Nhớ những ngày tác nghiệp ở 'hầm' Nhà Quốc hội

(PLVN) - Thời gian dù chưa dài như một số đồng nghiệp có thâm niên hàng chục năm, nhưng nghị trường Quốc hội đã cho tôi những kinh nghiệm “xương máu”, giúp tôi rèn luyện tác phong làm việc, học tập và trưởng thành hơn, chững chạc hơn trong vai trò là “cầu nối”, đưa những ý kiến của cử tri đến với đại biểu và mang những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân.
Các phóng viên phỏng vấn Đại biểu Trần Hoàng Ngân bên hành lang. (Ảnh: PV)
Các phóng viên phỏng vấn Đại biểu Trần Hoàng Ngân bên hành lang. (Ảnh: PV)

Theo dõi nghị trường từ góc nhìn chung, riêng

“Hầm” là tên mà không ít đồng nghiệp trong “cánh” phóng viên nghị trường chúng tôi đặt cho Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội (QH). Đây là nơi những phóng viên của các cơ quan báo chí có trên dưới một tháng “ăn dầm, nằm dề” tại đây để đưa tin kỳ họp thường lệ hoặc ngắn hơn của các kỳ họp bất thường.

Thách thức lớn trong tác nghiệp tại Nhà QH với chúng tôi là lượng thông tin rất lớn, đòi hỏi chúng tôi phải suy nghĩ, sắp xếp nội dung cần ưu tiên từ ngày hôm trước để hôm sau có thể chủ động thực hiện tin bài.

Ngoài áp lực đối diện với một kỳ họp đầy ắp thông tin quan trọng, sôi động của đất nước, với những phóng viên nghị trường, tường thuật, đưa tin nhanh nhất, hay nhất, chính xác nhất đến với bạn đọc là những yêu cầu bắt buộc. Bởi thế, phóng viên các báo, đài phải cạnh tranh nhau từng giây, từng phút khi viết bản tin mà bạn đọc đang đón chờ.

Với việc Báo PLVN có cả ấn phẩm điện tử và nhật báo thì tác nghiệp tại Nhà QH sẽ vất vả hơn, bởi ngoài thực hiện tin bài nhanh chóng cho ấn phẩm điện tử, phóng viên chúng tôi còn phải làm bài cho báo in với lượng thông tin tổng hợp và chuyên sâu hơn, trong đó nhiều bài viết, bình luận mang đậm dấu ấn, thương hiệu Báo PLVN.

Nhóm phóng viên chụp ảnh cùng Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

Nhóm phóng viên chụp ảnh cùng Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

Đáp ứng những yêu cầu, kỳ vọng về thông tin của bạn đọc tại mỗi kỳ họp, quả thực là thử thách rất lớn với các phóng viên nghị trường. Một kỷ niệm tôi nhớ cũng vừa mới đây tại Kỳ họp thứ 6 và thứ 7, QH khóa XV thảo luận, cho ý kiến và thông qua nhiều dự luật do Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo như dự án Luật Công chứng (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản… Và đáng chú ý nhất là dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), dự án Luật mà phóng viên nghị trường như tôi phải theo dõi sát hoạt động thảo luận, nắm được những nội dung mấu chốt của dự luật, làm nổi bật những cơ chế, chính sách đặc thù của Luật, đáp ứng kỳ vọng phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới.

Khi QH biểu quyết thông qua dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng tôi cũng vỡ òa cảm xúc cùng các đại biểu Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội và nhiều đồng nghiệp quay sang chúc mừng phóng viên Báo PLVN đã góp phần nhỏ bé trong công tác truyền thông về dự luật này.

“Đón đường” đại biểu tại… hành lang

Bên cạnh truyền tải thông tin tại các phiên làm việc chính thức, một nhiệm vụ quan trọng không kém và nhiều khi cũng gặp không ít khó khăn, nhất là các phóng viên theo dõi QH được các tòa soạn giao là phỏng vấn bên lề.

Để có được những câu trả lời bên lề kỳ họp chất lượng, phóng viên nghị trường phải nghiên cứu kỹ vấn đề và đại biểu phù hợp để phỏng vấn, không gây khó cho đại biểu và cũng không hỏi xoáy những vấn đề mà đại biểu không chuyên sâu. Mỗi khi đến giờ nghỉ giải lao, chúng tôi phải nhanh chóng từ Trung tâm Báo chí lên hành lang QH, vận dụng nhiều kỹ năng giao tiếp để xây dựng tuyến phỏng vấn hành lang, bên lề QH ưng ý nhất.

