Nhộn nhịp tàu lớn “ăn hàng” tại các cảng biển dịp đầu năm

(PLO) - Tàu CMA CGM CHENNAI trọng tải gần 120.000 tấn đã chở hơn 3.000 teus hàng xuất khẩu để thực hiện hải trình Việt Nam đi Los Angeles (Mỹ), từ Cảng Cái Mép (CMIT). Tương tự, ở miền Bắc và miền Trung, nhiều con tàu lớn cũng đã cập Cảng Hải Phòng và Đà Nẵng để “ăn hàng” ngay những ngày đầu năm.
Hôm nay - 11/01, Cảng Quốc tế CMIT đón “siêu” tàu container CMA CGM MARCO POLO kết nối xuất nhập khẩu Việt Nam với thị trường Bắc Âu
Hôm nay - 11/01, Cảng Quốc tế CMIT đón “siêu” tàu container CMA CGM MARCO POLO kết nối xuất nhập khẩu Việt Nam với thị trường Bắc Âu

Tín hiệu tốt cho xuất nhập khẩu

Những cảng lớn quan trọng nói trên đều thuộc “ông trùm” cảng biển Việt Nam - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Theo đó, trong ngày đầu tiên của năm 2019, Công ty CP Cảng Hải Phòng đã tổ chức đón mã hàng đồng loại tại 3 bến cảng là Công ty TNHH Một thành viên Cảng Hoàng Diệu, Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ và Chi nhánh Cảng Tân Vũ, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi bước vào sản xuất kinh doanh ngay từ thời điểm đầu năm mới 2019.

Ông Cao Trung Ngoan - Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng cho hay,  trong ngày đầu năm, tại Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu, mã hàng đầu năm đã được cẩu lên từ tàu DERYYOUNG SUNNYSKY đến từ cảng KaohSiung. Còn ở Chi nhánh Cảng Chùa Vẽ đã đón mã hàng đầu tiên được xếp dỡ từ tàu VINAFCO 26 nhập và xuất gần 700 container; tương tự, ở Chi nhánh Cảng Tân Vũ, mã hàng đầu tiên cũng đã được cẩu lên từ tàu QUEZON BRIDGE của hãng tàu ONE.

Theo VIMC, năm 2018, sản lượng hợp nhất của Cảng Hải Phòng đạt 32,87 triệu tấn, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 325 tỷ đồng. Năm 2019, đơn vị đặt mục tiêu đạt sản lượng hợp nhất 32,9 triệu tấn; tổng doanh thu hợp nhất hơn 2.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến là hơn 395 tỷ đồng.

Tại khu vực miền Trung, ngày đầu tiên năm mới 2019, Cảng Đà Nẵng cũng đã tổ chức đón thành công tàu WANHAI 265 (Hãng tàu WANHAI), quốc tịch Singapore, trọng tải hơn 23.600 DWT, với hải trình Cát Lái - Đà Nẵng - Hồng Kông. Khi cập bến Tiên Sa 5, tàu này xuất 205 container, nhập 95 container (420 teus). Ngay trong ngày đầu tiên năm 2019, cảng container lớn nhất miền Trung đã có khoảng 1.613 container (tương đương 2.258 teus) thông qua.

Theo ông Trần Lê Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng, năm 2018 sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng đạt mốc 8,65 triệu tấn, tăng hơn 7,7% so với năm 2017. Trong đó, sản lượng container năm 2018 đạt 370.000 teus, tăng so với năm 2017. Số lượt tàu đạt 1.967 lượt, tăng 3.85% so với cùng kỳ, trong đó, tàu container gần 1.112 lượt.

Với đà tăng trưởng mạnh và khá bền vững, Cảng Đà Nẵng tiểp tục giữ vững vị thế là cảng biển số 1 ở khu vực miền Trung, và là một trong những cảng biển lớn, hiện đại nhất Việt Nam. Đồng hành cùng với ngành Du lịch Đà Nẵng thu hút khách du lịch đường biển. Cụ thể, thời gian qua, Cảng Đà Nẵng có những nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng tàu khách. Năm 2019, cảng này tiếp tục đặt mục tiêu sản lượng đạt con số 8,7 triệu tấn, trong đó container đạt 385.000 teus.

Cảng Đà Nẵng đón tấn hàng đầu tiên từ tàu WANHAI 265 (Singapore) cập bến Tiên Sa 5 hôm 01/01
Cảng Đà Nẵng đón tấn hàng đầu tiên từ tàu WANHAI 265 (Singapore) cập bến Tiên Sa 5 hôm 01/01

Tuyến vận tải nhanh nhất Đông Nam Á

Để đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp nhất là sau khi Cảng Tiên Sa chuyển đổi công năng thành cảng tàu du lịch, ông Trần Lê Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết thêm, đơn vị này rất mong muốn được là nhà đầu tư Dự án Cảng Liên Chiểu với quy mô 220 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng. Cảng Liên Chiểu được chia làm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn khởi động năm 2022 là khu bến đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container có sức chở từ 6.000 - 8.000 teus. Dự kiến, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 17 triệu tấn/năm, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực miền Trung

Cũng theo VIMC, dịp này tại cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải (CMIT), tàu CMA CGM CHENNAI, trọng tải gần 120.000 tấn đã chở hơn 3.000 teus hàng xuất khẩu của Việt Nam đi Los Angeles (Mỹ). “Con tàu này đã cập cảng làm hàng tại cảng Cái Mép. Đây là một tuyến vận tải nhanh nhất Đông Nam Á, nối Việt Nam với Bờ Tây nước Mỹ”, ông Nguyễn Xuân Kỳ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép cho hay.

Được biết, năm 2018, khối cảng biển của VIMC đạt hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh của Tổng công ty. Các doanh nghiệp cảng biển trực thuộc đã có được sự tăng trưởng tích cực với tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước đạt 97,8 triệu tấn, tăng hơn 10% so với năm 2017, tổng lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra. Năm 2019, VIMC đặt mục tiêu sản lượng hàng thông qua cảng đạt 107 triệu tấn.

Thủ tục thông quan, giao nhận tại cảng biển có nhiều cải thiện

Theo ông Trịnh Thế Cường - Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt NAM), năm 2018, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 597 triệu tấn; riêng lượng hàng container qua cảng sẽ đạt xấp xỉ 17,7 triệu teus, tăng lần lượt 11% và 20% so với năm 2017. Với sản lượng này, công suất cảng biển Việt Nam năm 2018 được khai thác 98%.

Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, năm 2018 cảng biển Việt Nam đạt được nhiều thành tích ấn tượng do đã cải thiện thủ tục thông quan, giao nhận tại các cảng biển.

Đọc thêm