Giảm túi ni lông và những chất hóa học…
Với mục đích góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường; đồng thời, tiết kiệm được nguồn nhiên liệu đang dần cạn kiệt và không ngừng tăng giá nên Nguyễn Hữu Trung, học sinh Trường THPT Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã sáng chế ra chiếc xe chạy bằng 2 dạng năng lượng sạch.
Trung tìm khung xe đạp cũ, sửa chữa lại, sau đó hàn các chi tiết phụ tùng khác, như: phuộc, thay yên xe đạp bằng yên xe máy, gắn mô-tơ cố định vào sườn sau xe, thiết kế nơi gắn 2 bình ắc quy, đồng hồ đo cường độ dòng điện, vận tốc, hệ thống đèn chiếu sáng, ổ khóa… Trung tích hợp năng lượng mặt trời bằng tấm pin năng lượng gắn ở phần đầu xe, sau đó nối dây vào đi-ốt, truyền năng lượng vào bình ắc quy.
Bên cạnh đó, một hệ thống cung cấp năng lượng khác được tạo ra bằng vòng quay của bàn đạp. Khi người dùng đạp xe sẽ kéo theo dynamo quay tạo ra dòng điện, truyền qua ổn áp và nạp vào bình ắc quy để tích trữ năng lượng. Ngoài là phương tiện lưu thông, chiếc xe chạy bằng 2 dạng năng lượng sạch của Trung còn được tích hợp hệ thống chống trộm, bộ phận sạc pin điện thoại.
Xe chạy bằng năng lượng mặt trời. |
Hai nữ sinh sáng chế túi sinh học kháng khuẩn tự phân hủy thay túi ni lông giúp bảo vệ môi trường là Nguyễn Cẩm Bình Minh và em Nguyễn Cẩm Kiều Khanh đều học ở Trường THPT chuyên Quốc học Huế). Bình Minh cho hay, nguyên liệu để các em chế tạo túi sinh học kháng khuẩn là dung dịch bạc nano 100 ppm, Polyvinyl anlcol tinh khiết dạng bột, tinh bột sắn và glyxerol 99%.
Kiều Khanh cũng cho biết thêm rằng ý tưởng này xuất phát từ việc em vô tình phát hiện bột lọc có khả năng tạo được màng mỏng có độ bền nên em nghĩ đến việc dùng tinh bột cán mỏng thành màng rồi từ màng tạo thành túi. Các chất có chứa trong dung dịch bạc nano tạo sự ổn định cho nano bạc và tăng cường tính chất kháng khuẩn của dung dịch. Còn tinh bột sắn có khả năng tạo túi mỏng do chính nó và cả khi phối trộn với các phụ liệu tạo túi khác đồng thời có khả năng tự phân hủy nhanh trong môi trường tự nhiên. Sáng chế của em đã được một số chuyên gia đánh giá tốt, được đưa lên nhiều chương trình truyền hình về công nghệ như “7 ngày công nghệ”, “Sáng tạo Việt”.
Sáng chế túi sinh học thay túi ni lông giúp bảo vệ môi trường của nữ sinh Huế. |
Anh Bùi Tất Thắng (Hà Nội) có ý tưởng gom vỏ dứa, xơ mít, vỏ cam, vỏ bưởi… để tạo ra một loại enzyme có tên gọi là Garbage Enzyme (viết tắt là G.E) giúp bảo vệ chính mình, gia đình và trái đất.
“Nếu mỗi người có thể biến rác thành Enzyme, chúng ta có thể bảo vệ tầng ozone của chính mình và sống trong môi trường không ô nhiễm, thực phẩm sẽ không bị độc tố. G.E có thể sử dụng trong mỗi gia đình. Nếu mỗi gia đình biết dùng G.E để thay thế các chất tẩy rửa hóa học, sẽ có nhiều G.E được chảy vào cống thải, chúng sẽ làm sạch các dòng sông, biển và bảo vệ trái đất”, anh Thắng chia sẻ ý tưởng.
