Những bước tiến trong bảo đảm quyền dân sự, chính trị ở nước ta hiện nay

(PLVN) - Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1966, nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người. Theo đó, các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân. Đây là Công ước mà Việt Nam đã ký và thông qua năm 1982. Trong suốt 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã nỗ lực từng bước thực hiện đầy đủ, toàn diện các quyền chính trị, dân sự của người dân.

Về quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, nhục hình của mọi cá nhân. Đây là quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật, đặc biệt là các Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự. Hiến pháp Việt Nam quy định mọi người dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền trên.

Quyền sống là quyền trước tiên và quan trọng nhất của con người. Nhà nước Việt Nam đặc biệt ưu tiên và có nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người dân, kể cả những người phạm tội. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự Việt Nam đã dành 18 điều luật quy định những mức án nghiêm khắc đối với các tội trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người.

Quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể và tôn trọng nhân phẩm được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 72). Đây là điểm mới so với các bản Hiến pháp trước. Nhà nước còn chủ trương giảm khung hình phạt tử hình; giảm bớt hình phạt tù, tăng hình phạt không phải tù đối với những người phạm tội, thu hẹp hơn phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em phạm tội; xóa án đối với người được mãn hạn tù. Pháp luật nghiêm trị những hành vi xâm phạm quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm thân thể của con người; quy định chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp như việc bắt giữ, tạm giam theo hướng ngăn ngừa việc lạm dụng dẫn đến vi phạm. Bộ Luật Hình sự có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình và bức cung. Quy chế Trại giam, ban hành ngày 16-9-1993, quy định cụ thể về chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân; chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chữa bệnh; chế độ lao động, học tập của phạm nhân. Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ; được khám sức khoẻ định kỳ; được học văn hoá để xoá mù chữ, phạm nhân chưa thành niên được phổ cập tiểu học, được nghe phổ biến thời sự, chính sách, học các chương trình giáo dục công dân, việc dạy nghề với phạm nhân chưa thành niên là bắt buộc...

Hằng năm, Nhà nước Việt Nam đều tiến hành các đợt đặc xá phạm nhân vào các ngày lễ lớn của dân tộc với hàng nghìn phạm nhân được hưởng đặc xá. Đây là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam về việc đối xử nhân đạo, khoan hồng với tù nhân, những người lầm lỡ, tạo điều kiện cho họ trở về với cuộc sống lương thiện.

Quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân. Nhà nước tạo mọi điều kiện và bảo đảm quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân. Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định: công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Việc đi lại và lựa chọn nơi cư trú do mỗi cá nhân quyết định, phù hợp với nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của họ.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, chính sách đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên một "làn sóng người trở về" trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài: nếu năm 1987 chỉ có 8 nghìn lượt đồng bào về thăm đất nước, thì đến năm 2004 đã lên đến trên 430 nghìn, năm 2010 là 520 nghìn lượt. Các Chương trình Hồi hương tự nguyện (CPA), Chương trình ra đi có trật tự (ODP), Chương trình con lai Mỹ (AC); Chương trình dành cho sĩ quan chính quyền Sài Gòn cũ cải tạo (HO) và Chương trình tái định cư nhân đạo đã được hoàn thành.

Những quy định pháp luật về việc đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam ngày càng được bổ sung, sửa đổi theo hướng cởi mở và tự do nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu phát triển giao lưu, quan hệ mọi mặt giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Quyền tự do xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được cụ thể hóa trong Nghị định 05/2000/NĐ-CP ngày 3-3-2000 của Chính phủ. Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định lãnh sự (với 17 nước), Hiệp định tương trợ tư pháp (với 15 nước), Hiệp định kiều dân, Hiệp định thoả thuận miễn thị thực (với 41 nước), đơn phương miễn thị thực nhập cảnh cho công dân một số nước.

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân. Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 nêu: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật.”, “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin”.

Người dân Việt Nam có quyền được thông tin, Đảng đề ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân. Luật Báo chí năm 1989, được sửa đổi và bổ sung ngày 12-6-1999, đã thể hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân nhằm tăng cường vị trí, vai trò và quyền hạn của báo chí và nhà báo. Trong những năm qua, hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng cởi mở, sôi động. Các phiên họp của Quốc hội, hội đồng nhân dân, nhất là các buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp. Nhiều chương trình đối thoại, tranh luận, trả lời, thăm dò ý kiến... với nội dung phong phú, đa dạng về mọi vấn đề đã được đăng tải, truyền thanh và truyền hình rộng rãi.

Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và số lượng phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam. Năm 1990, Việt Nam chỉ có 258 báo và tạp chí, năm 2010 tăng lên tới 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo và 528 tạp chí với gần 1 nghìn ấn phẩm, 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng internet. Ngoài báo chí của các cơ quan nhà nước, có rất nhiều báo, tạp chí của các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp với trên 550 triệu bản báo được xuất bản hằng năm. Thống kê đến tháng 7-2010, Việt Nam có 67 đài phát thanh - truyền hình, gồm 3 đài phát thanh - truyền hình trung ương (VTV, VTC, VOV) và 64 đài phát thanh - truyền hình ở các địa phương, hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện. Nhiều chương trình truyền hình nước ngoài được truyền phát rộng rãi ở Việt Nam như CNN, BBC, TV5, DW, HBO...

Người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là internet. Internet được đưa vào khai thác, sử dụng và nối mạng toàn cầu từ tháng 11-1997, song trình độ phát triển và tốc độ đăng ký sử dụng internet tại Việt Nam đã tăng nhanh. Hiện nay, internet đã hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ 63/63 tỉnh, thành phố.

Trong mỗi thời kỳ lịch sử cách mạng Việt Nam, việc bảo đảm quyền con người mang những nội dung khác nhau. Nhưng có thể khẳng định, Đổi mới là thời kỳ lịch sử có nhiều điều kiện thuận lợi để bảo đảm các quyền và tự do của con người hơn bất cứ thời kỳ lịch sử nào trước đây.

Đọc thêm