Những “bãi xác người” thách thức cả châu Âu

(PLO) - Tuần qua, số người di cư bỏ mạng trên Địa Trung Hải đã lên tới 880 người dù ngày 26/5, Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Italia đã cứu sống 4.100 người di cư, nâng tổng số người được các tàu cứu hộ của nước này cùng lực lượng tuần tra và cứu hộ Liên minh Châu Âu - EU (Eunavformed) cứu trong vòng 1 tuần lên gần 10.000 người. Khủng hoảng người di cư vẫn là cuộc khủng hoảng lớn nhất ở châu Âu…
5 tháng đầu năm, đã có tới 2.510 người thiệt mạng trên Địa Trung Hải
5 tháng đầu năm, đã có tới 2.510 người thiệt mạng trên Địa Trung Hải

Cao ủy Liên Hợp quốc (LHQ) về người tị nạn (UNHCR) ngày 31/5 đã cập nhật con số người di cư bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải trong tuần trước lên tới ít nhất 880 người. Đây được coi là 7 ngày đen tối nhất với những người tị nạn tại châu Âu trong vòng hơn một năm qua. 

“Bãi xác người”

Cập nhật con số dựa trên lời khai của những nạn nhân được cứu sống, Người phát ngôn UNHCR William Spindler cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay đã có tới 2.510 người thiệt mạng trong các vụ lật tàu và chìm tàu trên Địa Trung Hải, cao hơm nhiều so với con số 1.855 người chết trong cùng kỳ năm ngoài. 

Các vụ chìm tàu với số lượng thương vong cao nhất diễn ra chủ yếu vào ba ngày thứ 4, thứ 5 và thứ 6 tuần trước sau khi hơn 13.000 người cố gắng rời Libya để tới Italia. Những thành viên trong đội tìm kiếm cứu nạn miêu tả khung cảnh vùng biển như một “bãi xác người” đầy kinh hoàng với thi thể người tị nạn trôi nổi gần xác các con thuyền. Một vài người đang cố gắng giành giật lấy sự sống khi họ gần như không có phản ứng gì, nhưng vẫn còn nhịp thở. Đa phần các nạn nhân là những người trẻ, trong đó có khá nhiều trẻ em; nhiều thi thể được tìm thấy trong tình trạng vẫn đang ôm lấy nhau.

Thảm họa trên là một minh chứng cho sự thất bại của những nỗ lực ngăn chặn việc buôn người tại khu vực nam Địa Trung Hải, khi mà dòng người từ Libya vẫn đổ về Italia rất đông. Ước tính trong 4 tháng đầu năm, số người tị nạn tới Italia đã lên tới 46.000 người. Trong năm 2014 và 2015, hơn 320.000 người tị nạn đã tới Italia thành công. Tuy nhiên, hơn 7.000 người cũng đã bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải.

“Sức ép” miễn thị thực

Trong khi đó, ngày 30/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo nước này sẽ hủy thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề hạn chế người tị nạn nếu người dân nước này không được miễn thị thực vào phần lớn các nước EU.

Phát biểu với giới báo chí tại khu nghỉ mát Antalya, Ngoại trưởng Cavasoglu nhấn mạnh việc Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi luật chống khủng bố - một trong những điều kiện để EU miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khối Schengen, là điều “không thể”.

Ông Cavasoglu cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng các “biện pháp hành chính” để ngăn chặn thỏa thuận với EU về hạn chế người tị nạn nếu cần thiết. Thỏa thuận nói trên đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi các nhà lãnh đạo EU kiên quyết yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải đáp ứng đủ 72 điều kiện trước khi việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khối Schengen được thông qua, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7 tới.

Việc miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào khối Schengen sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, điều mà Tổng thống Tayip Erdogan tuyên bố là “mục tiêu chiến lược” của Ankara. Trong những ngày tới sẽ có một loạt cuộc gặp cấp chuyên viên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh có khả năng diễn ra với sự tham gia của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Đức và các quan chức hàng đầu châu Âu. Ông Cavasoglu cho biết các bên muốn đạt được một thỏa thuận trước khi diễn ra cuộc họp của Hội đồng châu Âu trong hai ngày 7 và 8/7 tới. 

Cơ hội vàng cho kẻ… buôn người

Chết chóc là một trong vô số những tai nạn người di cư phải đối mặt trên con đường tìm tới “miền đất hứa” châu Âu. Trong khi đó, người “trục lợi” duy nhất chính là các tổ chức tội phạm đưa người tị nạn bất hợp pháp vào châu Âu. Dư luận cho rằng, việc các nước thuộc EU chưa tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng di cư đang tạo ra cơ hội vàng để các tổ chức khủng bố và tội phạm “đục nước béo cò”.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), tính riêng trong năm 2015, những kẻ buôn người đã kiếm được hơn 5 tỷ USD từ dịch vụ đưa người tị nạn tới châu Âu. Năm 2015, 90% những người tị nạn đến châu Âu thông qua dịch vụ nói trên, với chi phí mỗi chuyến vượt biên có giá khoảng 3.200- 6.500 USD. Hơn 50% trong số 1.500 người vượt biên được hỏi cho biết đã trả khoản chi phí này bằng tiền mặt và khoảng 16% các trường hợp thanh toán khác được chính các thành viên gia đình người tị nạn đã tới châu Âu trước đó chi trả. 

