Những cánh thiên nga lạc đường bay (Kỳ 2)

Xem ra, có không ít vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn “đánh thức” nghệ thuật múa trong nước. Nhưng quan trọng là liệu những nhà quản lý nghệ thuật có chú trọng đến việc phát triển ngành múa hay không?

Xem ra, có không ít vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn “đánh thức” nghệ thuật múa trong nước. Nhưng quan trọng là liệu những nhà quản lý nghệ thuật có chú trọng đến việc phát triển ngành múa hay không?

Sinh viên Trường Múa TP.Hồ Chí Minh tập luyện.
Sinh viên Trường Múa TP.Hồ Chí Minh tập luyện.

Nỗi khổ tâm mang tên “thu nhập”

Chuyện nhiều sinh viên trường múa “nửa đường đứt gánh”, thay đổi mục đích, chọn một con đường an toàn hơn không hiếm gặp. Khó khăn mà người nghệ sĩ múa gặp phải trên con đường rèn luyện, vươn đến với nghệ thuật chân chính quá nhiều.

Theo cô Trần Ly Ly - Phó hiệu trưởng Trường Múa TP.Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm nhiều năm học tập và công tác trong ngành múa tại các nước phương Tây, ở các nước này, môi trường múa có tính chuyên nghiệp rất cao, nhưng lại ít tính ứng biến. Ngược lại, môi trường múa Việt Nam đa dạng, linh hoạt và khả năng kiếm tiền nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ hội để tiến đến nghệ thuật múa đỉnh cao thì hầu như không có. “Môi trường này khó lòng cho phép sự chuyên nghiệp, vì một người càng có khả năng thì sức hút của thị trường càng cao” - cô Trần Ly Ly nhấn mạnh.

Nghệ thuật múa trong nước, ngay ở miền Nam và miền Bắc cũng có sự phát triển khác nhau. Nếu như phía Nam, số lượng sinh viên theo học khóa múa không chuyên ngắn hạn (2 năm) chiếm đa số, còn lượng sinh viên theo học dài hạn, chuyên nghiệp thiếu trầm trọng, thì  ngược lại, phía Bắc đa số sinh viên theo học múa dài hạn, còn múa ngắn hạn thì không mấy.

Điều này xuất phát từ thực trạng phía Nam thị trường ca - múa - nhạc phát triển mạnh, còn phía Bắc thì những người theo học ngành múa là để theo con đường quản lý - giáo dục. Tuy nhiên, dù có sự khác biệt như vậy thì vẫn có một điểm chung là  người đến với ngành múa như một nghề hợp thời, hay tìm sự ổn định phù hợp khả  năng thì nhiều, còn người thực sự yêu nghề, muốn vươn đến đỉnh cao của nghề lại không có là bao.

NSND Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam trăn trở: “Ở thời của sự tăng trưởng kinh tế thì nghệ thuật múa để phát triển thật khó khăn. Người ta cần múa phục vụ lễ hội, múa trong các câu lạc bộ, nhà hàng giải trí, phụ họa cho ca sĩ khỏi trống sân khấu; múa phục vụ cho đám cưới... múa sao cho thật tưng bừng và đẹp đội hình là ổn rồi.

Các loại hình múa sinh hoạt hiện đại tràn ngập đường phố, dòng nghệ thuật múa chính thống mang đầy đủ chức năng biểu diễn, giáo dục thẩm mỹ với chất lượng nghệ thuật cao thì ít người biết tới. Ngày nay, đời sống nhân dân ngày càng cao nhưng nghệ thuật múa Việt Nam dường như lại đang gồng mình để chống chọi với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Làm sao giữ tâm nghiệp khi nghệ sĩ múa, tốt nghiệp và công tác tại một nhà hát Trung ương danh tiếng lại có đồng lương chưa đến 2 triệu đồng?”

Đãi ngộ nghề múa, tại sao không?

Làm thế nào để nghệ thuật múa trong nước phát triển cân bằng và đúng hướng, làm thế nào để “níu” nghệ sĩ lại với nghề, đó là bài toán không hề đơn giản trong tình trạng múa thị trường rầm rộ, múa chuyên nghiệp ngủ vùi như hiện nay.

Nhiều nghệ  sĩ tâm huyết đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có tìm hướng đi để dung hòa giữa thị trường - chuyên nghiệp, đãi ngộ nghệ  sĩ để thúc đẩy múa chính thống... Theo cô Trần Ly Ly thì quan trọng là tìm nguồn ra hấp dẫn, chế độ lương bổng hợp lý, tạo những cuộc thi hấp dẫn để nghệ sĩ thi thố và chứng tỏ khả năng. Ngoài ra, nghề múa thì khắc nghiệt mà tuổi nghề thì ngắn, chỉ chừng 20 năm là cao, vì vậy, tạo điều kiện cho nghệ sĩ múa tiếp tục phát triển các hướng hợp lý sau khi hết tuổi biểu diễn cũng rất cần thiết.

Nghệ sĩ Chu Thúy Quỳnh, với kinh nghiệm học hỏi từ ngành múa trên thế giới thì chia sẻ: “Ở Trung Quốc, trong nền kinh tế thị trường, Chính phủ tạo ra cách giải quyết bằng cơ chế cho nghệ sĩ vay vốn, được mở nhà hàng khách sạn để nuôi nghệ thuật. Biểu diễn nghệ thuật gắn liền với văn hóa du lịch để quảng bá, kinh doanh. Các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương rất chú trọng liên kết với Hội nghệ sĩ múa để phát sóng các chương trình múa trong nước. Còn ở ta, truyền hình Trung ương chú trọng nhiều đến quảng bá hàng hóa còn nghệ thuật khá hạn hữu. Hội múa chúng tôi tổ chức những cuộc thi mang tính nghệ thuật cao như tài năng múa, múa dân tộc ít người, nhưng không có kinh phí cho nhà đài nên chỉ được đưa tin qua loa...”.

Nghệ sĩ Đinh Linh thì chia sẻ tại một hội thảo về phát triển nghệ thuật: "Suốt hơn 20 năm trong nghề múa, tôi từng chiêm ngưỡng biết bao tác phẩm múa, thấy bao người nghệ sĩ tài năng và cũng đã buồn khi thấy những nghệ sĩ khổ luyện 8, 10 năm để rồi quyết định bỏ nghề để đi làm kinh doanh vì không được đãi ngộ, không có môi trường để phát huy... Công tác marketing nghệ thuật, tìm đầu ra cho nghệ thuật chân chính chưa được chú trọng, chế độ và ưu đãi cho lao động nghệ thuật không nhiều... là một trong những nguyên nhân của tình trạng trên...”.

Xem ra, có  không ít vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn "đánh thức" nghệ thuật múa trong nước. Nhưng quan trọng là liệu những nhà quản lý nghệ thuật có chú trọng đến việc phát triển ngành múa hay không. Trong lúc chờ đợi, chúng ta vẫn phải hy vọng vào tương lai của nghệ thuật múa Việt Nam, đến từ những nghệ sĩ chân chính, những người yêu nghề, cả những người ngoài nghề biết quan tâm đến nghệ thuật múa.

(Còn tiếp) 

Ngọc Mai

Đọc thêm