Nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

(PLVN) -  Mặc dù Luật Thi hành án dân sự và một số luật liên quan đã quy định về việc thi hành biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhưng thực tế áp dụng còn nhiều vướng mắc.

Cơ quan THADS chủ động tổ chức thi hành

Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời (KCTT) quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Theo quy định tại Điều 48 Luật Trọng tài thương mại (TTTM) năm 2010, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp KCTT theo quy định của Luật TTTM năm 2010 và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp KCTT của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự (THADS).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2, khoản 2 Điều 36 Luật THADS thì trình tự, thủ tục thi hành Quyết định áp dụng biện pháp KCTT được thực hiện theo thủ tục THADS và thuộc diện cơ quan THADS chủ động tổ chức thi hành. Bên cạnh việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp KCTT của Tòa án, cơ quan THADS còn tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp KCTT của TTTM.

Với mục đích bảo vệ chứng cứ phục vụ cho công tác xét xử, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự ở giai đoạn thi hành án sau khi bản án, quyết định chính thức có hiệu lực pháp luật nên thủ tục tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp KCTT có những điểm khác biệt so với việc thi hành những bản án, quyết định khác đã có hiệu lực pháp luật. Luật THADS đã dành riêng Mục 2 - Chương V, từ Điều 130 đến Điều 133 Luật THADS để hướng dẫn thủ tục thi hành quyết định áp dụng biện pháp KCTT của Tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thi hành các quyết định áp dụng biện pháp KCTT còn gặp nhiều khó khăn.

Cần quy định rõ trình tự, thủ tục cưỡng chế

Luật THADS mới chỉ quy định thủ tục thi hành đối với các quyết định áp dụng biện pháp KCTT được quy định tại Bộ luật TTDS năm 2015. Tuy nhiên, đối với một số biện pháp KCTT do Hội đồng trọng tài áp dụng thì hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, Bộ luật TTDS năm 2015 có quy định biện pháp KCTT “Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ”. Vậy thủ tục thi hành đối với biện pháp KCTT này được thực hiện như thế nào? Vấn đề này hiện chưa được quy định trong Luật THADS.

Mặt khác, thực tiễn thi hành quyết định áp dụng biện pháp KCTT trong thời gian qua cũng đã thể hiện một số bất cập, hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ vướng mắc của quy định pháp luật. Cụ thể, Luật THADS quy định về thủ tục thi hành án quyết định áp dụng biện pháp KCTT nhưng mới chỉ dừng lại ở việc chỉ dẫn đến các điều luật khác để áp dụng mà không có quy định cụ thể, điều này dẫn đến việc các cơ quan THADS thực sự lúng túng trong khi áp dụng. Mặt khác, chính những điều luật được chỉ dẫn đến để áp dụng hiện nay cũng đang có nhiều vướng mắc, cần được sửa đổi, bổ sung. Ví dụ như để thi hành biện pháp KCTT kê biên tài sản đang tranh chấp thì điểm c khoản 1 Điều 130 Luật THADS dẫn chiếu đến áp dụng Điều 75 Luật THADS. Trong khi đó, Điều 75 Luật THADS quy định về việc giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án chứ không phải là biện pháp cưỡng chế như dẫn chiếu trên. Điều này dẫn đến tình trạng các cơ quan THADS rất lúng túng trong việc thi hành biện pháp KCTT này. Hoặc để thi hành biện pháp KCTT cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định, giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tạm đình chỉ quyết định sa thải người lao động thì điểm a khoản 1 Điều 130 Luật THADS dẫn chiếu đến Điều 118, 119, 120, 121 Luật THADS. Trên thực tế, các cơ quan THADS khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế được quy định tại các Điều 118, 119, 120, 121 Luật THADS hiện cũng đang vướng mắc do các điều luật này chưa quy định một cách cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế.

Đọc thêm