Những ngày qua, dư luận ở huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi hay tin ông Đinh Văn Nên (56 tuổi, trú tại làng Tà Cơm, xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà) bị 4 thanh niên trong làng dùng gậy đánh đến chết vì nghi ông có “đồ độc”. Đây là một trong những vụ việc giết người vì con ma “đồ độc” thường xảy ra ở các huyện vùng núi tỉnh Quảng Ngãi.
Câu chuyện về “đồ độc"
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy, ông Nguyễn Ích Long cho biết: “Chiều 24/9/2010, ông Nên đang nằm ngủ trong nhà thì 4 thanh niên trong làng gồm Đinh Văn Tranh (SN 1980), Đinh Văn Trĩu (SN 1980), Đinh Văn Hiền (SN 1993) và Đinh Văn Tiên (SN 1993) bất ngờ đạp cửa xông vào dùng gậy đánh liên tục cho đến khi ông chết mới bỏ đi. Để đánh lạc hướng điều tra, 4 thanh niên lấy thuốc chuột đổ lên thi thể ông Nên.
|
Căn nhà của ong Nên bị phá hại tan tành vì nghi ông có “đồ độc” |
Sáng 25/9/2010, anh Đinh Văn Khăn từ huyện kế bên về nhà thăm cha, thấy cha chết, trên người nồng nặc mùi thuốc trừ sâu, anh nghĩ cha tự vẫn, liền báo chính quyền và chuẩn bị mai táng. Nhận được tin báo, Công an huyện Sơn Hà và Công an tỉnh Quảng Ngãi nhanh chóng có mặt tại hiện trường, xác định có nhiều dấu hiệu khả nghi nên khám nghiệm tử thi và phát hiện ông Nên chết do bị đánh. Liền sau đó, 4 đối tượng kể trên đã bị bắt.
Anh Đinh Văn Hường (Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Thủy) kể lại câu chuyện: “Con gái, con trai ông Nên lập gia đình và ở xa nên ông ở một mình. Thường thì ban ngày ông Nên hay uống rượu rồi ban đêm đi lang thang, nói nhảm đủ thứ chuyện. Dân làng nhiều lần nhắc nhở nhưng ông vẫn không bỏ tính đó nên bị nghi là ông có “đồ độc” trong người.
Tháng 12/2009, cả làng Tà Cơm sợ ông Nên ém “đồ độc” nên kéo đến ném đá, đập phá tan hoang nhà ông. Trước tình hình đó, cán bộ Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể đi vận động bà con không được đánh ông Nên. Sau 2 tháng thấy tình hình yên ổn, chính quyền mới làm lại nhà cho ông Nên và đưa ông về ở, đâu ngờ cơ sự lại xảy ra như vậy”.
Cách đó không xa, tại huyện miền núi Ba Tơ cách đây vài tháng, già làng Phạm Văn Lân (82 tuổi) kể lại câu chuyện nhức nhối tương tự xảy ra ở đây: “Cũng tại thằng Phạm Văn Hâm (ở thôn Đồng Dinh). Nó uống rượu say rồi cầm một khoanh dây rừng đến nhà Phạm Văn Vát trong thôn dọa là mình có đồ thuốc độc. 8 người con của ông Vát lo sợ gia đình bị hại nên rủ nhau đến nhà ông Hâm “hỏi tội”.
May mà tôi biết được nên kịp thời ngăn chặn. Phải nhờ đến cán bộ thôn, công an xã và mấy già làng đến, mời hai bên gia đình giải quyết, tôi mới cứu vãn được tình hình. Nếu không bây giờ thằng Hâm chắc đi theo thằng Xa rồi”.
Phạm Văn Xa (trú làng Gòi Khôn, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) xuất ngũ về làng đi buôn trâu. Để mua được giá rẻ, Xa nói với dân làng rằng mình có “đồ thuốc độc”. Đến lúc mấy con trâu của người làng Gò Khôn tự dưng lăn đùng ra chết thì sự nghi ngờ Xa bùng phát.
Cả làng Gò Khôn kéo đến đánh Xa gần chết. Chính quyền, Công an địa phương kịp thời can thiệp nhưng chỉ được mấy tháng, Xa bị một số đối tượng không rõ tên tuổi ra tay hãm hại.
Hủ tục còn sót lại?
Một thực tế là khi nói đến đồng bào dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi, người ta hay nghĩ đến tình trạng “cầm đồ độc” với thái độ sợ sệt rõ rệt. Theo quan niệm của đồng bào miền núi Quảng Ngãi, người có “đồ độc” thường có uy quyền hơn cả trong làng.
Vì sợ bị người có đồ hại, nên dân làng phải nghe theo những điều trái lẽ của người có “đồ độc”. Thế nhưng, câu chuyện bi thương ở nhiều vùng quê tại tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua đều là những người bị “nghi” là có đồ độc và là nguyên nhân dẫn đến nhiều chuyện chẳng lành tại địa phương và bị sát hại. Điều rõ ràng nhất là khi vụ việc xảy ra, chính quyền vào cuộc giải quyết nhưng chẳng hề thấy đồ độc đâu, chỉ thấy cảnh tang thương chất chứa từ các nếp nhà của những nạn nhân.
Con ma “đồ độc” chính là nỗi ám ảnh, gây ra không ít cảnh thương tâm, ly tán, đẩy số phận hàng chục người vào ngõ hẹp đường cùng. Và, chính nó đã uy hiếp đến tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên của đồng bào đang sống tại các địa phương miền núi Quảng Ngãi.
Thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975-1995, các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi xảy ra khoảng 121 vụ nghi cầm đồ thuốc độc, làm chết hàng chục người. Tuy nhiên, đó là những vụ mà chính quyền biết và vào cuộc, còn lại nhiều vụ việc xảy ra trong làng mà chính quyền chưa biết. Trong đó, chỉ riêng huyện Ba Tơ, từ năm 1975 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra khoảng 90 vụ nghi cầm đồ thuốc độc, với khoảng 120 người bị nghi và có 11 người bị đánh chết. |
Phúc Lâm