Nhiều ý kiến có cơ sở lý luận và thực tiễn cao, tại lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng

(PLVN) -Vừa qua, Bộ Tư pháp tổ chức lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng khu vực phía Bắc năm 2024, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), tại lớp Bồi dưỡng, nhiều ý kiến có cơ sở lý luận và thực tiễn cao, đã giúp các cán bộ làm công tác văn phòng nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm, phát huy tốt nhất công tác tham mưu, trợ thủ đắc lực cho lãnh đạo chỉ đạo, điều hành, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp (BTP) Lê Tuấn Phong, phát biểu tại lớp bồi dưỡng.

Phát biểu tại lớp bồi dưỡng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp (BTP) Lê Tuấn Phong, giảng viên "Một số nội dung cần quan tâm trong thực hiện chế độ báo cáo ngành Tư pháp" cho biết: qua tổng hợp, theo dõi, phối hợp trả lời các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ được gửi qua các báo cáo sơ kết, tổng kết hằng năm cho thấy, từ năm 2021 đến hết năm 2023, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận và trả lời đầy đủ 923 kiến nghị, đề xuất, đề nghị. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều Bộ, ngành hay địa phương đã gửi đề xuất, kiến nghị chung chung, thậm chí còn trùng lặp qua nhiều kỳ báo cáo, trong khi các đề xuất, kiến nghị đó đã được Bộ Tư pháp trả lời thích đáng, đúng mục đích nhưng vẫn đề xuất, kiến nghị.

Do vậy, ông Lê Tuấn Phong kiến nghị, khi xây dựng báo cáo cần chú ý những thông tin, tư liệu khách quan, phản ánh đúng sự việc tránh sử dụng thông tin, tư liệu mang tính thiên vị, bênh vực người nào đó, không khách quan. Điều đó đòi hỏi người viết báo cáo phải có trình độ phân tích, xử lý, chọn lọc thông tin chính xác. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chế độ báo cáo, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Cục Kế hoạch - Tài chính tham mưu Lãnh đạo Bộ xây dựng Hệ thống báo cáo Bộ Tư pháp và đã được kết nối, tích hợp dữ liệu với Hệ thống báo cáo quốc gia. Đến nay, Hệ thống báo cáo đã đáp ứng được cơ bản các nội dung trong công tác báo cáo của Bộ, điển hình là trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp (Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật) đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo về công tác xử lý vi phạm hành chính trên Hệ thống.

Ông Phạm Quang Hiếu - Quyền Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin – BTP,

phát biểu tại lớp bồi dưỡng.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống báo cáo của Bộ, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tham mưu cho Lãnh đạo Bộ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp triển khai, xây dựng Báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2024 trên Hệ thống báo cáo của Bộ Tư pháp theo địa chỉ https://baocao.moj.gov.vn.

Tuy nhiên, qua rà soát và việc triển khai bước đầu cho thấy một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như sau: Nhận thức chưa cao từ các cấp thực hiện trong việc thực hiện báo cáo trên môi trường mạng, còn bỡ ngỡ khi chuyển việc thực hiện báo cáo từ dạng báo cáo giấy sang báo cáo điện tử (quy trình, biểu mẫu, tổng hợp số liệu). Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn gặp nhiều khó khăn (nhiều Bộ, ngành chậm, số liệu chưa có,...). Khó khăn trong việc ký số, thực hiện báo cáo không tập trung (báo cáo trên phần mềm của địa phương, báo cáo trên phần mềm thống kê, báo cáo trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành) gây khó khăn cho đơn vị thực hiện báo cáo, không có sự chia sẻ dữ liệu từ các phần mềm, hệ thống chuyên ngành dẫn đến khó khăn khi tổng hợp.

Quang cảnh

lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng.

Để xử lý những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Văn phòng Bộ đã đề nghị Cục Công nghệ thông tin nghiên cứu, xây dựng Tài liệu hướng dẫn sử dụng Hệ thống báo cáo, sớm tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn sử dụng Hệ thống báo cáo của Bộ Tư pháp nhằm triển khai đồng bộ trong toàn ngành, đồng thời, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ chủ động rà soát các mẫu đề cương báo cáo, biểu mẫu số liệu của đơn vị, nếu có sự thay đổi thì phối hợp với Cục Công nghệ thông tin để chỉnh sửa, cập nhật trên Hệ thống phần mềm.

Về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ông Phạm Quang Hiếu - Quyền Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin – BTP, giảng viên "Chuyển đổi số Bộ, ngành Tư pháp và kỹ năng làm việc trên môi trường số" cho biết; cán bộ làm công tác văn phòng cần nắm được những thông tin cơ bản trong việc sử dụng, khai thác các thông tin liên quan trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Tư pháp để kịp thời hướng dẫn cho cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Bên cạnh những hệ thống thông tin, phần mềm nói trên còn rất nhiều những hệ thống thông tin chuyên ngành và nghiệp vụ khác đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ của văn phòng do vậy trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ nắm bắt và sử dụng tốt nhất các chức năng của phần mềm để làm chủ và kịp thời có những tham mưu cho lãnh đạo trong quá trình sử dụng để đảm bảo theo quy định và phù hợp với nhu cầu thực tế.

Một số giải pháp trong thời gian tới, ông Phạm Quang Hiếu nhấn mạnh, để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ Tư pháp cần tập trung chỉ đạo, triển khai tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của Bộ, Ngành Tư pháp giai đoạn 2022-2025, quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; vận hành cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin, hạ tầng số, nền tảng số và bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng cho bộ, ngành, lĩnh vực.

Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ưu tiên các nội dung cấp bách phục vụ các lĩnh vực như Hộ tịch, Lý lịch tư pháp như triển khai hiệu quả Dịch vụ công liên thông và Nghiên cứu triển khai giải pháp thực hiện quy trình cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID. Tổ chức các chương trình đào tạo, đào tạo lại, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác văn phòng.

Đọc thêm