Những "cái lạ" Việt Nam, "Tây" thấy ở Paris...

Xin được nhặt nhạnh những chuyện ngồ ngộ hầu bạn đọc trong mấy ngày Tết nhân một chuyến đi dài của tôi cùng đoàn học viên Việt Nam sang Pháp học tập. Nói ngồ ngộ vì nhiều cái của Tây rất lạ với Ta và ối cái của Ta lại “lạ lắm cơ” với Tây …

Xin được nhặt nhạnh những chuyện ngồ ngộ hầu bạn đọc trong mấy ngày Tết nhân một chuyến đi dài của tôi cùng đoàn học viên Việt Nam sang Pháp học tập. Nói ngồ ngộ vì nhiều cái của Tây rất lạ với Ta và ối cái của Ta lại “lạ lắm cơ” với Tây …

Tác giả và
Tác giả và "chú" tinh tinh

Chuyện của Tây, ta … lạ!

Nước Pháp hoa lệ thì ai cũng biết. Ai cũng muốn một lần đến Paris để ngắm tháp Eiffel lung linh về đêm, dạo bước trên Chams Élysé với cơ man những cửa hàng sang trọng và đắt tiền hay ngồi tàu nhỏ hoặc tản bộ ngắm sông Seine… Có lẽ “một phút cho quảng cáo” thế là đủ, nhưng ờ dài dài thì có những góc khuất khác từ nước Pháp cũng rất lạ giữa một đất nước văn minh thuộc hàng “tốp ten” thế giới này.

Thỉnh thoảng trên loa phát thanh của tàu điện ngầm lại phát đi những thông điệp: “Hành khách chú ý bảo quản tài sản khỏi móc túi và trộm cắp”. Quả thật, Paris và các thành phố lớn của Pháp bây giờ không ngoa khi dùng cách so sánh của người Việt là “trộm cắp như rươi”, nhất là các màn dàn kịch để ăn cắp tinh vi và bài bản đến không ngờ. Hành khách có thể bị giật túi xách khi cửa tàu điện chuẩn bị đóng, nên khi cánh cửa vừa khép lại thì những ai đứng gần cửa phải dè chừng.

Một nữ đồng nghiệp của tôi bên Truyền hình cáp cũng bị sờ túi ở Gare Lyon, nhưng vốn là dân “mài đũng quần” ở châu Âu nên khi “hai ngón lạ” vừa luồn vào túi, chị bình tĩnh kẹp chặt lại, tên kia hoảng hốt rút nhanh và cúi gằm mặt giả vờ thụt người xuống buộc lại dây giày…

Đỏ đen sấp ngửa đừng tưởng chuyện chỉ cỏ ở bến xe Giáp Bát hay trong lễ hội chùa Hương. Một cái bát úp với mánh khóe chẳng khác gì gã bạc bịp ở các bến xe bến tàu nhà mình và một nhóm “trợ thủ” giả làm khách chơi chài những ai có máu tham đen đỏ. Tôi giơ máy lên chụp, một gã to gần gấp đôi xồ tới hỏi “chụp gì?” và giơ cùi chỏ lên. Tôi giả vờ không biết tiếng Pháp và xì xồ vài câu tiếng Anh, rằng “thấy lạ thì chụp chơi”. Gã kia nói lại bằng mấy câu tiếng Anh kiểu bồi: “no photo, play, play!” nghĩa là: Không chụp, vào chơi đi!

Paris cũng có cảnh đeo bám để bán hàng rong và đồ lưu niệm; thậm chí mấy “chú” da màu còn bám dai hơn cả dân bán rong Bờ Hồ hay ở Quốc Tử Giám nhà mình. Lủng lẳng mô hình tháp Eiffel, móc đeo chìa khóa, hoa hồng, và những cái dây xanh đỏ tím vàng để buộc vào cổ tay. Khách du lịch không mua còn bị vắt lên vai, không kiên quyết trả lại thì gã bán hàng sẽ đi theo lãi nhãi “One dollar!!!”.

Chụp ảnh lưu niệm ở tháp Eiffel lắm lúc cũng bị làm phiền và mất tiền vào những vụ trời ơi đất hỡi. Như một chiều đẹp trời, tôi đang đứng chụp ảnh thì giật mình bởi một con “tinh tinh” to sù sụ (người đóng giả). Bạn tôi vừa kịp bấm máy xong thì “con khỉ” kia nhảy ra đòi 5 Euro, tôi nhả một tràng tiếng Pháp. “Con khỉ” kia tưởng “dân ở Pháp thâm niên” chứ không phải khách du lịch nên đổi giọng nài nỉ, “thôi cho tao đồng nào thì cho, tao thất nghiệp, còn nuôi con nhỏ”. Tôi đành thả đồng xu 1euro vào cái ống bơ “con khỉ” đang chìa ra trước mặt.

Trong một tiết học Civilisation France (Văn minh Pháp), tôi đưa mấy chuyện này ra kể và hỏi cô giáo. Cô giáo cười bảo, ở Pháp bây giờ rất nhiều người thất nghiệp, nhập cư…là nguyên nhân của những hiện tượng xã hội bất thường này.

Đỏ đen sấp ngửa giữa Paris
Đỏ đen sấp ngửa giữa Paris

Chuyện của ta, Tây thấy… rất lạ!

Đoàn học viên chúng tôi ở trong một Résidence khá sạch sẽ,  mỗi người một phòng nhỏ khép kín, có máy sưởi và bếp nhỏ để nấu ăn. Bất tiện nhất là điện thoại và Internet quá đắt.

