Những cặp vợ chồng 'giữ lửa' dân ca quan họ

(PLVN) - Khi đến vùng đất Kinh Bắc tìm hiểu về dân ca quan họ, tôi đã được gặp nhiều cặp vợ chồng cùng “nuôi” quan họ, bảo tồn để giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo này được phát triển bền vững.
Vẻ đẹp dân ca quan họ (ảnh: báo Bắc Ninh)
Vẻ đẹp dân ca quan họ (ảnh: báo Bắc Ninh)

Trụ cột quan họ vùng Kinh bắc

Tìm hiểu ở “miền quan họ”, tôi được gặp gỡ và tiếp xúc với vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Văn Cách và Nguyễn Kim Quýnh ở làng Đặng Xá, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh. Họ là những người đã bỏ tiền túi ra để “nuôi” và phục dựng các làn điệu quan họ.

Ở ngôi nhà ấm cúng của bà Quýnh, cả ba gian ngoài treo kín giấy khen, là kết quả của những hoạt động gìn giữ, phát huy và thi quan họ. Nói chuyện với bà, tôi hiểu là vợ chồng bà, các con bà yêu quan họ như máu thịt của mình. Nhiều người rất nể trọng tinh thần hào hiệp của hai vợ chồng bà.

Vợ chồng nghệ sĩ Văn Cách - Kim Quýnh
Vợ chồng nghệ sĩ Văn Cách - Kim Quýnh  

Xưa kia, ngoại trừ lúc thi lấy giải ở hội làng, còn thì chỉ có người quan họ kết nghĩa mới hát đối với nhau. Các canh hát được tổ chức mỗi năm một đôi lần trong dịp hội làng hay khi nhà ai có đám khao. Mối quan hệ nghệ thuật đặc biệt đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

“Sinh ra từ cái nôi văn hóa, cái nôi quan họ, chúng tôi cũng lo lắng cho nhiều giá trị truyền thống bị mai một, sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí mới thu hút giới trẻ, nên chúng tôi hết lòng vì giá trị di sản của quê hương”, bà Quýnh nói.

NSƯT Lệ Ngải (người xã Hiên Vân, Tiên Du - Bắc Ninh) nổi tiếng là người hát hay, cha chị là nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi - người đã sáng tạo, gìn giữ nhiều làn điệu quan họ đặc sắc. May mắn sinh ra và lớn lên trong gia đình có “gen” dân ca quan họ, năm 1969 chị được Sở văn hóa giới thiệu đi học ở trường văn hóa nghệ thuật Hà Bắc.

Sau khi ra trường, cuối năm 1970 chị được chọn vào đoàn văn công xung kích đi phục vụ chiến trường. Những tháng năm tuổi trẻ, chị đã đưa quan họ ra tiền tuyến phục vụ bộ đội. Cũng trong những ngày phục vụ ở chiến trường, chị đã gặp anh Nguyễn Hoa Ngân ở binh trạm 34 ở đường Trường Sơn – người bạn đời tâm đầu hợp ý của mình. 

Vợ chồng NSUT Lệ Ngải
Vợ chồng NSUT Lệ Ngải  

Vợ chồng chị Lệ Ngải là người mến khách. Trong dịp hội làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, Lệ Ngải có mời một số khách xa và nhiều người trong đó cũng có “món” quan họ vô cùng độc đáo. Họ cũng thuộc các câu lạc bộ quan họ ở trong nội tỉnh và Hà Nội, và đều có tình yêu với bộ môn nghệ thuật này. Trong tiệc rượu ở nhà Lệ Ngải, anh Ngân vui vẻ đón khách và mọi người đã hát chung những bài quan họ cả cũ lẫn mới. 

Cùng làng Ngang Nội với Lệ Ngải, có một đại gia đình yêu quan họ, trong đó trụ cột gia đình là cặp vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm. Họ đều nổi tiếng trong giới yêu nghệ thuật truyền thống.

Ông Nguyễn Đức Nhuận vinh dự nhận danh hiệu nghệ nhân của tỉnh Bắc Ninh năm 2018. Đó là niềm vui với đại gia đình ông, với làng quan họ gốc Ngang Nội, với xứ Kinh Bắc. Nhưng mọi người cũng thật sự thấy nể trọng là hai ông bà luôn bổ trợ, giúp đỡ cho nhau và nhiều lần cùng xuất hiện trên các sân khấu biểu diễn.