Báo cáo của Europol và Interpol cho biết, các đường dây đưa người tị nạn bất hợp pháp vào châu Âu thường do các tổ chức tội phạm từng dính vào các hoạt động buôn bán ma túy cầm đầu và lợi nhuận chúng kiếm được từ dịch vụ này là rất lớn. Để hợp pháp hóa những khoản “tiền bẩn” khổng lồ thu được, bọn buôn người sử dụng hình thức chuyển tiền qua biên giới bằng cả đường bộ và hàng không, sau đó chúng lại tìm cách “rửa” các khoản tiền trên thông qua các cửa hàng bán thực phẩm khô, các nhà hàng ăn hay các doanh nghiệp vận tải…

Điều đáng lo ngại là các nhóm tội phạm buôn người vào châu Âu vẫn đang làm ăn phát đạt trong năm 2016 này. Việc các quốc gia châu Âu lúng túng trong khi xử lý cuộc khủng hoảng nhập cư đã và đang tạo ra những “mảnh đất màu mỡ” cho dịch vụ trung chuyển người vượt biên bất hợp pháp.

Thống kê của Europol và Interpol cho thấy, trong năm 2015, hơn một triệu người di cư đã tới châu Âu và năm 2016, con số này dự kiến sẽ còn cao hơn. Một trong những thị trường sôi động nhất của các tổ chức vận chuyển người tỵ nạn là Libya. Theo Europol, tại nước này hiện có khoảng 800.000 người tị nạn đang chờ cơ hội để vượt biển sang EU, bất chấp nguy hiểm tính mạng.

Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu ngày càng trầm trọng và làm gia tăng các thảm họa nhân đạo
Cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu ngày càng trầm trọng và làm gia tăng các thảm họa nhân đạo

Thách thức cho châu Âu

Các nhà phân tích cho rằng, việc các tổ chức tội phạm mặc sức hoành hành trong việc tổ chức dịch vụ vượt biên đã khiến cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu thêm trầm trọng và làm gia tăng các thảm họa nhân đạo, được cho là thách thức không nhỏ đối với Lục địa già.

Theo thống kê trong “The Migrants Files” (Hồ sơ tị nạn) của Nhóm các nhà báo từ hơn 10 nước châu Âu, 1.473 người đã phải bỏ mạng trên đường tới “miền đất hứa” châu Âu trong năm 2015. Còn tính riêng từ đầu năm tới nay, số người chết đã lên tới 1.134 người. 

Mới đây nhất, ngày 26/5, khoảng hơn 500 người tị nạn đã thiệt mạng khi chiếc tàu cá chở họ bị lật úp ở ngoài khơi Libya, cách nơi gần nhất của bờ biển nước này 35 hải lí. Theo Người phát ngôn của UNHCR Carlotta Sami, chiếc tàu đánh cá này chở khoảng 670 người, trong đó chỉ có gần 30 người sống sót, 80 người khác được các tàu tuần tra quốc tế giải cứu.

Những người sống sót cho biết, trong số các nạn nhân có ít nhất 40 người thiệt mạng là trẻ em, trong đó có cả trẻ sơ sinh. Đây được coi là một trong những thảm kịch tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng người di cư cách đây gần hai năm. 

Hơn nữa, việc dòng người di cư vào châu Âu qua “bàn tay” thao túng của các tổ chức tội phạm cũng đặt EU trước các thách thức an ninh và chính trị rất lớn. Trước hết, châu Âu rất khó kiểm soát các phần tử khủng bố xâm nhập thông qua dòng người tị nạn. Bên cạnh đó, việc gia tăng làn sóng nhập cư đang gây ra nhiều nguy cơ bất ổn tại một số nước EU.

Đặc biệt, việc các nước áp dụng những biện pháp kiểm soát biên giới để ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa trực tiếp tới quyền tự do đi lại trong EU, gây nên những hoài nghi về khả năng tồn tại của khu vực tự do đi lại khối Schengen. 

Mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ “chủ nghĩa dân tộc” quay trở lại châu Âu. Bà Merkel bày tỏ quan ngại trước thực trạng các đảng cực hữu và chống người nhập cư đang nhận được sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ ở một số quốc gia EU thời gian gần đây…

Chính vì vậy, đằng sau quy trình đưa người nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu nói trên đang đặt ra thêm những thách thức lớn với các nhà lãnh đạo EU trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư vốn bế tắc hiện nay. Điều này cũng là minh chứng cho thấy thời gian qua, các nhà lãnh đạo châu Âu mới chỉ chú trọng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở nội địa EU, mà chưa chú trọng giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này.

Nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) A.Pa-la-xi-ô chỉ trích, phản ứng của EU với cuộc khủng hoảng tị nạn vừa qua là chưa khoa học, chưa bảo đảm được quyền con người cũng như bảo vệ người tị nạn. Các nước EU cũng chưa xác định rõ được ranh giới giữa tị nạn và di dân, cho nên không thể đưa ra được lập luận thuyết phục bảo vệ người tị nạn cũng như chính sách giải quyết khủng hoảng di cư hiệu quả hơn.

Thực tế nêu trên đòi hỏi EU phải đổi mới cách tiếp cận trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, bên cạnh việc giải quyết các vấn đề trước mắt trong nội bộ khối, EU cần quan tâm ngăn tận gốc “nguồn cung” người tị nạn thông qua việc hợp tác triệt phá các tổ chức tội phạm buôn người ngoài EU và bảo đảm hòa bình, ổn định, tái thiết tại các quốc gia đang chìm trong nội chiến, bất ổn như Libya, Syria..