Những câu thoại kinh điển trong phim

(PLO) -Có những câu thoại nâng tầm cho cả cuốn tiểu thuyết hoặc bộ phim hoặc đem lại cảm xúc mãnh liệt cho người đọc, người xem, hoặc đơn giản là khiến họ đồng cảm trong những tình huống nhất định như thất tình, gặp nghịch cảnh…
-Một cảnh trong phim “Cuốn theo chiều gió”
-Một cảnh trong phim “Cuốn theo chiều gió”

“Ta sẽ trở lại” (The Terminator, 1984)

Câu thoại của người máy trong loạt phim “Kẻ hủy diệt” được rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp trích dẫn, “độ chế” trong vô số trường hợp, kể cả trong công việc và chuyện phiếm hàng ngày. Một phiên bản “thêm mắm thêm muối” mà giới trẻ Việt Nam yêu thích là “Ta/tôi/anh/em… sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa”.

Diễn viên Arnold Schwarzenegger từng muốn sửa câu thoại gốc “I’ll be back” thành câu phát âm đầy đủ là “I will be back” vì nghe có vẻ giống người máy nói hơn và tài tử cơ bắp này gặp vấn đề khi phát âm “I’ll”.  Schwarzenegger kể rằng, khi đề xuất thế, đạo diễn James Cameron “nhìn tôi như thể tôi mất trí”.

“Tôi có người bạn cũ làm bữa tối” (The Silence of the Lambs, 1991)

Không ngoa khi nói rằng câu thoại nổi da gà này góp phần giúp tài tử Anthony Hopkins giành giải Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất với vai diễn kẻ ăn thịt người Hannibal Lecter. Trong phim “Sự im lặng của bầy cừu” rinh 5 giải Oscar, Anthony Hopkins chỉ xuất hiện khoảng 16 phút, nhưng đầy ám ảnh.

Trong phim có cảnh tên giết người hàng loạt Bill Buffalo khỏa thân đứng trước gương để trang điểm như phụ nữ rồi nhảy nhót. Ở phiên bản không cắt xén (không được chiếu trên truyền hình), có thể nhìn thấy hắn không còn “cần tăng dân số”.

“Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới” (Gone With the Wind, 1939)

Tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell giành giải Pulitzer năm 1937. Ban đầu bà định lấy câu kết trong tác phẩm “After all, tomorrow is another day” (Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới) làm tiêu đề.

Truyện được chuyển thể thành phim nhiều lần và câu nói này luôn được “bê” nguyên xi từ bản gốc ra. Người đọc, người xem luôn ấn tượng trước hình ảnh Scarlett mạnh mẽ đứng trước thềm ngập hoa nắng với câu tiếp sức mạnh quen thuộc của nàng.

“Tôi không muốn sống sót. Tôi muốn sống” (12 Years a Slave, 2013)

Câu thoại này có trong cuốn hồi ký “12 năm nô lệ” (1853) của Solomon Northup. Tác giả kịch bản, đoàn làm phim đã trung thành với nguyên tác để phản ánh chân thực cuộc đời đầy máu và nước mắt của một nô lệ da màu - người kiên cường đấu tranh bãi nô.

12 Years a Slave (Steve McQueen đạo diễn) giành 3 giải Oscar: phim hay nhất, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Steve McQueen trở thành nhà sản xuất da màu đầu tiên có phim giành giải Oscar phim hay nhất và cũng là đạo diễn da màu đầu tiên từng đạo diễn một phim đoạt giải Oscar ở hạng mục này. 

“Gương kia ngự ở trên tường. Nước ta ai đẹp được dường như ta?” (Snow White and the Seven Dwarves, 1937)

Năm 2008, “Bạch Tuyết và 7 chú lùn” được Viện Phim Mỹ xếp hạng là phim hoạt hình Mỹ hay nhất mọi thời đại, đưa vào danh sách 100 phim Mỹ hay nhất. Bạch Tuyết trong bộ phim hoạt hình kinh điển đầu tiên của Walt Disney là nhân vật chính duy nhất mà Adriana Caselotti (lúc đó 18 tuổi) từng lồng tiếng.

“Walt Disney nghĩ rằng, hình tượng sẽ bị phá hủy nếu người xem biết được ai lồng tiếng cho nhân vật trong phim”, Caselotti tiết lộ trong cuộc phỏng vấn năm 1987 (bà mất năm 1997, thọ 80 tuổi).

Tham gia phim “Bạch Tuyết và 7 chú lùn”, Caselotti được trả công 970 USD (tương đương 16.400 USD vào năm 2016) và theo hợp đồng với Disney, Caselotti không được xuất hiện trong các bộ phim khác và trên các phương tiện nghe nhìn khác, kể cả của Disney.

