“Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”
Nói về hoàn cảnh ra đời bức thư đặc biệt này, TS. Nguyễn Xuân Trung – Phó Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng cho biết, tháng 8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, nhưng ngay sau đó nhân dân ta lại phải bước vào một cuộc kháng chiến không cân sức do sự quay trở lại xâm lược của thực dân Pháp và các thế lực thù địch núp dưới danh nghĩa quân đồng minh.
Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp đã thu hút nhiều thanh niên nam nữ tham gia quân đội. Nhiều người đã hy sinh, nhiều người là thương, bệnh binh, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm Ngày Thương binh toàn quốc để đồng bào có dịp tỏ lòng kính trọng, yêu mến thương binh.
Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị đã họp ở Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm làm Ngày Thương binh toàn quốc (năm 1955 được đổi tên thành Ngày Thương binh, liệt sĩ) và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947. Khoảng 18h ngày 27/7/1947 cách hôm nay vừa tròn 70 năm, đại diện các cơ quan đoàn thể và nhân dân, bộ đội đã mít tinh để nghe công bố bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi Ban thường trực của Ban Tổ chức Ngày Thương binh và ghi nhận sự ra đời của Ngày Thương binh toàn quốc.
Cũng theo TS. Nguyễn Xuân Trung, đây là bức thư Bác viết nhân dịp kỷ niệm tổ chức lần đầu Ngày Thương binh toàn quốc nên để mọi người có thể hiểu đúng trong việc thực thi chính sách và tôn vinh những người thương binh cho đúng đối tượng. “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy” – Bác căn dặn.
Người cũng không quên chỉ rõ hoạt động đền ơn đáp nghĩa phải thiết thực, gắn bó với những hành động cụ thể, chứ không thể chỉ hô hào khẩu hiệu, chung chung. Hơn nữa, để tránh tình trạng nhiệt tình thái quá hoặc áp dụng máy móc phong trào giúp đỡ thương binh nhân ngày 27/7, Hồ Chí Minh còn căn dặn trong bức thư chi tiết, cụ thể quá trình thực hiện, đối tượng và cách triển khai cụ thể tới từng địa phương, cán bộ…
Ôm cả non sông, mọi kiếp người
Được biết, hiện nay kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ hơn 20 tài liệu bản thảo có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ và công tác đền ơn đáp nghĩa. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng “số lượng tài liệu tuy không nhiều, nhưng thông qua đó có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ dành cho thương binh, bệnh binh, thân nhân các liệt sĩ cũng như một số quan điểm của Người về công tác đền ơn đáp nghĩa”.
Tháng 1/1947, nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng (là một trí thức công giáo yêu nước, là một trong những bác sĩ đầu ngành về ngoại khoa của Việt Nam, có cảm tình với cách mạng và giàu lòng nhân ái) hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư riêng cho ông với những lời lẽ hết sức cảm động: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Ngài đã đem món của quý báu nhất là con mình sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc. Từ đấy chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và vui sướng…”.
Trước khi qua đời, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã trao lại bức thư cho người con trai cả Vũ Đình Tuân với lời nhắn nhủ: “Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc”. Với mong muốn vật quý này có điều kiện được bảo quản tốt, đồng thời giúp cho đông đảo người dân biết rõ hơn tình cảm bao la của Bác, ngày 13/6/1985 ông Vũ Đình Tuân đã tặng lại bức thư cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Không chỉ đau xót trước sự hy sinh của người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vô cùng xót xa trước những người lính Pháp, lính Mỹ đã hy sinh trong chiến tranh. Bởi theo Người “trước lòng bác ái thì máu người Pháp hay máu người Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”. Thấu hiểu sự đau đớn, mất mát của thân nhân những người chết trận tại Việt Nam, ngày 14/11/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư gửi các bà mẹ và vợ Pháp có con và chồng chết trận ở Việt Nam.
Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều việc làm thiết thực để đưa công tác đền ơn đáp nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ trở thành phong trào rộng lớn, huy động được sự tham gia của toàn xã hội.
Ngày 16/2/1947, Người ký Sắc lệnh số 20/SL về chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Đây là văn bản đầu tiên của Nhà nước Việt Nam về chế độ chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Trước lúc đi xa, trong bản thảo Di chúc viết năm 1968 những đối tượng Người quan tâm trước tiên là thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Đối với thương binh, “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ “chính quyền địa phương… phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.