Đối với các tồn tại, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của công ty Formosa Hà Tĩnh, công ty đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính, tiến hành cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải; chất thải được giám sát bằng các thiết bị quan trắc tự động liên tục, số liệu được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân một cách nghiêm túc để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này.
Chính phủ đã xây dựng phương án đổi mới thi, kế thừa những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, bất cập của kỳ thi “3 chung” trước đây, bảo đảm lộ trình, không gây xáo trộn.
Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng giáo dục đại học; nghiên cứu đổi mới công tác cử tuyển theo hướng tập trung cho các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gắn với sắp xếp tuyển dụng sau đào tạo.
Thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo
Trong lĩnh vực nội vụ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, phối hợp với các cơ quan của Đảng hoàn thiện các quy định về phân cấp, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển cán bộ.
Triển khai thí điểm tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, bước đầu đạt kết quả; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm tra hoạt động công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm.
Báo cáo khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ nhận thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, khắc phục, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, báo cáo Quốc hội theo quy định.