Vui mừng biết bao khi biết tin kết quả thi học sinh giỏi tỉnh của trường ta năm nay: 19 giải Nhì, 9 giải Ba, 8 giải Khuyến khích, xếp thứ 9 toàn tỉnh. Một con số cực kì ấn tượng! Món quà vô cùng ý nghĩa chào mừng ngày hội Trường ta kỉ niệm 40 năm thành lập, đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hạnh phúc vô bờ này không chỉ tràn ngập trên từng khuôn mặt các em học sinh, các thầy giáo, cô giáo đang công tác tại Trường hôm nay mà còn trào dâng trong tim bao thế hệ học sinh, thầy, cô giáo sinh sống trên mọi miền Tổ quốc luôn hướng về mái Trường THPT Nguyễn Sĩ Sách thân yêu, nơi lưu giữ bao kỉ niệm tươi đẹp của tuổi học trò, lưu giữ những tháng ngày không thể nào quên của một đời dạy học.
Thành tích này không phải ngẫu nhiên. Nó là kết quả rất xứng đáng của công sức, trí tuệ, tâm huyết… được phát huy cao độ của trò, của thầy cô, của nhà trường. Nó cũng giống như viên ngọc quý được tạo tác bởi truyền thống hiếu học lâu đời của mảnh đất Cồn Lim yêu dấu; bởi quyết tâm dạy thật tốt - học thật tốt, vượt mọi khó khăn của bao thế hệ thầy trò Trường THPT Nguyễn Sĩ Sách.
Đã một thời, Trường ta phải dạy và học trong hoàn cảnh cơ sở vật chất cực kì thiếu thốn. Năm 2000 trở về trước, phòng học và phòng làm việc chưa hề có quạt điện. Các phòng học cấp 4 cũ nát, mùa hè thì nắng nóng, ngày mưa thì dột tứ bề. Các thầy cô đã phải căng bạt để học sinh đỡ ướt lưng, đỡ ướt sách vở.
|
Ảnh cũ của nhà trường. |
Phòng để bồi dưỡng học sinh giỏi chưa có. Gian nhà để xe đạp nhỏ bé nằm dưới gốc cây xà cừ cạnh cổng trường là chỗ “bồi dưỡng nhân tài” nhiều năm của trường. Một gian nhà nhỏ thấp, trên lợp ngói Fibro xi măng, 4 bề che, tạm bợ, nắng nóng bủa vây. Nhưng lúc ấy, cả thầy và trò đều quên đi cái nắng nóng ngột ngạt của miền Trung gió Lào bỏng rát, quên những giọt mồ hôi chảy dài ướt đẫm, tập trung cao độ để cùng nhau giải mã những kiến thức mới mẻ, sâu sắc trong các bài toán, đề văn…
Nhiều thầy cô vẫn còn nhớ căn phòng nhỏ được nối tạm trên lối đi nhỏ giữa hai dãy phòng học cấp 4, độ dài chắc chưa đến 4m lại là nơi để các thầy cô thay nhau ôn luyện cho các lớp thi đại học, cao đẳng. Vượt bao khó khăn, tự tin vững bước, tích cực chăm cây có ngày hái quả ngọt. Kỳ thi đại học năm 2005 Trường ta có em Nguyễn Thị Hiệp đạt 5 điểm 10 trên 6 môn thi, thủ khoa hai trường đại học danh tiếng. Em được chọn sang học ở một trường đại học lớn ở Nga. Nay về công tác tại Bệnh viện Quân y 108. Em Nguyễn Duy Chung thi khối A đạt 3 điểm 10 tuyệt đối. Nhiều em đạt điểm 27 đến 29.5. Thành tích đó gây ngỡ ngàng cho nhiều người, nhiều trường.
Nhiều năm liên tục, Trường có học sinh nhận giải thưởng của UBND tỉnh Nghệ An về thành tích đạt điểm cao trong các kỳ thi đại học. Kỳ thi học sinh giỏi năm nào Trường cũng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, có nhiều giải Nhất, giải Nhì. Năm học 2001 – 2002 cũng là năm Trường có thành công lớn về học sinh giỏi. Năm ấy có em Nguyễn Thị Ngọc Minh, học sinh lớp 12C (do tôi trực tiếp dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi) có bài thi môn Văn đạt điểm cao nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Một giám khảo sau khi làm nhiệm vụ chấm thi ở Sở về có tìm đến tôi hỏi mượn một quyển vở hoặc một bài kiểm tra của em Minh cốt để đối chiếu nét chữ, cách hành văn xem bài văn ấy có đúng là của học sinh của Trường Nguyễn Sĩ Sách hay không?
Những năm gần đây, chất lượng dạy và học của Trường ngày càng nổi trội. Truyền thống tốt đẹp của nhà trường được phát huy ở mức cao hơn. Năm 2020, trường đoạt 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, nhiều giải Ba và giải Khuyến khích, xếp thứ 11 trên tổng số gần 100 trường của toàn tỉnh. Và năm nay, học sinh giỏi Trường xuất sắc vượt lên xếp vị trí thứ 9 toàn tỉnh. So với một trường THPT bình thường, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, thành tích ấy rất đáng trân trọng.
