Tháng một chạp âm lịch (tức tháng 11, 12), gặt hái đã xong, ruộng đồng đất nghỉ chờ vụ cấy mùa sau, trời hanh hao, thoảng trong gió lạnh ngày đông đã xôn xao chuyện Tết. Háo hức nhất là trẻ con, lo toan nhất là người lớn nhưng chủ đề Tết tràn ngập trong nhà, ngoài xóm. Tất cả dành cho Tết, hướng đến Tết, hỏi han nhau về Tết…, không khí chuẩn bị cho Tết rộn ràng, cuốn hút và lan tỏa trong tâm trạng mỗi người.
|
Có những đoàn người ngược lên phía rừng, họ đi lấy củi (lạ thay, củi cũng được gọi là củi Tết), lấy lá dong, lấy giang cho nồi bánh chưng ngày Tết. Họ trở về, không bằng đường bộ nữa mà bằng đường thủy. Những cái mảng nứa chứa đầy sản vật núi rừng, thong thả theo dòng suối, dòng sông mà về xuôi. Những người buôn bán đường rừng đem quần áo, hàng tạp hóa,… đổi lấy nấm hương, mộc nhĩ, gạo nương, măng khô, nếp cẩm,… tấp nập ngược xuôi.
Các phiên chợ cứ đông dần lên để đến ngày chợ phiên cuối cùng bung ra rực rỡ sắc màu, đủ các loại hàng hóa, sản vật địa phương, cái gì ngon nhất, đặc biệt nhất được đem ra mua bán, trao đổi vào phiên chợ Tết.
Vì thế, đi chợ Tết ở mỗi miền quê là một cái thú của sự khám phá và tìm hiểu, của sự thưởng thức và chiêm nghiệm, trong đó có cả bề nổi và chiều sâu của văn hóa làng. Chợ quê phiên giáp Tết, tràn ngập hương vị sắc màu dân giã, nhưng tinh ý một chút có thể cảm nhận sự thẩm thấu của cái nghèo, cái lo toan vất vả của nhà nông, thoáng mủi lòng trước niềm vui khó tả của đứa trẻ nhận chiếc kẹo nhuộm phẩm mầu xanh đỏ, sự nâng niu hộp mứt rẻ tiền của một cụ già,…
Tết quê xưa, ngày cuối cùng của năm, làng trên xóm dưới vang lên tiếng lợn kêu eng éc. Cái tiếng lợn kêu do bị bắt từ chuồng, bị chọc tiết này thực sự là âm thanh vui vẻ, đầy sức cuốn hút đối với cả trẻ em và người lớn. Tiếng lợn kêu và tiếng pháo – âm thanh đặc trưng của Tết xưa.
|
Câu cửa miệng người ta hỏi thăm nhau là Tết này có lợn mổ không?. Cái gật đầu xác nhận là niềm tự hào và biểu hiện sung túc. Ngày ấy, ai hoàn thành nghĩa vụ thực phẩm với Nhà nước thì mới được mổ lợn. Bằng không, phải đi “ăn đụng”, mà phần lớn là đụng, một đùi hoặc nửa con, thậm chí chỉ nửa đùi lợn, song đó là niềm vui bất tận của trẻ con từ lúc đặt nồi nước làm lông đến khi được cho cái đuôi để gặm.
Trẻ con còn có một niềm vui nữa là ngày Tết được mặc quần áo mới. Quanh năm, suốt tháng chỉ vận toàn đồ cũ, vá víu, mặc lại, không có gì diễn tả nổi niềm vui con trẻ khi xúng xính trong bộ đồ mới! Vì thế, mới có câu đúc kết niềm vui này: “Già được bát canh, trẻ có manh áo mới”. Tết, và chỉ có ngày Tết mới thỏa mãn được nhu cầu này cho cả hai đối tượng già và trẻ.
Chuẩn bị cho ngày Tết rộn rã lắm. Các bà, các chị gặp nhau ở bến nước, giếng làng, nào giặt giũ đón Tết, nào cọ lá bánh chưng, nào xóc đỗ, ngâm gạo… Chuyện trò rôm rả, tất bật niềm vui. Nồi bánh chưng sôi sùng sục trên bếp lửa trở thành trung tâm của cả nhà, mọi người tập trung lại, sưởi lửa, làm việc, chuyện trò,… Hàng xóm sang chơi cũng sà vào bếp, náo nức đợi lúc vớt bánh, chuẩn bị giờ phút giao thừa. Nồi nước tắm ghé cạnh nồi bánh chưng, tỏa hương vị đặc biệt của lá mùi già, ai đã tắm nước này vào đêm trừ tịch hẳn chẳng có loại sampoo cao cấp nào làm cho quên được.
Tết đầm ấm, thanh bình mà chan hòa tình làng nghĩa xóm. Trong gió xuân, đường làng phấp phới người đi lại, mùi rượu, mùi trầu cau ấm nồng phảng phất. Câu chào hỏi, chúc tụng râm ran trong nhà, ngoài ngõ. Đến chúc Tết nhà nhau, gia chủ đã kịp bưng lên một mâm cỗ, dứt khoát khách phải ăn, nếu không “mất dông” cả năm. Những cái gì dành dụm suốt một năm, người ta trút hết vào dịp Tết.
|
Phải thế chăng nên Tết xưa rất vui, rất được mong chờ dẫu vật chất chẳng được dồi dào. Cả một năm chỉ có 3 ngày Tết, cái sự kiện hội tụ đủ các yếu tố tâm linh, phong tục, sinh hoạt cộng đồng, sum họp gia đình, nghệ thuật ẩm thực,… ấy không bị pha loãng bởi bất cứ sự kiện nào, không bị sự dư thừa vật chất làm cho nhàm chán, không bị chi phối bởi lối sống công nghiệp và thói ăn xổi ở thì, nên đậm đà khí vị, để lại những ấn tượng khó phai.
Giờ đây, khi cái Tết truyền thống đã phôi pha ít nhiều và mang màu sắc mới, nó không được đón chào nồng nhiệt và mong đợi như xưa, cái gọi là “vui như Tết” cũng không còn giá trị biểu cảm trên thực tế. Dẫu sao, cái Tết truyền thống của chúng ta vẫn mang một giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa, di sản tinh thần cần phải giữ gìn, tôn trọng.
Thật buồn khi có những người lớn tiếng đề nghị trên các phương tiện thông tin đại chúng là “xóa” Tết âm lịch đi vì nó không còn hợp với thời đại, không phải với phong cách công nghiệp, ta nên bắt chước người Nhật chỉ đón Tết dương lịch mà thôi(?!). May thay, ý kiến đó được ít người ủng hộ nên chúng ta và con cháu vẫn còn cái Tết sum vầy, để đón Tết, ăn Tết, chơi Tết và vui Tết …
Bình Sơn