Hàng ngày, mỗi phiên làm việc sáng - chiều, các đại biểu QH chỉ có 20 phút nghỉ giải lao. Với phóng viên, 20 phút đó là khoảng thời gian vô cùng quý báu, tranh thủ từng giây để lên hành lang tòa Nhà QH, tìm gặp các đại biểu - có thể là đại biểu chuyên trách, có thể là các chuyên gia, hoặc lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương… để hỏi những thông tin, hoặc làm rõ những đề tài riêng nhằm đáp ứng thông tin bạn đọc đang rất quan tâm.

Như vào ngày 24/5 vừa qua, khi xảy ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại khu nhà trọ phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) hay trước những diễn biến khó lường của thị trường vàng rồi câu chuyện cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở…, chúng tôi đã ngay lập tức đặt vấn đề bên hành lang với các đại biểu QH về các giải pháp ngăn chặn các vụ cháy, nổ lớn; về các biện pháp quản lý thị trường vàng; cách thức kiềm chế lạm phát, tăng giá “tát nước theo mưa” với tăng lương… Từ đó tạo ra tuyến thông tin đa dạng, chất lượng phối hợp cùng những thông tin thời sự hàng ngày.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Họp báo ở Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Họp báo ở Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội.

Ngoài thẻ báo chí, mỗi ngày, để lên được hành lang nghị trường gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn đại biểu, phóng viên phải có thêm thẻ sự kiện. Do số lượng thẻ phát ra có hạn (khoảng 30 thẻ, trong khi số lượng phóng viên cả trăm người) và phải trả lại vào cuối buổi nên muốn có tấm thẻ này, phóng viên phải đăng ký nhanh và đến Trung tâm Báo chí từ rất sớm. Thẻ nhiều khi cũng “nóng” như nghị trường, ai “chậm chân” thì không thể lên hành lang phỏng vấn, đành ngậm ngùi chờ đợt sau.

Tuy nhiên, khi đã có thẻ trong tay, việc tiếp cận đại biểu QH cũng không hề đơn giản, đôi khi phụ thuộc vào may mắn và mối quan hệ của mỗi phóng viên. Với phóng viên được đại biểu “quen mặt”, việc phỏng vấn có phần dễ chịu hơn, khi có thể gọi điện hẹn trước để gặp trong giờ giải lao; còn lại, đa số phóng viên lên hành lang theo kiểu “đi câu”.

Phóng viên phải căn giờ lên hành lang trước khi giải lao để quan sát xem đại biểu mình cần phỏng vấn đang ở vị trí nào nếu không khó có thể tìm được người trong gần 500 đại biểu bước ra từ các cửa khác nhau của hội trường Diên Hồng. Nhiều khi, tìm được đại biểu nhận lời phỏng vấn thì chuông báo hiệu hết giờ giải lao, đại biểu trả lời rất ngắn để kịp vào giờ họp và đôi khi nội dung trả lời cũng chưa đủ để “thỏa mãn” mong muốn của người cầm bút.

Cùng với đó, khi có đại biểu đồng ý trả lời, không ít phóng viên phải thao tác “3 trong 1”, vừa quay video, vừa chụp ảnh và viết. Với những phóng viên “3 trong 1” này, chọn được vị trí đẹp để tác nghiệp là điều không hề dễ dàng vì phóng viên nào cũng muốn hỏi những nội dung mình quan tâm.

Thậm chí, đôi lúc gặp các đại biểu, phóng viên tiến lại đặt vấn đề, đặc biệt là với các sự kiện “nóng”, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu kèm nụ cười từ chối. Đây là… điều đáng sợ nhất của phóng viên, bởi những cái lắc đầu của đại biểu, đồng nghĩa với “đổ bể” kế hoạch tin bài của phóng viên. Vì vậy, tác nghiệp tại Nhà QH cần nhất sự đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các “đồng đội” trong và ngoài cơ quan.

Những phóng viên đã gắn bó qua nhiều kỳ họp QH đều chung nhận xét, đại biểu QH ngày càng chuyên nghiệp hơn, nắm rõ lĩnh vực mình phụ trách. Tuy nhiên, số lượng đại biểu “cởi mở” với báo chí, nhất là vấn đề “nóng” còn chưa được như mong muốn. Do đó, các phóng viên mong muốn đại biểu QH đồng hành chia sẻ và cởi mở hơn nữa với báo chí, đặc biệt các đại biểu là tư lệnh ngành vì phản biện, phát biểu trên báo chí cũng là một trong những hoạt động giám sát thiết thực hiệu quả của đại biểu QH.

Đọc thêm