Tự hào thay Trường THPT Nguyễn Sĩ Sách thân yêu, nơi đã góp phần tạo nên bao thế hệ học trò ngoan, giỏi, hiền cho quê hương, đất nước! Trong đó, có những học sinh rất thành đạt. Điển hình như: Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh, người vừa có tầm, vừa có tâm, văn võ song toàn. Anh không chỉ là một tướng giỏi được Đảng và Chính phủ ghi nhận mà còn là người viết văn, làm thơ hay. Điển hình như Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Xuân Khoa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh. Điển hình như anh Nguyễn Thủ Thường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hoa Thường, một doanh nhân thành đạt. Hay em Phan Văn Kiền – một Tiến sĩ trẻ, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Và rất nhiều gương ưu tú khác trên nhiều lĩnh vực công tác mà tôi không thể kể hết.
|
Tặng thưởng học sinh giỏi. |
Thầy miệt mài đào tạo ra trò giỏi. Trò dù thành đạt cũng không quên mái trường đã dìu dắt mình những bước chập chững vào đời. Đó dường như là một truyền thống tốt đẹp của thầy và trò Trường Nguyễn Sĩ Sách. Từ khóa học 1972 - 1975 là khóa đầu tiên Trường mới chuyển về chợ Cồn, lúc đó chỉ là một phân hiệu của Trường cấp 3 Thanh Chương 2, cho đến các khóa mới tốt nghiệp gần đây. Hầu như năm nào Trường cũng đón các anh chị về hội khóa, hội lớp. Có năm đón 4 - 5 khóa. Điển hình có khóa học 1972 - 1975, khóa 1973 - 1976, khóa 1984 - 1987… đã nhiều lần về hội trường nhân kỷ niệm 20 năm, 30 năm, 35 năm, 40 năm, 45 năm ngày tốt nghiệp. Chu đáo hơn, vào ngày Nhà giáo Việt Nam - 20/11 hàng năm, khóa cử đại diện về chúc mừng thầy cô và nhà trường.
Mỗi lần có khóa cựu học sinh về thăm, Trường như có hội: Náo nức! Tưng bừng! Hân hoan chào đón! Các anh chị về mang theo rất nhiều tình cảm, nghĩa cử cao đẹp, những món quà quý giá về tinh thần và vật chất. Các khóa sau khi về thăm Trường đều để lại một công trình cho trường như: công trình tượng đài Liệt sỹ Nguyễn Sĩ Sách, người cán bộ cách mạng trung kiên mà Trường vinh dự được mang tên và khuôn viên tượng đài, công trình cổng trường, công trình bục tên trường, công trình bảng tin, công trình sân nhà học đa chức năng, các máy chiếu, trang bị phòng học vi tính… và nhiều công trình khác. Những công trình ấy vừa là tấm lòng của học sinh thành đạt với nhà trường, vừa góp phần quan trọng vào sự thay đổi cảnh quan của một trường còn nghèo như trường chúng tôi. Nó làm giàu thêm truyền thống tốt đẹp cho mái trường, cho nghề dạy học, góp phần bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho bao thế hệ học trò.
Anh Nguyễn Hùng Lĩnh – học sinh khóa học 1973 - 1976, nay đã là Thiếu tướng CAND, Cục trưởng Cục An ninh Tài chính - Tiền tệ - Đầu tư, Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên. Với trọng trách ấy, anh có bao công việc trọng đại, bộn bề. Nhưng khi Trường có việc lớn và có lời mời thì vợ chồng anh đều cố gắng thu xếp thời gian để về với trường, với thầy cô và các em học sinh. Anh về với tác phong giản dị, gần gũi, thái độ chân tình, cởi mở, nói những lời tâm huyết với các thế hệ học sinh đàn em, tri ân các thầy cô, gặp gỡ, hòa đồng với bạn bè. Hình ảnh ấy có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh. Chúng tôi, những người dạy học, người làm công tác quản lý cũng tìm thấy ở anh những bài học quý giá, bài học làm người.
Khóa học 1972 - 1975 có anh Nguyễn Thủ Thường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hoa Thường cùng các anh Phạm Bá Hiến, anh Đinh Bát Cẩm… cũng là người rất tâm huyết với Trường. Đều đặn 5 năm một lần, các anh chị lại trở về với trường để tổ chức hội khóa. Và năm nào địa điểm cũng phải là ở Trường, dù các anh hoàn toàn có thể tổ chức ở những địa điểm sang trọng hơn. Về để thăm lại trường xưa, tri ân các thầy, các cô, gặp gỡ bạn bè, tìm kiếm ký ức tuổi mực tím và “truyền lửa” cho các thế hệ tương lai.
Năm 2020, khóa tổ chức 45 năm ngày ra trường. Ngoài phần quà động viên các thầy giáo, cô giáo, khích lệ các học sinh có thành tích cao trong học tập, các em vượt khó học giỏi thì Tổng Công ty Hoa Thường còn dành tặng 50 triệu đồng cho UBND huyện Thanh Chương, 100 triệu đồng cho UBND xã Thanh Yên và UBND xã Thanh Dương để giúp đỡ cho các hộ nghèo. Đó là một nghĩa cử rất cao đẹp, có giá trị giáo dục rất lớn, làm giàu thêm cho truyền thống tốt đẹp của nhà trường và quê hương.
Còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương khác nữa mà tôi không thể kể hết. Có những cựu học sinh mới ra trường, việc làm thu nhập chưa cao nhưng vẫn cố thu xếp thời gian để về với Trường. Có em không về được thì cũng tìm một món quà nhỏ thể hiện tấm lòng với mái trường nơi mình đã từng được học. Thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao!
Cựu học sinh, nguyên Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh