Những bài học đau xót vì “anh hùng bàn phím”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của không gian ảo đang lộ rõ qua vấn nạn bạo lực mạng. Những lời chỉ trích, mỉa mai, hay công kích vô căn cứ từ những “anh hùng bàn phím” không chỉ gây tổn thương mà còn để lại những hậu quả khủng khiếp đối với tâm lý, tinh thần và sức khỏe của nạn nhân, đặc biệt là các bạn trẻ.
Một trong những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất do lực lượng “anh hùng bàn phím” trên mạng chính là các em thiếu niên. (Nguồn: TL)
Một trong những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất do lực lượng “anh hùng bàn phím” trên mạng chính là các em thiếu niên. (Nguồn: TL)

Những vết thương vô hình

Khái niệm “anh hùng bàn phím” được cho là xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng năm 2013, khi một nhóm sinh viên tại một trường đại học phân tích và định nghĩa khái niệm này thông qua một đoạn clip dài gần 2 phút.

“Anh hùng bàn phím” dùng để chỉ những người dùng bàn phím máy tính, điện thoại làm công cụ “tấn công” người khác, dùng những lời lẽ có tính sát thương để “ném đá”, xúc phạm người khác trên mạng ảo. Đặc điểm của “anh hùng bàn phím” là rất hùng hổ trên mạng, nói năng bạt mạng, thiếu suy nghĩ, bất chấp lý lẽ, bất chấp đúng, sai, dựa vào việc “ẩn danh” hoặc tính chất “ảo” của mạng xã hội để tha hồ cho cái tôi phát tác không giới hạn.

Từ khi mạng xã hội xuất hiện, đồng thời lực lượng “anh hùng bàn phím” được hình thành. Từ đó, không ít người trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công vô cớ trên mạng xã hội. Họ bị chế nhạo vì ngoại hình, chê bai về hành vi, hay thậm chí bị lan truyền những tin đồn ác ý, bị vu khống, sỉ nhục. Những lời lẽ cay độc ấy, dù chỉ là dòng chữ trên màn hình, lại trở thành gánh nặng tinh thần khủng khiếp.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nạn nhân của bạo lực mạng thường có nguy cơ rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm, thậm chí là tự tử. Sự hoành hành của lực lượng “anh hùng bàn phím” nằm ở phạm vi toàn cầu và hậu quả của nó là không có biên giới. Đã có rất nhiều nạn nhân của các “anh hùng bàn phím”, trong đó có những vụ việc thương tâm, gây đau xót cho cả cộng đồng.

Năm 2019 làng giải trí Hàn Quốc từng chấn động với sự ra đi của 2 nữ nghệ sĩ nổi tiếng Choi Sulli và Goo Hara. Mặc dù trưởng thành trong môi trường nghệ thuật khắc nghiệt của Hàn Quốc với áp lực từ dư luận luôn đè nặng, nhưng ngay cả những nghệ sĩ này cũng không chịu nổi trước những lời miệt thị, “ném đá” của cộng đồng mạng, họ đều rơi vào trầm cảm. Choi Sulli tự sát trước, sau khi vướng vào scandal với bạn trai cũ và bị “tẩy chay” trên mạng. Goo Hara là bạn thân của cô, đối mặt với dư luận khi lên tiếng bênh vực bạn mình, để rồi cũng bị chỉ trích trên mạng và chọn cái chết sau đó ít lâu.

Năm 2023, một vụ việc khác tại Trung Quốc gây rúng động. Cô gái trẻ mới 23 tuổi đối mặt với làn sóng chỉ trích trên mạng sau khi nhuộm tóc màu hồng. Cô bị các “anh hùng bàn phím” đặt biệt danh là “cô gái hư hỏng” cùng nhiều biệt danh mang tính xúc phạm khác. Điều này khiến cô gái trẻ rơi vào trầm cảm và tự sát.

Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực mạng gây ra bởi các “anh hùng bàn phím” đã có từ rất nhiều năm nay. Những năm gần đây nó dường như không giảm bớt mà còn có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ. Năm 2021, một bé gái 13 tuổi tại Long An đã tự tử do bị “tẩy chay”, cô lập và bắt nạt hội đồng trên Facebook. Một trường hợp khác do chị T.T.H.M., 42 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, chị suýt nữa mất con vì không kịp thời theo sát con khi con phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng. Con trai chị mới 16 tuổi, đi vào quán nước, có va chạm với nhân viên của quán nước. Một video clip cắt đoạn không hoàn chỉnh quay lại cho thấy con trai chị có thái độ vô lý đối với nhân viên được tung lên mạng. Thế là cậu thiếu niên bị “ném đá”, chửi bới liên tục. Nhiều bạn bè không hiểu cũng “tẩy chay” cậu bé. Cậu cũng liên tục nhận được tin nhắn, email “khủng bố” tinh thần từ những người xa lạ. Sau một thời gian im lặng chịu đựng, cậu bé uống thuốc ngủ tự sát, may mà người mẹ phát hiện đưa đi cấp cứu kịp thời.

Người nổi tiếng cũng là đối tượng phải đối mặt với lực lượng “anh hùng bàn phím” một cách khủng khiếp. Một nữ ca sĩ bị cho là “ăn chặn” từ thiện từ thông tin do một người phụ nữ chuyên livestream “soi” chuyện người khác tung ra. Mặc dù sau đó cơ quan công an đã vào cuộc, khẳng định “không có dấu hiệu ăn chặn từ thiện”, nhưng nữ ca sĩ ấy đến nay vẫn luôn bị đem ra chửi bới, chế nhạo bởi nhiều đối tượng trên mạng.

