Trong lịch sử văn học Trung Quốc, có 4 tác phẩm được liệt vào danh sách Tứ đại danh tác, bao gồm Hồng lâu mộng, Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử. Những năm 80 của thế kỷ 20, các đài truyền hình Trung Quốc quyết định chuyển thể các bộ tiểu thuyết nổi tiếng này thành các bộ phim truyền hình.
Vào thời điểm đó, giữa rất nhiều những khó khăn về tài chính và hạn chế về kỹ thuật, nhưng với lòng quyết tâm của đội ngũ làm phim và diễn viên, đã cho ra đời một tác phẩm Tây Du Ký đã đi vào "huyền thoại" mà không có một phiên bản nào sau này có thể vượt qua.
Không chỉ ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả nhờ nội dung hấp dẫn, diễn xuất tài tình và cảm động của các diễn viên, Tây Du Ký còn khiến người xem nhớ mãi các bản nhạc phim mà chỉ cần nghe là nhớ ngay đến bộ phim kinh điển này.
Nhạc phim có tất cả 17 bài, chưa kể đến những đoạn nhạc tình huống và nhạc nền. Đặc biệt, các ca khúc như Dám hỏi đường tại nơi nao (Cản vấn lộ tại hà phương), Đại thánh ca, 500 năm bể dâu, Tình nhi nữ, Tương kiến nan biệt diệc nan, Thiên Trúc thiếu nữ… đều là những bài hát nổi tiếng với âm hưởng, ca từ đã được coi là kinh điển trong lòng công chúng.
Nhạc mở đầu Tây Du Ký
Mở đầu phim Tây Du Ký không phải là một ca khúc mà là một bản nhạc không lời. Âm thanh đầy khí thế, hào hùng, thể hiện được toàn bộ tinh thần của phim. Nhạc do Hứa Kỉnh Thanh sáng tác đã trở thành giai điệu quen thuộc với khán giả.
Ca khúc "Xin hỏi đường ở nơi nao"
Bài hát chủ đề của Tây du ký do Hứa Kính Thanh viết nhạc, Diêm Túc viết lời, ca sĩ Tưởng Đại Vi thể hiện. Ca từ không dài nhưng chứa đựng nội dung phong phú, vừa ca tụng sự dũng cảm trừ yêu diệt tà của Tôn Ngộ Không vừa khắc họa tinh thần vượt khó của bốn thầy trò Đường Tăng.
Nhạc sĩ Hứa Kính Thanh sử dụng âm thanh điện tử cho ca khúc của mình. Ông nói: "Trước tôi, hầu như chưa có ai dùng nhạc điện tử trong phim truyền hình Trung Quốc".
Nhiều năm qua, bao thế hệ đã trường thành cùng ca khúc này, và đến nay, Cảm vấn lộ tại hà phương vẫn giữ nguyên giá trị của nó.
500 năm ruộng dâu biển cạn
Ở tập 4, Ca khúc 500 năm ruộng dâu biển cạn được viết lời dựa trên nền nhạc của ca khúc Chỉ muốn làm cây cỏ, nhưng do giọng ca nam thể hiện, với giai điệu buồn và da diết hơn. "500 Ruộng dâu biển cạn" là một thành ngữ nói về sự thay đổi của cuộc sống, thế sự, thời cuộc trong khoảng thời gian dài, giống như 500 năm Ngộ Không chờ người đến giải thoát cho mình.
Chỉ muốn làm cây cỏ
Ca khúc này lần đầu tiên được tấu lên trong Tây du ký khi Tôn Ngộ Không bị Phật tổ giam dưới Ngũ Hành Sơn trong 500 năm. Lời nhạc dịu dàng, nhẹ nhàng, với những ca từ như “Chỉ muốn được làm cây cỏ, một màu xanh giữa đất trời; chỉ muốn được vút bay lên trời cao, chen mình qua những áng mây hồng…”, nói lên khát khao được tự do của Ngộ Không khi phải chịu hình phạt dưới núi.
Ca khúc "Tình nhi nữ"
Đây là ca khúc trong tập 16 - Thỉnh kinh nữ nhi quốc. Thầy trò Đường Tăng tới Tây Lương quốc - đất nước chỉ toàn nữ nhi. Động lòng trước dung mạo của “Ngự đệ” nhà Đường, nữ vương xinh đẹp đem lòng ái mộ và thuyết phục Đường Tăng ở lại để cùng nàng kết tóc se tơ. Trước sự si tình của nữ vương, trái tim Đường Tăng cũng có phút lay động, bởi vậy mới ngập ngừng câu nói: “Nếu có kiếp sau”. Dù vậy, quyết tâm phổ độ chúng sinh vẫn chiến thắng ái tình nam nữ, Đường Tăng từ biệt nữ vương, tiếp tục hành trình đi Tây Thiên lấy kinh.
Ca khúc "Thiếu nữ thiên trúc"
Ca khúc nằm trong tập 24 - Thu phục thỏ ngọc. Ca sĩ Lý Linh Ngọc đảm nhận vai Thỏ ngọc tinh đồng thời thể hiện Thiếu nữ thiên trúc. Vấn đề nhạc sĩ Hứa Kính Thanh phải đối diện khi sáng tác ca khúc này là làm sao thể hiện được âm hưởng Ấn Độ trong một tác phẩm thần thoại của Trung Quốc.
May mắn, những năm 80 của thế kỷ trước, nhạc Ấn Độ khá thịnh hành ở Trung Quốc, việc vận dụng những chất liệu âm nhạc sẵn có phát huy tác dụng. Sự kết hợp hoàn hảo của nhạc sĩ họ Hứa và cố nghệ sĩ Diêm Túc cho ra ca khúc đình đám một thời.
Hà tất Tây Thiên vạn lý dao?
Hà tất Tây Thiên vạn lý dao (Cần gì phải vạn dặm đến Tây Thiên) là ca khúc được sử dụng trong tập 19 của Tây du ký, khi Đường Tăng lọt vào động không đáy, thưởng hoa, thường trà với các tiên cây và lọt vào mắt xanh của một cô gái vốn là một loài hoa tu thành. Cô gái này đã dùng ca khúc đáng yêu, đầy tình ý Hà tất Tây thiên vạn lý dao, hỏi Đường Tăng cần chi phải khổ cực vượt muôn ngàn dặm trường, chi bằng cứ ở lại sống trong cảnh bồng lai? Ca khúc cũng được thể hiện bởi giọng ca Ngô Tĩnh.
Thủ kinh hồi lai
Thủ kinh hồi lai (Lấy chân kinh trở về) là ca khúc được phát vào những giây phúc cuối cùng của Tây du ký 1986, khi thầy trò Đường Tăng trở về Đại Đường sau nhiều năm gian nan vất vả.