Vào tuổi thất thập, vợ chồng lão nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm vẫn đắm say với quan họ như thuở còn son
Vào tuổi thất thập, vợ chồng lão nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm vẫn đắm say với quan họ như thuở còn son 

Vùng Kinh Bắc còn nhiều “cặp đôi” mà ở ông và bà đều là những nghệ nhân, say và chơi quan họ hết mình.  Như vợ chồng ông Nguyễn Văn Quyển, bà Nguyễn Thị Thơm ở thôn Kim Đôi, xã Kim Chân (TP Bắc Ninh); vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiển và bà Lê Thị Tiếu (Khu 6, phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh); vợ chồng chị Nguyễn Thị Thềm và anh Nguyễn Văn Hùng ở làng Diềm (thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong)…

Họ không chỉ có chất giọng tốt, hát hay, mà vẫn từng ngày góp mặt vào đời sống quan họ, gìn giữ và bảo tồn di sản của cha ông.

Giá trị của quan họ, tình yêu vượt xa chuyện kinh tế

NSƯT Lệ Ngải tâm sự rằng, ngày xưa các cụ “chơi” quan họ không ai nghĩ đến tiền bạc, đến với quan họ chủ yếu là cái tình, cái tình thì không tiền nào có thể mua được. Một lần trả lời phỏng vấn, Lệ Ngải nói: “Quan họ đã mang lại cho tôi nhiều thứ nhưng thứ lớn nhất là tình yêu. Tôi yêu quan họ cũng là yêu tiếng hát dân tộc, yêu quê hương, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Nhiều khi tôi tự nghĩ nếu không có quan họ thì tôi không biết rằng mình sẽ làm gì. Nghệ thuật đã ăn sâu vào máu thịt của tôi nên dù nhiều lúc có khó khăn với nghề, với nghiệp tôi vẫn quyết vượt qua để giữ mãi tình yêu ấy”.

Tiếp xúc, trò chuyện với vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm trong buổi truyền dạy quan họ cho các bạn trẻ, tôi hiểu rằng, một khi quan họ đã “ngấm vào máu” là không thể dứt ra.

Người ta sẽ khó làm được việc khác một cách say sưa trừ quan họ. Nên nhiều người, yêu hát, yêu quan họ đến nỗi dù có làm gì, cũng đâu đó ở xứ Kinh Bắc thôi, để đến mùa, đến hội lại được hát. Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm vẫn nhanh nhẹn, tháo vát, vẫn hát vang, khỏe mà thiết tha tình tứ, vẳng lên chút phong vị chèo ngấm trong quan họ Ngang Nội. Ngày ông Nhuận còn đi làm thợ mộc, bao giờ trong túi đồ nghề của ông cũng có sáo, nhị, lúc ngơi việc thì hát. Vì tiếng hát nên người ta cũng thông cảm cho. 

Quan họ đã và đang lan tỏa, ngấm vào cả một số họa sĩ ở Hà Nội và họ đã thành lập câu lạc bộ để đi sưu tầm, học hát những làn điệu hay nhưng thật khó hát. Rồi ngay như nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, một người đến miền quan họ chơi rồi yêu quan họ lúc nào chẳng biết, cũng đã cố tập và hát được gần chục bài.

Hưng thổ lộ về vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Đức Nhuận - Nguyễn Thị Bướm: “Tưởng rằng mê hát hồi trẻ trai xuân sắc, tình tứ lúng liếng mà thôi, nhưng đến giờ, hát vẫn là việc thường ngày của cặp liền anh liền chị lão làng. Cho nên là ông hát cho khách nghe, nhỡ có quên chữ nào thì bà nhắc. Không kể hồi xưa trẻ khỏe, bây giờ ông chăm giờ càng kỹ, bởi lo già rồi, khi hát nhỡ quên mất. Cho nên có dịp chuẩn bị liên hoan, hội diễn, cả tháng ông mua sữa hộp và nước dừa cho bà uống”.

Mỗi cuộc đời nghệ nhân là mỗi câu chuyện cảm động. Song sẽ còn cảm động hơn nữa khi đời sống của chật vật, gian khó, các nghệ nhân vẫn đắm đuối với lời ca tiếng hát, hy sinh cho nghệ thuật gần như vô điều kiện. Họ chỉ muốn được cống hiến, gìn giữ, bảo tồn, dạy miễn phí cho thế hệ sau này.

Đọc thêm