Nhu cầu du lịch mới trong “mùa COVID”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các chuyên gia cho biết rất khó để khẳng định về sự phục hồi của ngành du lịch sau dịch. Để nối lại hoạt động ngành này, cần nắm vững nhu cầu thị trường và chuyển đổi hình thức hoạt động phù hợp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Đi đâu khi hết dịch”?

Thời điểm gần dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, nhu cầu du lịch của người dân thường sẽ tăng. Theo kết quả khảo sát trực tuyến về nhu cầu đi du lịch của người dân được Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng thực hiện từ 20/6 – 10/7/2021, 86,7% người tham gia có nhu cầu đi du lịch tại chỗ sau khi dịch bệnh được khống chế. Đây không chỉ là nhu cầu của người dân Đà Nẵng mà cũng là tình hình chung của nhiều địa phương khác.

Một nhân viên lữ hành tại Thái Nguyên chia sẻ, trước đây, người dân thường đi du lịch tỉnh ngoài nhiều, chưa nhận thấy du lịch trong tỉnh cũng có nhiều điểm đến hấp dẫn. Một số bạn chị có thói quen đi du lịch cũng chưa từng đến các điểm du lịch trong tỉnh như Hồ Núi Cốc, Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Di tích quốc gia 60 liệt sỹ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, bản làng Thái Hải... Nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thay vì lựa chọn đi xa, nhu cầu khám phá các điểm du lịch gần là cách tối ưu an toàn.

Ngay tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng mong muốn có những chuyến du lịch tại chỗ đơn giản và an toàn sau dịch. Theo chị Ngọc Nhiên (Hà Nội), chị và gia đình trải qua khoảng thời gian mùa hè khá bức bí. Từ đầu tháng 7 đến nay, gia đình chỉ quanh quẩn trong căn chung cư chật hẹp và cực kỳ thận trọng với những hoạt động ngoài trời. Dù muốn được “đổi gió” ngay khi hết dịch nhưng chị khá lo ngại về những chuyến đi xa. Vì vậy, gia đình chị sẽ tìm kiếm những tour du lịch gần nhà, những vùng làng quê yên bình để thưởng thức đặc sản vùng miền.

Trên các hội nhóm mạng xã hội, những chủ đề “đi đâu khi hết dịch” được nhiều người quan tâm. Nhiều ý kiến chia sẻ lựa chọn điểm đến ngay khi hết dịch là đi trong tỉnh, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên trước đó chưa từng đến.

Cần chuẩn bị những gì?

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau” – các doanh nghiệp địa phương đang nỗ lực thực hiện chiến lược liên kết để tạo sản phẩm hút khách trong tỉnh. Những hoạt động kích cầu này được nghiên cứu bài bản, chú trọng đến chất lượng, không chỉ là biện pháp tình thế. Chính sách kích cầu du lịch nội tỉnh hợp lý trên cơ sở liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, mang đến những gói du lịch đủ hấp dẫn, giá “mềm” và chất lượng sẽ khuyến khích người dân du lịch tại chỗ nhiều hơn.

Tại Cần Thơ, một số điểm du lịch cộng đồng đã chuyển đổi hình thức hoạt động, từ việc phục vụ đối tượng khách ngoại tỉnh và quốc tế, nay tập trung vào người dân du lịch trong tỉnh. Chẳng hạn, điểm du lịch cộng đồng Bảo Gia Farm chuyển sang cung cấp nông sản sạch và nhận được nhiều đơn hàng. Nguồn rau quả đôi khi không đủ để phục vụ và khách hàng luôn trong tình trạng phải đặt trước. Chuỗi talk show của dự án cộng đồng MYW (Me-You-World) của doanh nghiệp này bắt đầu từ tháng 7 đã dần tạo được sự lan tỏa với nhiều chủ đề được quan tâm: môi trường, nông sản sạch, giáo dục, du lịch bền vững... Những sản phẩm du lịch tuy còn khá mới mẻ và chưa thật sự rõ nét nhưng đã đáp ứng phần nào nhu cầu du lịch tại chỗ của người dân “mùa Covid”.

Từ kết quả khảo sát, Đà Nẵng đã lên kế hoạch xây dựng và lan tỏa thông điệp “Yêu Đà Nẵng – Đi du lịch Đà Nẵng” dưới hình thức livestream, dựng video, trailer, bài viết, bộ ảnh đẹp về Đà Nẵng... góp phần “kích thích muốn đi chơi” của người Đà Nẵng. Việc quảng bá sẽ được thực hiện trên các trang mạng xã hội du lịch chính thống, trên các trang của các đơn vị kinh doanh du lịch. Một cộng đồng liên minh du lịch trên các trang mạng xã hội được thành lập để giới thiệu về du lịch Đà Nẵng cũng thường xuyên đăng tải các hình ảnh đẹp, thu hút lượt theo dõi.

Mặt khác, các chuyên gia cho biết, hiện rất khó để khẳng định về sự phục hồi của ngành du lịch. Kể từ cuối tháng 4/2021 dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, số liệu từ công cụ Destination Insights của Google cho thấy lượng tìm kiếm thông tin của khách du lịch nội địa nhanh chóng giảm mạnh và duy trì ở mức rất thấp đến tận thời điểm này. Hiện 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP HCM đều đang thực hiện giãn cách xã hội, ảnh hưởng lớn đến nguồn khách du lịch nội địa. Vì vậy, với các địa phương còn lại, tạo tâm lý an toàn và đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch tại chỗ góp phần từng bước vào việc nối lại hoạt động của du lịch.