Lên non thiêng tưởng nhớ Bác…

Dãy núi Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng bởi câu chuyện Sơn Tinh trị giặc nước trong truyền thuyết. Ngày nay, trên đỉnh cao nhất của dãy Ba Vì đang hiện hữu một công trình thu hút được tình cảm và tâm trí của người dân cả nước.

Dãy núi Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng bởi câu chuyện Sơn Tinh trị giặc nước trong truyền thuyết. Ngày nay, trên đỉnh cao nhất của dãy Ba Vì đang hiện hữu một công trình thu hút được tình cảm và tâm trí của người dân cả nước. Đó là Đền thờ Bác Hồ được đặt trên đỉnh Vua với độ cao 1296m. Càng gần tới ngày Lễ Quốc khánh, không khí nơi đây càng tấp nập bởi những đoàn du khách hành hương từ mọi miền Tổ quốc hướng về Bác Hồ.

Đền thờ Bác Hồ.
Đền thờ Bác Hồ.

Chốn tâm linh

Đền thờ Bác Hồ nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Ba Vì. Trước đó, Vườn còn có tên là Rừng cấp Quốc gia Ba Vì. Vượt 12 km đường dốc quanh co, du khách lên tới trụ sở trạm kiểm lâm cost 1100m. Để đi tới Đền, du khách đi bộ thêm hơn 1.300 bậc đá trong cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ, rêu xanh phủ kín thân cây, dây leo chằng chịt, sương mù thấp thoáng phủ kín lối đi. Thấp thoáng sau những tán cây xanh mướt, lớp mái của Đền ẩn hiện ra tạo cảm giác bình dị và thân thiện.

Khởi công ngày 1/3/1999, Đền thờ Bác Hồ được hoàn thành đúng ngày 31/8/1999 (tức 21/7 âm lịch - ngày giỗ Bác Hồ theo phong tục dân gian). Người được vinh dự thiết kế ngôi đền là KTS Hoàng Phúc Thắng, người nhận trách nhiệm làm chủ nhiệm công trình là KTS Nguyễn Trực Luyện. Đền thờ Bác Hồ quay về hướng Nam, mái đao uốn cong ở bốn phía, dựng trên các cột bê tông giả gỗ.

Trung tâm của Đền là bức tượng Bác Hồ toàn thân được đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, tay cầm tờ báo Nhân Dân. Phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ in hoa: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Đối diện với tượng Bác là tấm bia đá trích đoạn Điếu văn của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ tang Hồ Chủ tịch, mặt trong bia trích di chúc của Người. Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ. Hai bên bệ thờ là chuông đồng và khánh đồng.

Chính điện là một không gian mở, 3 phía không có cửa, thay vào đó là những hàng ghế dài để cho du khách ngồi nghỉ. Phía sau bức tường của Điện là bức tranh nổi có hình Tổ Quốc và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và dòng chữ màu vàng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi - Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Xung quanh Đền được bao phủ bởi quần thể nguyên sinh với đầy đủ các loại cây với hơn 1.200 loài thực vật. Về động vật, Vườn có hơn 40 loài thú, 115 loài chim, 61 loài bò sát…, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Một điểm mới xung quanh Đền: Ngôi tháp Báo thiên được xây dựng năm 2011, với 13 tầng, cao 26,9m, thờ các vị Phật cầu phúc cho dân lành tai qua nạn khỏi.

Tượng Bác Hồ và tấm bia ghi lời  Điếu văn
Tượng Bác Hồ và tấm bia ghi lời Điếu văn

Hội tụ lòng người

Những ngày gần Lễ Quốc khánh 2/9, chúng tôi vô tình gặp một người có nhiều duyên nợ với đỉnh núi Vua. Ông tên là Hùng, nguyên là cán bộ giảng dạy môn Dược thuộc Học viện Quân y. Ông Hùng từng ở nơi đây khi đỉnh Vua còn hoang sơ. Khi Đền thờ được hình thành tới nay, ông Hùng và vợ đã lên đây nhiều lần. “Năm 1964, tôi là lính thông tin đóng ở gần vị trí này. Khi đó đỉnh núi Vua là một khoảng đất bằng phẳng và có một vài mỏn đá nhô lên. Nay thì Đền thờ Bác Hồ đã tọa lạc thật uy nghi và giản dị nơi đây, thực sự là điểm đến của nhiều tấm lòng hiếu thảo của con cháu” - ông Hùng tâm đắc.

