Hoạt động ý nghĩa
Ông Võ Công Hoan (nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị giai đoạn 2000 - 9/2011), hồi ức, kỷ niệm với Báo PLVN rất nhiều, nhưng nhớ nhất tờ báo có cách “học lịch sử qua những chuyến đi”. Mỗi tháng 7 lại có dịp gặp gỡ Đoàn công tác, lại bùi ngùi ôn lại lịch sử bảo vệ Tổ quốc, những chiến công và hy sinh mất mát của quân dân ta để đất nước có được ngày hôm nay.
“Tôi rất trân trọng những việc làm ý nghĩa của Báo PLVN khi luôn hướng về nguồn, tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ phóng viên, để sống có trách nhiệm hơn, xứng đáng hơn với sự hy sinh của bao lớp cha anh đi trước”, ông Hoan nói.
Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị Hoàng Kỳ (ngoài cùng bên phải) cùng lãnh đạo Báo PLVN trao “Mái ấm Tư pháp” tại Quảng Trị năm 2017 |
Chuyến đi năm 2019 này hồi giữa tháng 7/2019, tại tỉnh Quảng Trị, Đoàn Báo PLVN mới đây đã gửi tặng “Mái ấm Tư pháp” trị giá 50 triệu đồng nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với anh Hồ Văn Lập (SN 1983), cán bộ xã tư pháp xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa.
Anh Lập gắn bó với ngành Tư pháp từ năm 2012. Công tác ở huyện miền núi tỉnh Quảng Trị với vô vàn khó khăn. Bản thân gia đình anh khá khó khăn khi vợ không công việc ổn định, con gái năm 2017 bị ngã gãy xương, viêm nhiễm nặng, phải nghỉ học, triền miên điều trị tại bệnh viện.
Nhận món quà “Mái ấm Tư pháp” từ Báo PLVN, anh Lập chia sẻ sẽ dùng món quà trên để sửa sang căn nhà đàng hoàng hơn, tránh mưa, tránh gió. “Món quà lớn, nhưng lớn hơn nữa là tinh thần mà tôi được tiếp truyền hôm nay từ ngôi nhà Báo PLVN cũng như lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành Tư pháp tỉnh. Tôi xin cảm ơn những sự động viên, chia sẻ này”, anh Lập nói.
“Dù về hưu đã lâu nhưng tôi vẫn theo dõi những chuyến đi của Báo. Tôi không ngờ quý Báo có thể duy trì liên tục chương trình về với vùng đất lửa Quảng Trị suốt hàng chục năm như vậy. Tôi mong Báo ngày càng phát triển truyền thống tốt đẹp này, gìn giữ phát triển những chuyến đi tri ân miền, kết hợp “chở luật” tới vùng núi vùng sâu, vùng xa khó khăn, lan tỏa tình người, tình đồng nghiệp bằng những món quà như “mái ấm Tư pháp”, ông Hoan nói.
Nhắc lại món quà “Mái ấm Tư pháp” dành cho các cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn, ông Phan Văn Phong, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị giai đoạn 2011 – 2017 nhớ lại: “Trong chuyến tri ân vào năm 2012, khi Tổng Biên tập Đào Văn Hội vào Quảng Trị, hai anh em trò chuyện, tôi kể về trường hợp anh Hồ Pả Tứng (người Pa Cô, cán bộ tư pháp xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa) nhà rất nghèo, vợ bị mù lại không có con, nhưng Pả Tứng vẫn chung thủy, một mực không bỏ vợ, nhất quyết chăm vợ trong căn nhà lụp xụp.
Xúc động trước câu chuyện trên, anh Hội nhanh chóng quyết định trao một món quà cho Pả Tứng. Trao hiện vật hay trao tiền? Với những trường hợp này thấy trao hiện vật có thể sẽ không hợp ý người ta. Tiền thì biết bao nhiêu cho đủ, nhưng ít nhất ai cũng sẽ xúc động khi nhận được một món quà “của một đồng công một nén”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
“Sau khi Báo PLVN trao tiền một thời gian, tôi cùng nhà báo Quang Tám (nay là Trưởng đại diện Văn phòng Báo PLVN khu vực Bình Trị Thiên) lên vùng miền núi của Quảng Trị để dự lễ khánh thành ngôi nhà. Bà con người đồng bào nơi đây tới rất đông, liên tục thay mặt chủ nhà cảm ơn Báo PLVN. Còn người được nhận nhà vui mừng đến khóc”.