Anh Thắng hướng dẫn cách làm đơn giản mà hiệu quả: cho vỏ trái cây các loại vào bình - nén chặt thành 1/3 bình, mỗi bình đều cho ít vỏ khóm (dứa) vào sẽ thơm hơn. Sau đó cho nước sạch vào bình + 1 ly nước mía rồi đậy kín nắp hoặc có thể thay nước mía bằng đường thô nhưng hơi lãng phí. Ở những nơi không có nước mía thì bạn có thể dùng rỉ mật hoặc một khúc mía, mắt mía chẻ ra và cho vào. Nước này giúp tăng khả năng tẩy rửa, kể cả đồ dầu mỡ. Để khoảng hơn 1 tháng, bạn rút nước ra dùng được thay cho nước giặt, rửa chén, lau nhà, vệ sinh, tắm - gội... Cách làm từ các loại thảo mộc khác (rác thải thảo mộc hàng ngày như rau, vỏ...): Bạn làm tương tự như vỏ, trái cây.
Anh Thắng lưu ý khi thực hiện sáng chế G.E: Luôn dùng bình nhựa mềm. Phải vặn nhẹ nắp cho xì bớt khí từ trong bình ra khi bình hơi căng, giúp cân bằng áp suất bên trong bình, tránh nổ bình, đặc biệt khi làm bằng bình kín như bình nước suối; trong quá trình làm, vi sinh bề mặt sẽ tạo lớp váng trắng rất tốt, đừng vớt bỏ hay lắc bình; không dùng nguyên liệu đã bị hư thối.
Sản phẩm này được anh Thắng sử dụng với mục đích làm sạch không khí bằng cách phun vào không khí, cọ sạch toilet, lau nhà sạch, lau bếp cũng như các thiết bị nhà bếp, ngâm giặt sạch và làm mềm quần áo, ngâm rửa rau quả để loại bỏ thuốc trừ sâu…, tắm cho vật nuôi, chăm sóc xe ô tô bằng cách cho lượng nhỏ vào két nước để giảm nhiệt động cơ, phun khử mùi trong xe. Trong nông nghiệp, bạn có thể phun để tưới cây, hoa, làm chất trừ sâu, làm phân bón hữu cơ, làm chất kích thích tăng trưởng để làm tăng chất lượng rau quả, tăng năng suất.
Vỏ dứa, xơ mít, vỏ cam, vỏ bưởi… có thể làm sạch áo quần, nhà cửa… |
Tận dụng sóng biển làm năng lượng điện
Với mong muốn chung tay cùng bảo vệ môi trường, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã đã nghiên cứu, sáng chế thành công chiếc máy thu gom rác thải ở bãi biển, mặt nước. Theo đó, chiếc máy được vận hành trên cạn nhờ hệ thống bánh xích và vận hành dưới nước nhờ hệ thống chân vịt đặt trong ống. Phía trước có cửa thu gom rác được thiết kế đặc biệt giúp tăng diện tích thu gom. Rác thải sẽ được đưa lên hệ thống băng tải lưới có bố trí các gai và lỗ thoát nước (giúp nước và và cát được trả lại môi trường). Sau đó rác sẽ được đưa vào hệ thống xử lý (nén hoặc xay rác nhỏ). Rác sẽ đưa về thùng chứa, khi nào đầy thì tháo thiết bị để lấy thùng rác ra. Tính năng ưu việt của sản phẩm là có thể hoạt động ở địa hình trên cạn, lẫn dưới nước. Máy có thể chạy 10 giờ đồng hồ liên tục sau mỗi lần sạc; mỗi lần gom được khoảng 20kg rác.
Bạn Trần Văn Nhật - đại diện nhóm chia sẻ: “Chiếc máy hiện được chế tạo với kết cấu đơn giản nhất, để người vận hành dễ dàng tiếp cận, làm chủ thiết bị. Thiết bị này đã được nhóm chạy thử nghiệm ở sông, bãi biển, cơ bản hoạt động ổn định và đạt được tiêu chí đề ra”.
