Những chiếc bánh chưng 'nghĩa tình' Hà Nội gửi đồng bào vùng lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những ngày này, nhiều tỉnh miền Bắc đang trải qua trận bão số 3 lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Với tinh thần 'tương thân tương ái', 'lá lành đùm lá rách', người dân Hà Nội, từ trẻ đến già, từ công chức, giảng viên, sinh viên đến những phật tử tại chùa... đang chung tay gói những chiếc bánh chưng nghĩa tình để chia sẻ khó khăn với người bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Đông đảo người dân tham gia gói bánh chưng tại chùa Đình Quán sáng 12/9.
Đông đảo người dân tham gia gói bánh chưng tại chùa Đình Quán sáng 12/9.

Vừa hoàn thành 2.000 chiếc bánh chưng gửi đồng bào vùng lũ lụt các tỉnh, người dân, phật tử và các tình nguyện viên tại chùa Đình Quán (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) lại tất bật gói hàng nghìn những chiếc bánh tiếp theo.

Từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya, ngôi chùa nằm trong con ngõ nhỏ ở phía Tây Thủ đô vẫn không khi nào ngơi ánh đèn, nhộn nhịp người vào ra, cùng những bàn tay thoăn thoắt gói những chiếc bánh chưng vuông vức, chan chứa nghĩa tình.

Hoạt động gói bánh chưng thu hút cả chục, cả trăm người tham gia.

Hoạt động gói bánh chưng thu hút cả chục, cả trăm người tham gia.

Để làm ra những chiếc bánh ấy, người ta tự kêu gọi nhau góp nguyên vật liệu, từ những thứ nhỏ nhất như lá gừng, lá dong, lạt buộc, gạo nếp, đỗ xanh,... Và rồi cũng bằng ấy con người lại ngồi quây quần bên nhau, cùng nhau chung sức mỗi người một tay, người rửa lá, gấp lá, người ướp đỗ ướp thịt, người chẻ lạt, người gói bánh... cứ như vậy, hàng trăm hàng hàng ngàn những chiếc bánh chưng lần lượt ra đời.

Họ gói bánh mà như “chạy đua với thời gian”, chạy đua với nước lũ, sạt lở đất để mong những chiếc bánh thơm ngon, nóng hổi có thể đến với đồng bào mình sớm nhất có thể.

Công đoạn gói bánh thường do những cô chú trung niên thực hiện vì đã có nhiều kinh nghiệm.

Công đoạn gói bánh thường do những cô chú trung niên thực hiện vì đã có nhiều kinh nghiệm.

Gác lại công việc gia đình, bà Nguyễn Thị Long Vân (phật tử sinh hoạt tại chùa Đình Quán) đã tham gia gói bánh ngày thứ 3 liên tiếp. Bà cho biết, ngày nào chùa có cũng có rất đông người tới cùng gói bánh, số lượng ngày càng tăng thêm, từ 1.600 đến 2.000 và có thể tăng hơn nữa. Hoạt động gói bánh diễn ra suốt ngày đêm và nhận được sự ủng hộ của rất đông mọi người, có cả các tình nguyện viên và sinh viên.

"Nhìn thấy cảnh đồng bào mình phải chịu sự tàn phá của bão lũ, sạt lở đất, tôi xót xa lắm! Tôi cảm thấy may mắn hơn mọi người khi không bị ảnh hưởng nhiều. Vậy nên chúng tôi cùng nhau dành chút thời gian, công sức gói những chiếc bánh này với mong muốn chia sẻ một chút tình cảm của mình cho bà con", bà Vân bày tỏ.

Nguyễn Công Sơn (thứ hai từ phải qua) cùng bạn chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh.

Nguyễn Công Sơn (thứ hai từ phải qua) cùng bạn chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh.

Được tham gia hoạt động gói bánh đối với bạn trẻ Nguyễn Công Sơn (sinh viên Trường Cao đẳng FPT) không chỉ là niềm vui mà còn là cả sự xúc động và tự hào. Dù chỉ giúp từ những việc nhỏ nhất như rửa lá, song đó cũng là cách nam sinh thể hiện tình cảm của mình đối với những người dân đang từng ngày vật lộn với lũ quét, sạt lở đất.

Sơn chia sẻ: "Khi nhà trường kêu gọi thì chúng em sẵn sàng tham gia ngay. Em đã có mặt từ sáng sớm để hỗ trợ mọi người. Với những chiếc bánh này, em mong muốn người dân sẽ luôn vững tin và cố gắng vượt qua mọi khó khăn trước mắt".

Từ người già đến người trẻ, mỗi người một việc giúp những chiếc bánh chưng mau chóng hoàn thiện và đến tay người dân.

Từ người già đến người trẻ, mỗi người một việc giúp những chiếc bánh chưng mau chóng hoàn thiện và đến tay người dân.

Ngày hôm qua - 11/9, chùa Khai Nguyên và chùa Quất Lâm cũng đã phối hợp với lãnh đạo, chiến sĩ Kho K312 - Cục kỹ thuật quân chủng phòng không không quân gói bánh chưng, bánh Tét, góp nhu yếu phẩm thiết yếu để gửi lên bà con vùng lũ 3 tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ.

Không khí hối hả gói bánh chưng cũng diễn ra tại Trường đại học Giao thông Vận tải vào ngày hôm qua. Các cán bộ, giảng viên, người lao động cùng sinh viên nhà trường đã cùng nhau chuẩn bị gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, thịt lợn,... để gói những chiếc bánh chưng cứu trợ gửi tới tay bà con các tỉnh/thành chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3.

Dù công đoạn để làm ra một chiếc bánh chưng không hề đơn giản và mất nhiều thời gian, song trên khuôn mặt mỗi người đều ánh lên niềm vui khi được chung tay tạo nên những chiếc bánh nghĩa tình, mong sớm hoàn thiện để gửi lên giúp đỡ người dân đang gặp khó khăn.

Thầy và trò nhà Trường Đại học Giao thông Vận tải đang hối hả cùng nhau chuẩn bị cho những công đoạn gói bánh.

Thầy và trò nhà Trường Đại học Giao thông Vận tải đang hối hả cùng nhau chuẩn bị cho những công đoạn gói bánh.

Bánh chưng là chiếc bánh truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay, thường xuất hiện nhiều vào mỗi dịp lễ, Tết nhưng giờ đây, nó còn xuất hiện cả trong những lúc đồng bào gặp nguy nan. Những chiếc bánh chưng nghĩa tình ấy không đơn giản chỉ là 'cứu đói' mà còn gói ghém bên trong tình yêu thương, tình đoàn kết dân tộc, góp phần động viên, tiếp sức đồng bào vùng lũ, vùng sạt lở nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đạo tràng chùa Thiên Trúc cùng Hội Chữ Thập Đỏ, Liên hiệp Phụ nữ phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cùng nhau gói 1000 chiếc bánh chưng và cơm nắm muối vừng, đóng gói hút chân không gửi lên bà con vùng lũ.

Đạo tràng chùa Thiên Trúc cùng Hội Chữ Thập Đỏ, Liên hiệp Phụ nữ phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cùng nhau gói 1000 chiếc bánh chưng và cơm nắm muối vừng, đóng gói hút chân không gửi lên bà con vùng lũ.

Tại chùa Đình Quán, hoạt động gói bánh chưng sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.

Tại chùa Đình Quán, hoạt động gói bánh chưng sẽ tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.

Đọc thêm