Chúng tôi ở tầng 3, tầng dưới tôi có mấy cậu bạn nước khác đến học. Một cậu tên là Closdius người Mozambique, giáo viên dạy tiếng Pháp. Cậu người Mozambique có một bạn cạnh phòng là Slevkaia người Nga, tôi không nhớ rõ tên lắm. Hôm nọ, không biết sáng kiến của ai, mấy vị nhà ta bảo góp nhau mỗi người mấy Euro làm bữa tiệc cho vui, với các món ăn Việt Nam kẻo qua đây chén đồ Tây mãi phát ớn.

Hầu như ai cũng vui vẻ đồng ý, việc chợ búa rầm rộ từ chiều. Xong xuôi, mấy chị em tay dao tay thớt ngồi “rãi thẻ” chặt và băm, rồi xào và nấu. Tiếng chặt xương băm thịt dội đến mấy tầng, mùi nước mắm “ngào ngạt”, cười nói bi bô, “nhộn nhịp” cả một khu Résidence yên tĩnh. Hơi choáng, cậu Clodius chạy lên gõ cửa phòng tôi, không hiểu cái gì đang xảy ra.

Tôi bảo: “À, đó là hội làng ấy mà”. Hắn ngạc nhiên: “Hội làng?”. Tôi gật: “Ừ, hội làng, truyền thống của bọn tao đấy!”. Hắn lủng bủng: “Thằng Slevkaia bảo tao chạy lên xem có chuyện gì, sao cứ gõ gì trên đầu nó thế làm nó ung hết cả thủ”. Tôi lại bảo: “Mày cứ về bảo thằng Slev thế, tầng trên đang có hội làng!”.

Clodius chạy xuống và mất hút đến sáng hôm sau đi học thì gặp hắn đang đi cùng Slev. Closdius nhanh nhảu: “Tao bảo nó bọn mày có hội làng nhưng nó không tin!”. Slev nhìn tôi, tôi bảo: “Ừ, hội làng”. Nó bảo một câu xanh rờn: “Nhưng đây là nước Pháp chứ đâu  phải làng của bọn mày?”. Tôi ngắc ngứ qua chuyện: “Mày đi học xa mà không nhớ nhà, nhớ quê hương à? Đây là cách bọn tao làm để đỡ nhớ nhà thôi”. May mà hắn gật đầu không nói gì thêm…

Lần nọ, tôi đi chơi cùng mấy anh chàng nhà mình ở một vùng khác của nước Pháp. Tôi đi ra ngoài một lúc về phòng thì thấy mấy anh phục vụ và mấy anh chàng nhà mình khua chân múa tay loạn xạ và…không ai hiểu ai nói gì. Tôi hỏi, một anh bồi khách sạn bảo: “Phòng cấm hút thuốc mà bọn mày hút nên phải nộp phạt, tao không biết ai hút nhưng phòng này phải nộp 49Euro”.

Dịch lại, các anh chàng nhà mình bảo: “Anh năn nỉ bảo bọn nó thông cảm hộ bọn em, cái biển cấm khuất quá không nhìn thấy!”. Tôi bảo: “Bọn nó không có cái văn hóa “thông cảm” đâu”, nhưng rồi cũng nói: “Tha đừng phạt bọn tao được không, sinh viên không có tiền đâu!”.

Anh nhân viên bảo: “Bọn tao không phạt bọn mày mà cũng không có quyền phạt bọn mày, nhưng đây là tiền phí tấy mùi cho phòng này, thế là nhẹ cho bọn mày rồi, còn không tao báo Police đến thì bọn mày bị phạt gấp mấy lần đấy!”. Thế là các chú nhà mình đành bấm bụng nộp phạt. Một chú nhăn nhó “Điếu thuốc mất toi 50Euro, tính ra tiền Việt là triệu rưỡi chứ chả chơi…”!.

Vẫn còn chuyện để kể...

Để kể chi tiết thì nhiều chuyện “hài” lắm, nhưng khuôn khổ bài báo có hạn. Dân mình có thói quen cứ tiêu cái gì bên Tây bằng Euro là quy ra tiền ta. Đi toa lét công cộng chỗ sạch sẽ mất 1 Euro, “tè” xong có bác nhăn mặt: “Khiếp, một lần “tè” mất 30 ngàn, thế này ở nhà có mà “tè” cả mấy chục lần!”. Có người ăn mặc lôi tha lôi thôi như “thách thức” nền văn minh và thời trang nước Pháp.

Hỏi sao quần áo đẹp để đâu mà không mang đi thì bảo: “Chỉ mang đồ xấu, chờ giảm giá mua mặc và mang về, đồ cũ này vứt hết đi”. Rồi có bác đi dự tiệc, complet, cà vạt rất oách, thậm chí đẹp mỗi tội bác ấy lại xỏ chân vào đôi giày Adidas to sù sụ. Có đoàn đi chơi, hồn nhiên leo lên xe điện và cứ nghĩ như ở nhà mình, lên đó hẵng mua vé thì có sao. Nhưng, kiểm soát viên tới không có vé xuất trình, thành ra bị phạt mỗi người mấy chục Euro vì tội trốn vé, trong lúc mỗi cái vé ở các cây bán vé tự động thì chỉ hết vài Euro…

Chuyện têu tếu, chẳng có gì để kể, nhưng “thưa các cô, các cậu lại các anh” chúng ta đang ở châu Âu và mỗi chúng ta khi đến đâu đều mang theo “dáng hình xứ sở”. Vậy nên, đừng để những chuyện be bé này làm cho chúng ta mất tự tin khi giới thiệu: Tôi là người Việt Nam!.

Trần Ngọc Hà (CH Pháp)

Đọc thêm