Diễn viên Jack Benny từng xin phép Disney sử dụng giọng của Caselotti trong chương trình phát thanh của mình. Disney trả lời: “Giọng đó không thể sử dụng được nữa. Chúng tôi không muốn làm hỏng hình ảnh Bạch Tuyết”.

Tác phẩm khác duy nhất mà Caselotti tham gia sau lần xuất hiện đầu tiên trong Bạch Tuyết và 7 chú lùn là lồng tiếng Juliet với một câu ngắn ngủi trong bài hát của nhân vật Người Thiếc trong phim The Wizard of Oz (1939) của hãng MGM.

Ca sĩ, diễn viên lồng tiếng Caselotti được vinh danh là Huyền thoại Disney năm 1994, trở thành người phụ nữ đầu tiên được nhận giải thưởng lồng tiếng. Bà lên xe hoa tổng cộng 4 lần.

“Chúng có thể đoạt mạng chúng ta, nhưng chúng sẽ không bao giờ đoạt được tự do của chúng ta” (Braveheart, 1995)

Phim “Trái tim dũng cảm” có sự tham gia tích cực của Mel Gibson trong vai trò đạo diễn, nhà sản xuất và diễn viên chính.

Phim kể về cuộc đời của William Wallace - chàng hiệp sĩ đã dẫn dắt người dân Scotland đấu tranh giành độc lập hồi thế kỷ 13. Vua Anh Edward I mua chuộc giới quý tộc Scotland bằng nhiều đặc quyền đặc lợi, trong đó có quyền được hưởng đêm đầu tiên.

Tức là, lãnh chúa, điền chủ có quyền hợp pháp bắt con gái mới lớn hoặc vừa thành hôn của nông nô phải hầu hạ, cống nộp trinh tiết cho họ.

“Yêu nghĩa là không bao giờ phải nói lời hối tiếc” (Love Story, 1970)

Phim kể về nam sinh viên luật yêu nữ sinh viên nhạc cổ điển nhưng tình yêu của họ không được gia đình chàng trai ủng hộ vì không môn đăng hộ đối.

Tốt nghiệp, họ lấy nhau, bị gia đình cắt viện trợ tài chính, phải vật lộn mưu sinh, rồi người vợ mắc bệnh ung thư. Nhưng vượt lên trên tất cả, họ cháy hết mình cho tình yêu đôi lứa và đam mê nghề nghiệp.  

“Nếu mày thả con gái tao ngay bây giờ thì mọi chuyện sẽ chấm dứt. Tao sẽ không tìm mày, tao sẽ không đuổi bắt mày. Nhưng nếu mày không làm thế, tao sẽ tìm mày, tao sẽ tìm thấy mày và tao sẽ giết mày” (Taken, 2008)

Đó không phải lời dọa suông của ông bố cựu đặc vụ (tài tử Liam Neeson thủ vai). Trong Taken phần đầu tiên (phim dài 93 phút), ông bố giết tổng cộng 35 người đàn ông để cứu con gái.

“Khi bạn nhận ra mình muốn dành phần còn lại của đời mình bên cạnh ai đó, bạn muốn phần còn lại của đời mình bắt đầu càng sớm càng tốt” (When Harry Met Sally, 1989)

Nhà biên kịch Nora Ephron ban đầu để hai nhân vật chính cuối cùng không đến được với nhau, vì bà cho rằng đó là kết cục hiện thực hơn cả. Nhưng sau đó, bà sửa nội dung câu chuyện để kết phim, Harry và Sally nói rằng, họ chỉ cần 3 tháng để làm đám cưới, nhưng trước đó phải chờ nhau 12 năm.

Trước đó, Harry luôn cho rằng, do tình dục chen ngang nên không thể có tình bạn giữa đàn ông và phụ nữ, còn Sally thì luôn tin vào điều ngược lại.

“Em hoàn thiện anh” (Jerry Maguire, 1996)

Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Cameron Crowe kể: “Khi tôi lần đầu đưa kịch bản cho Tom Cruise và cả hai đọc lướt qua, tôi nói: “Tôi sẽ thay đổi lời thoại này”.

Tom nói: “Tôi thích lời thoại đó lắm”. Một buổi tối đóng phim, lúc đó 4 giờ sáng, mọi người mệt phờ râu trê, Tom nói câu đó. Đến lúc Tom nói xong, mọi người xúc động trào nước mắt.

Trong phòng, Renée Zellweger (vào vai bà mẹ đơn thân 26 tuổi tên là Dorothy Boyd) trông như đang tan chảy. Tom đã nói câu đó thật mạnh mẽ, thật trực tiếp với Renée.

Sau đó, Tom bảo tôi: “Tôi luôn muốn nói câu “Anh yêu em” theo cách của nhân vật trong phim”.