Những 'bông hồng thép' ngành Y

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những phụ nữ quyết định theo ngành y, đặc biệt là ngoại khoa, luôn có một “trái tim ấm” để giữ lửa trong công việc, yêu thương và cảm thông với bệnh nhân, đồng thời cũng có một “chiếc đầu lạnh” để có thể tỉnh táo trong mọi tình huống và giữ cho đôi tay luôn vững vàng trước những biến cố...

Ngoại khoa là một lĩnh vực vất vả với những đêm trực thức trắng, những ca phẫu thuật giữa lằn ranh sống và chết, nơi mà áp lực công việc luôn thường trực. Trong môi trường khắc nghiệt đó, luôn có “bông hồng thép” là những nữ bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, những "bông hồng thép” của nghành Y. Cùng theo chân các nhân viên Y tế phòng mổ BV Bạch Mai để hiểu thêm về họ.

Trong cuộc sống thường ngày, phụ nữ vốn được gắn với cụm từ “liễu yếu đào tơ“ không chỉ bởi tâm hồn dễ rung động mà còn bởi thể lực vốn kém hơn nam giới. Thế mà các nữ "thiên thần áo trắng" ấy lại chọn làm việc trong môi trường lao động căng thẳng kéo dài, đòi hỏi sức bền, khả năng chịu đựng, ý chí vững vàng, phải đưa ra quyết định nhanh trong thời khắc quyết định sinh tử của bệnh nhân. Những phụ nữ quyết định chọn theo ngành y, đặc biệt là ngoại khoa, luôn có một “trái tim ấm” để giữ lửa trong công việc, yêu thương và cảm thông với bệnh nhân, nhưng đồng thời, cũng có một “chiếc đầu lạnh” để có thể tỉnh táo trong mọi tình huống và giữ cho đôi tay luôn vững vàng trước những biến cố.

Thông thường, mỗi ca mổ có khoảng 8-10 người, bao gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ phụ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, kỹ thuật viên (KTV) phụ gây mê, KTV đưa dụng cụ, các y, bác sĩ trợ giúp vòng ngoài...

Mỗi người trong ekip đều có chức năng, nhiệm vụ riêng và cần phải đảm bảo hoàn thành tốt vai trò của mình thì ca phẫu thuật mới có thể thành công tốt đẹp. Trong đó có những vị trí như mặc định cho phái nữ, đó là các dụng cụ viên, điều dưỡng phòng mổ. Có lẽ do tính chỉn chu, cẩn thận, ngăn nắp gọn gàng mà họ được lựa chọn để làm những công việc đó.

Những thiệt thòi của nữ y, bác sĩ khoa ngoại không chỉ dừng ở tính chất công việc áp lực, ít ai để ý rằng, cũng giống như nhiều ngành nghề phục vụ xã hội khác, thời gian của y, bác sĩ dành cho gia đình luôn bị hạn chế. Với đặc trưng ngành y tế luôn khẩn cấp, gấp gáp và đòi hỏi cần người túc trực 24/24h, những người phụ nữ trong phòng mổ phải chấp nhận hy sinh thời gian bên gia đình, nhiều đêm trực thức trắng và thậm chí, nhiều ngày Lễ, Tết cũng không thể ở bên gia đình. Những lúc như vậy, họ phải gác lại những cảm xúc, đôi khi cả những nỗi niềm riêng của bản thân, để toàn tâm toàn ý cứu chữa cho bệnh nhân. Đó là những hy sinh thầm lặng và đáng trân quý phía sau mỗi chiếc áo blouse.

Điển hình như các nữ y, bác sĩ, KTV bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã sớm trở thành mái nhà của họ. Trong khi nữ giới các ngành nghề khác có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân và sắc đẹp, thì các nữ y, bác sĩ, KTV tại đây dành nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân. Tính chất công việc khiến họ không thể diện lên những bộ váy áo công sở, và gần như luôn phải che mặt sau lớp khẩu trang, nhưng vẻ đẹp của những “bông hồng thép” này vẫn tỏa sáng lấp lánh qua ánh mắt cương nghị, trách nhiệm nhưng đầy yêu thương, những bàn tay mềm mại, dịu dàng mà vững trãi, và cả những cống hiến, hi sinh mà họ đã dành cho bệnh nhân và cộng đồng.

“Phái đẹp” là để yêu thương, đặc biệt, các nữ y, bác sĩ, KTV tại khoa ngoại bệnh viện Bạch Mai nói riêng và phụ nữ làm việc trong ngành y tế nói chung, họ dành tình yêu đó cho công việc cho những người bệnh nhân của mình. Họ luôn cần nhiều hơn sự đồng cảm, công nhận cũng như chia sẻ từ phía gia đình và xã hội để có thể vững bước trên “hành trình cứu người” cao quý.

Hình ảnh các "bông hồng thép" trong phòng mổ tại BV Bạch Mai:

Đọc thêm