Những “cây đại thụ” bảo vệ biên giới, xây dựng bản làng

(PLO) - Đến nay, toàn quốc có hàng trăm tấm gương các già làng, trưởng bản đi đầu trong làm ăn phát triển kinh tế, phát huy vai trò trong xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chống xâm canh, xâm cư, hạn chế tình trạng di cư tự do, tranh chấp đất đai, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần bảo vệ bình yên nơi biên giới. 
Già làng Pả Hiền tại Quảng Trị (bên trái) tuyên truyền nhân dân bảo vệ vành đai biên giới.

Phát huy sức mạnh tập thể

“Muốn làm được việc lớn, bảo vệ biên cương vững chắc, thôn bản bình yên thì phải phát huy sức mạnh tập thể. Toàn thể bà con phải chung tay mới đuổi được hết những kẻ xấu, xóa bỏ trộm cắp, phá hoại rừng, xâm phạm đường biên, cột mốc”, ông Hoàng Văn Páo (bản Màu, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, Lai Châu) đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Biết kết hợp hài hòa giữa luật tục và pháp luật, xây dựng các quy ước, hương ước trong từng dòng tộc và cộng đồng dân cư, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thông qua việc giải thích, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục..., các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tại các làng bản thuộc các tỉnh biên giới trong toàn quốc đã góp phần sâu rộng cho các phong trào đi vào cuộc sống và có sự lan tỏa hơn. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, hạn chế tình trạng di cư tự do, xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai, khai thác rừng trái phép, truyền đạo trái phép... ở các xã miền núi, biên giới. 

Xã Bản Lầu (huyện Mường Khương, Lào Cai) có một dòng họ nổi tiếng là họ Lục với số dân đông nhất thôn Na Nhung 2 và là dòng họ có nhiều con cháu học cao nhất xã. Người đứng đầu dòng họ là ông Lục Bình Lợi, từng là thầy giáo. Dòng họ Lục là dòng họ hiếu học và đi đầu trong phong trào tự quản an ninh thôn, bản biên giới. Con cháu dòng họ Lục luôn sát cánh cùng lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và có những đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

Dòng họ Lục đã thành lập mô hình tổ tự quản an ninh trật tự do các thành viên trong dòng họ làm chủ, xây dựng quy ước để các hộ gia đình trong dòng họ thực hiện. Mô hình này đã được chính quyền địa phương đánh giá cao và nhân rộng ra địa bàn toàn xã. Cá nhân ông Lợi đã được các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen về thành tích bảo vệ an ninh trật tự. Đến nay, Bản Lầu cũng là xã có tỷ lệ trẻ em đến trường cao. Mặc dù là xã biên giới nhưng hàng năm có đến 95% các cháu học từ mầm non lên tiểu học và trung học cơ sở, có nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học.

Góp phần bảo đảm an ninh biên giới

Năm 2016, tỉnh Thanh Hóa đã bình chọn 1.604 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 99 già làng, 17 trưởng bản, 12 trưởng làng. Tiêu biểu như già làng Vi Văn Hợi (bản Cha Khót, xã Na Mèo, Quan Sơn) đã 35 năm gắn bó, bảo vệ cột mốc 331, đồng thời vận động nhân dân tham gia giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào, góp phần bảo đảm an ninh biên giới quốc gia. 

Già làng Lương Đại Thêm (72 tuổi, ở bản Xắng, xã Yên Khương, Lang Chánh) suốt 11 năm đều đặn lên với các cột mốc 348, 349, 350. Không những thế, già Thêm còn tích cực tham gia trong các hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó, các mặt công tác ở bản Xắng đạt hiệu quả cao, nhiều năm liền không có hộ gia đình xâm canh, xâm cư trái phép, việc qua lại biên giới của nhân dân thực hiện đúng quy định, hiện tượng chặt phá rừng đầu nguồn, vi phạm quy chế đường biên đã giảm đáng kể...

Còn nhiều gương tiêu biểu như: Ông Lang Đình Thuyên (Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Khẹo, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân), nhiều năm qua đảm nhận công việc bảo vệ cột mốc 353; ông Vi Văn Dong (ở bản Ho, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa) có nhiều đóng góp trong bảo vệ cột mốc G10; đảng viên Vi Văn Hợi đã hơn 35 năm được Đảng, Nhà nước, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tin tưởng giao trọng trách trông coi mốc giới H3 (nay là cột mốc 331) nơi vùng biên Na Mèo (huyện Quan Sơn). Từ bản Cha Khót đến cột mốc 331 phải đi nửa ngày, nhưng ông vẫn đều đặn hàng tuần lên cột mốc để dọn dẹp vệ sinh. Với ông, cột mốc là Tổ quốc, là quê hương.

Ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu (Mường Lát), già làng Phan Văn Xiết (71 tuổi) người dân tộc Dao đã 20 năm qua bảo vệ đường biên giới, cột mốc G6 (nay là mốc 286) chủ quyền của đất nước. Từ bản Suối Tút tới đường biên giới khoảng 7km chủ yếu là núi cao, rừng rậm việc tuần tra biên giới rất khó khăn, chỉ đi được bằng đường mòn. Vậy mà từ năm 1994 đến nay, mỗi tuần một lần, không kể trời mưa hay nắng, già Xiết đều đặn vượt đèo, lội suối lên đường đi kiểm tra cột mốc biên giới. 

Ông Tẩn Chỉn Hoảng (bản Na Sa Phìn, xã Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu) tâm sự: “Tôi tự hào với việc bảo vệ cột mốc và đoạn biên giới dài 2,5km. Hơn 6 năm qua, tôi đã phát hiện kịp thời và thông báo cho BĐBP hàng chục vụ vi phạm hiện trạng đường biên, cột mốc. Nhân dân cung cấp cho chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông nhiều nguồn tin có giá trị, giúp đơn vị giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trên biên giới”.

Hiện nay, chỉ tính riêng trên khu vực biên giới tỉnh Lai Châu có 58 thôn, bản với 3.032 hộ đăng ký tự quản 177,545km đường biên; 2.319 hộ đăng ký tự quản 69 cột mốc; 120 tổ với 2.669 người đăng ký tự quản an ninh trật tự thôn bản. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Đọc thêm