Theo anh Trần Ngọc Chính, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm cost 1100 m, từ khi khánh thành đến nay, Đền thờ Bác luôn ấm áp khói hương và hoa tươi. Ngôi đền được các cán bộ kiểm lâm túc trực, chăm sóc bất kể lúc thời tiết khắc nghiệt nhất. Anh Chính nhấn mạnh: “Những ngày đầu năm mới, đồng bào tới thắp hương và vãn cảnh rất đông. Do chuẩn bị tốt các kế hoạch tiếp đón, chúng tôi luôn đảm bảo an toàn, trang trọng trong hoạt động tại Đền”. Theo thống kê của Hạt, hết năm 2012, Đền đã tiếp đón khoảng 100.000 lượt khách tới thăm.

Hiện trạm kiểm lâm có 7 cán bộ vừa bảo đảm công tác bảo vệ và hướng dẫn khách làm lễ. Đồng thời, họ còn phải đảm bảo nguyên vẹn của hệ động thực vật trong 1000 ha thuộc khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng. Độ tuổi của các anh đều còn rất trẻ.

Thành kính lên viếng Bác, thăm Đền
Thành kính lên viếng Bác, thăm Đền

Trạm trưởng Chính năm nay mới 41 tuổi, người trẻ nhất là kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Thành Trung sinh năm 1991. Kiểm lâm Tô Văn Nam, người gốc Thái Bình, tâm sự: “Những ngày đông khách, không ít đoàn có trẻ em và cụ già. Chúng tôi phải chủ động dìu hoặc bế để giúp người dân. Khi tới Đền, tôi được chứng kiến sự xúc động và những giọt nước mắt của đồng bào bên bàn thờ Bác, mọi mệt mỏi và vất vả đều tan biến trong người”.

Kiểm lâm Nguyễn Văn Thiện, người con của đất Ba Vì, kể lại: “Có lần tôi chứng kiến một cụ già người dân tộc hơn 70 tuổi. Cụ mệt lắm nhưng vẫn cố phải lên thắp hương cho Bác. Thắp hương xong, cụ tươi cười quay ra nói với chúng tôi là bây giờ thỏa nguyện ước cuối đời rồi.”

Thời tiết dao động từ 0-25 độ C. Những ngày mưa gió lớn, sấm chớp khá nhiều. Tuy nhiên, khu vực Đền có cột chống sét cấp 2 nên cũng hạn chế thiệt hại đáng kể.  Do đặc thù công việc, các anh đều phải thực hiện mỗi ca trực từ 1-2 ngày sau đó mới có người luân phiên. Đặc biệt, các ngày lễ, tết là lúc đông khách tới thắp hương nên chuyện xa nhà là bình thường. Những ngày mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 6 vừa qua, nhiều cây rừng đổ chắn ngang con đường 12 km nối với chân núi. Những người lính kiểm lâm không ngại vất vả, mưa gió tham gia cưa và vận chuyển cây đỏ nhằm đảm bảo giao thông.

Ông Hà Xuân Hưng - Bí thư Huyện ủy huyện Ba Vì - cho biết: Ba Vì là huyện nằm về phía Tây Bắc thủ đô Hà Nội. Với tổng diện tích 424km2, dân số hơn 265.000 người. Nhân dân Ba Vì vốn bình dị, hiếu học và cần cù trong lao động, kiên cường trong chống giặc ngoại xâm. Huyện có hơn 60 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng. Nhiều di tích có kiến trúc độc đáo gắn liền với tên tuổi các vị anh hùng của dân tộc, danh nhân văn hoá như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi Ba Vì, khu di tích K9…

Đặc biệt, di tích Đền thờ Hồ Chủ tịch là một niềm tự hào của nhân dân trong huyện. Điều đó càng giúp chính quyền và nhân dân trong huyện phải rèn luyện gương mẫu để xứng đáng với công lao của Bác Hồ…

Đức Trường – Kim Chung

Đọc thêm