Không chỉ là trách nhiệm
Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị, ông Hoàng Kỳ, có cùng nhận định trên. “Mỗi năm nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và hướng đến kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, có rất nhiều đoàn từ cả nước đến với Quảng Trị, nhưng tôi vẫn luôn chờ đợi, hào hứng mỗi khi đón đoàn của Báo PLVN”, ông Kỳ nói.
Nhiều năm qua, ông Kỳ đều gặp mặt, tham gia cùng các hoạt động của Đoàn công tác Báo PLVN vào tháng 7 tại Quảng Trị. Tham gia không phải chỉ vì trách nhiệm cùng ngành Tư pháp, trách nhiệm của đơn vị “chủ nhà”; mà thực lòng muốn tham gia cùng vì trân quý tấm chân tình của Báo PLVN. “Tháng 7 Quảng Trị gió Lào, nắng nóng kinh người, nhưng chưa một lần tôi nghe thấy một lời kêu ca phàn nàn từ các nhà báo.
Đoàn cán bộ phóng viên Báo PLVN tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn |
Dù lặn lội đến những nơi xa xôi trao “Mái ấm Tư pháp”, tặng báo xóa nghèo pháp luật, tặng hiện vật cho các địa phương vùng sâu hoặc cá nhân nghèo, ai ai cũng nhiệt tình. Những năm gần đây Báo quan tâm trao “Mái ấm Tư pháp” cho một số cán bộ tư pháp nghèo với số tiền 50 triệu đồng mỗi trường hợp, là niềm ưu ái với chúng tôi”, ông Kỳ nói.
Ông Kỳ xác nhận, nhờ những món quà như vậy, các cán bộ tư pháp được hỗ trợ đều vươn lên, làm tốt công việc được giao. Ví dụ như trong năm 2017, Báo PLVN đã trao “Mái ấm Tư pháp” cho anh Hồ Tà Hưm (người dân tộc Vân Kiều - Pa Cô, cán bộ tư pháp của xã Thanh, huyện Hướng Hóa). Anh Hưm sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ.
Cha anh Hưm mất trước khi anh được sinh ra, đến năm anh 9 tuổi thì người mẹ cũng lâm bệnh nặng qua đời. Cả ba chị em được bà ngoại đưa về cưu mang, chăm sóc. Cuối năm 2016, anh Hưm lập gia đình nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn, vợ chồng anh cùng đứa con gái nhỏ và bà ngoại già yếu phải đến ở nhờ nhà của họ hàng. Hằng ngày, cả 11 thành viên phải sống chen chúc trong căn nhà sàn ọp ẹp, chật chội, dột nát tứ bề.
Bên phần mộ của các liệt sỹ tại Khu di tích Truông Bồn (Nghệ An) |
Sau khi nhận “Mái ấm Tư pháp” từ Báo PLVN, Sở Tư pháp Quảng Trị hỗ trợ thêm và anh đã xây được căn nhà mơ ước. Khi đã có nhà, Tà Hưm phấn chấn, làm việc hiệu quả, nhiệt tình, hiện đang được cơ cấu làm nguồn cán bộ lãnh đạo của xã.
Ông Kỳ đánh giá: “Tôi nhận thấy những chuyến đi của Báo PLVN có rất nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, sự tri ân với vùng đất lịch sử; Thứ hai, quý Báo đã mang những món quà ý nghĩa nhằm động viên cán bộ tư pháp có hoàn cảnh khó khăn.
Qua đó tạo thêm năng lượng để những người làm Báo PLVN, đặc biệt những phóng viên trẻ biết trân trọng lịch sử, hiện tại, tương lai; từ đó phấn đấu, phát huy hết khả năng của mình nhằm trở thành những nhà báo “vừa hồng vừa chuyên”, xây dựng tờ báo ngày càng lớn mạnh, góp phần xây dựng đất nước”.
Ông Phan Văn Phong, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị, nhớ lại: “Trong một lần về dâng hương Quảng Trị, Tiến sỹ Hội nói với tôi việc ở một số quảng trường trên thế giới, thường thấy hình ảnh những đàn chim bồ câu.
Địa danh lịch sử như Thành cổ Quảng Trị, nếu có chim bồ câu biểu tượng hòa bình, thì rất ý nghĩa. Phải là một người có tâm mới quan sát ra những điều như vậy. Tôi thấy ý trên rất hay nên trao đổi với anh em ở khu di tích. Hiện Thành cổ đã có 3 đàn bồ câu, sẽ sinh sôi nảy nở, không lâu nữa bóng chim bồ câu sẽ bay khắp địa danh linh thiêng này”.