Bằng kiến thức vật lý và niềm đam mê, một nhóm bạn học sinh Trường THPT chuyên ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã chế tạo ra xe đạp làm sạch không khí. Đạp xe đến trường là điều không lạ đối với học sinh, nhưng chiếc xe đạp bảo vệ môi trường lại rất có ý nghĩa đối với các học sinh ở Trường THPT chuyên Thăng Long, thành phố Đà Lạt. Chiếc xe đạp này vừa đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Lâm Đồng vào tháng 2/2019.
Thiết bị lọc khí trên xe đạp khi tham gia giao thông của nhóm học sinh ở Trường THPT chuyên Thăng Long khá đơn giản với 6 cánh quạt nhỏ được đặt song song ở 2 bên bánh xe trước, bộ phận lọc khí trên cổ xe và 1 bình ắc quy nhỏ trên thân xe. Khi di chuyển, những cánh quạt sẽ tạo ra điện cung cấp cho bình ắc quy, điện cung cấp cho bộ phận lọc khí hoạt động, đẩy khí sạch lên mặt của người đạp xe.
Chỉ là vẩy than hoạt tính, vải lọc và bông gòn, sự chuyển đổi năng lượng và định luật Bernoulli nhằm tăng vận tốc của dòng khí, nhóm học sinh lớp 11 - 12 Lý Trường chuyên Thăng Long đã hoàn thành thiết bị lọc khí trên xe đạp, được Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng công nhận hiệu quả lọc khí, nhất là đối với khí lưu huỳnh carbonic khi lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng đông.
Ba học sinh lớp 9 Trường THCS Hoàng Kim Hoán, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã sáng chế ra một thiết bị đặc biệt, đó là hệ thống phát điện từ năng lượng sóng nhằm giúp người dân ven biển và hải đảo có điện năng sử dụng. Sáng chế này đã được đánh giá cao về ý tưởng và khả năng ứng dụng vào thực tiễn.
Cả nhóm cũng nhận thấy rằng sóng biển mang nhiều dạng năng lượng khác nhau, gồm cơ năng, động năng của luồng nước và thế năng do chênh lệch mực nước biển khi có sóng. Các em cũng phân tích rằng muốn thu năng lượng từ thế năng thì cần phải đầu tư hệ thống quy mô lớn, nhưng độ cao sóng biển ở Việt Nam không cao như các nước khác, nên việc khai thác thế năng từ chênh lệch mực nước biển sẽ không hiệu quả. Do đó, nhóm quyết định chọn phương án khai thác động năng của sóng biển để biến đổi thành điện năng...
Đối với mô hình này, để tăng quy mô khi có sóng lớn hoặc sóng mạnh, chỉ cần tăng diện tích tấm hứng sóng theo bề ngang hoặc sử dụng cơ cấu truyền động với tỉ lệ cao hơn hoặc có thể tăng trọng lượng của bánh đà mà không cần phải tăng quy mô toàn hệ thống.
Và sau khi nghiên cứu, chế tạo thì Thanh, Thành và Tin đã cùng nhau cho ra hệ thống phát điện bằng năng lượng từ sóng biển. Tấm hứng sóng thu lấy động năng của ngọn sóng. Động năng của sóng biển sẽ truyền đến cơ cấu biến đổi chuyển động để biến đổi chuyển động tịnh tiến của bộ phận thu động năng thành chuyển động quay của bánh răng 1. Bánh răng 1 sẽ truyền chuyển động qua bánh răng 2, vì bánh răng 1 có bán kính lớn hơn bánh răng 2 nên bánh răng 2 sẽ quay được nhiều vòng hơn. Bánh răng 2 sẽ truyền chuyển động cho máy phát điện.
Bánh đà được gắn với bánh răng 2 sẽ làm cho máy phát điện quay được lâu hơn. Dòng điện tạo ra từ máy phát điện được đưa vào mạch sạc để sạc cho ắc quy. Điện năng từ ắc quy sẽ được dùng để cung cấp điện cho phụ tải bên ngoài.
Nhờ được đánh giá cao về ý tưởng và khả năng ứng dụng vào thực tiễn, sáng chế này đã giúp 3 em Thanh, Thành và Tin nhận giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ 9/2016 và giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học do Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế tổ chức.