Mới đây, một hoa hậu trong nước đi thi nhan sắc tại nước ngoài không đạt thứ hạng cao như kì vọng và chỉ vì có những phát ngôn đầy tự tin trước đó, cô đã trở thành “miếng mồi” cho hàng loạt “anh hùng bàn phím” chế nhạo. Từ ngoại hình, cách ăn nói, hành xử và cả những tin đồn vô căn cứ liên quan đến hoa hậu đều bị mổ xẻ, chê bai liên tục trên mạng. Còn rất nhiều người nổi tiếng là nạn nhân của bạo lực mạng, trong đó không ít người đã bị lực lượng “anh hùng bàn phím” lập ra các nhóm kín “antifan” để tấn công, mổ xẻ, thóa mạ, vu khống... mà không làm gì được. Có người thậm chí phải rút khỏi làng giải trí vì rơi vào khủng hoảng tinh thần.

Bài học từ những nỗi đau

Theo một khảo sát vào năm 2023 của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS, thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho thấy 78% người dùng mạng khẳng định mình từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội; 61,7% từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của trò nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự và 46,6% từng bị vu khống, bịa đặt thông tin.

Sự thiếu kiểm soát cảm xúc, cộng thêm hiệu ứng đám đông biến mạng xã hội thành một “phiên tòa” đầy định kiến, nơi mà “anh hùng bàn phím” sẵn sàng làm “quan tòa” kết tội bất kỳ ai. (Nguồn: TL)

Sự thiếu kiểm soát cảm xúc, cộng thêm hiệu ứng đám đông biến mạng xã hội thành một “phiên tòa” đầy định kiến, nơi mà “anh hùng bàn phím” sẵn sàng làm “quan tòa” kết tội bất kỳ ai. (Nguồn: TL)

Một trong những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất do lực lượng “anh hùng bàn phím” trên mạng chính là các em thiếu niên. Ở tuổi mới lớn, hành xử chưa thực sự chuẩn mực, còn ngây thơ, các em dễ trở thành “con mồi” của những kẻ thích “ném đá” trên mạng. Đồng thời, tâm lý còn non nớt, các em cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, dễ sa vào trầm cảm và gây ra các hành động khó lường khi bị “anh hùng bàn phím” tấn công. Một đề tài nghiên cứu của Trường Đại học Y Dược năm 2022, trong đó có những cuộc khảo sát cụ thể và kết quả cho thấy, tỷ lệ học sinh THCS và THPT bị bắt nạt trực tuyến là 36,5%, những học sinh bị bắt nạt trực tuyến có số chênh trầm cảm cao gấp 1,97 lần so với những học sinh khác.

Nhiều người dùng trên mạng thậm chí không biết mình chính là “anh hùng bàn phím”, bởi nghĩ đơn giản những dòng bình luận họ để lại trên mạng chỉ là “vô hại” vì không phải nói trực tiếp. Nhưng thực tế, nó lại có sức công phá lớn. Một câu nói ác ý, khi được lan truyền và “hùa theo” bởi hàng trăm, hàng ngàn người khác, không khác gì những lưỡi dao đâm thẳng vào trái tim nạn nhân. Sự thiếu kiểm soát cảm xúc, cộng thêm hiệu ứng đám đông, biến mạng xã hội thành một “phiên tòa” đầy định kiến, nơi mà “anh hùng bàn phím” sẵn sàng làm quan tòa kết tội bất kỳ ai.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - một chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề xã hội chia sẻ: “Ném đá hay bắt nạt trên mạng xã hội có thể xem là hành động giết người tập thể mà không ai cảm thấy mình có lỗi. Mỗi người góp một lời nói khiến sự việc trở nên nghiêm trọng, khủng khiếp”.

Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của bạo lực mạng. Từ đây, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng cao giáo dục thanh, thiếu niên nói riêng và mỗi người dùng nói chung về trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội, làm sao để ai cũng hiểu rằng mỗi một bình luận, mỗi lượt chia sẻ trên mạng ảo đều có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới người khác trong đời sống thật? Cạnh đó, làm sao để thanh, thiếu niên, để mỗi người dùng trang bị được cách tự bảo vệ mình trước những công kích trên mạng, có được nơi để chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị tổn thương?

Điều này là trách nhiệm lớn của các cơ quan quản lý, của cả nhà trường, phụ huynh và cả nền tảng mạng xã hội. Nhưng trên hết, mỗi người dùng mạng xã hội cần tự ý thức rằng, phía sau màn hình là những con người thật, với cảm xúc và tâm hồn dễ tổn thương.

Sự thay đổi, xóa bỏ đi tính độc hại từ môi trường mạng không phải là một câu chuyện quá vĩ mô mà thực ra nằm trong tay chính mỗi người dùng mạng, mỗi chúng ta. Hãy bắt đầu từ việc suy nghĩ kỹ trước khi gõ một dòng bình luận, hãy tự ý thức được rằng, mỗi một câu nói tiêu cực có thể tổn hại đến sức khỏe, sinh mạng con người, còn mỗi một lời tích cực chính là đang cùng xây dựng một môi trường mạng lành mạnh, nơi mà lời nói không phải là vũ khí, mà là cầu nối cho sự đồng cảm và sẻ chia.

Đọc thêm