Những 'chuyến xe 0 đồng': Tiếp thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Những “chuyến xe 0 đồng” của một nhóm người ở Nghệ An không chỉ giúp bệnh nhân nghèo bớt đi một khoản chi phí; mà còn tiếp thêm cho mọi người niềm tin về những điều tốt đẹp.
Bất kể thời gian nào, khi bệnh nhân cần hỗ trợ, đều được nhóm nhiệt tình giúp đỡ.
Bất kể thời gian nào, khi bệnh nhân cần hỗ trợ, đều được nhóm nhiệt tình giúp đỡ.

24/24h bất kể nắng mưa

Gần 2 năm nay, “chuyến xe 0 đồng” đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân ở Nghệ An. Đây là chuyến xe chuyên giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Các thành viên trong nhóm thiện nguyện đều làm việc không công. Họ hy sinh công việc, thời gian để phục vụ những người bệnh khó khăn.

Nhóm “xe 0 đồng” được hình thành cuối năm 2021, từ ý tưởng của 2 tài xế taxi với mục tiêu hỗ trợ bệnh nhân nghèo quê huyện Thanh Chương. Quá trình hoạt động, nhóm bổ sung thêm nhiều thành viên, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực vận tải khách. Sau một thời gian, vì nhiều lý do, hiện nhóm còn 4 thành viên chủ chốt là anh Nguyễn Phùng Úy, Trần Văn Cường, Nguyễn Đình Mạnh và chị Trần Thị Ngọc Dịu. Nhóm hoạt động chủ yếu trên các cung đường Thanh Chương - các bệnh viện ở TP Vinh (Nghệ An) và ngược lại.

Bất kể lúc nào, dù giữa trưa nắng hay đêm muộn, khi có điện thoại là họ có mặt để chở những người bị bệnh tật, nghèo khó đến bệnh viện. Những chuyến xe không chỉ giúp bệnh nhân nghèo bớt đi một khoản chi phí mà còn tiếp thêm cho họ niềm tin về những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu, để họ không cô độc trên con đường níu giữ sự sống.

Với nguyên tắc hỗ trợ miễn phí, các thành viên tự đổ xăng chạy, hoàn toàn không thu bất kỳ đồng nào từ người bệnh. Thời điểm giá xăng tăng kỷ lục lên tới trên 34.000 đồng/lít, thực sự là một thách thức không nhỏ đối với những tài xế thích làm “việc bao đồng” này.

Là thành viên nữ duy nhất của nhóm, nhưng chị Ngọc Dịu không nề hà sự phân công của trưởng nhóm, sẵn sàng gác lại công việc riêng để hỗ trợ tối đa cho người bệnh nghèo, bất kể đêm khuya hay trời mưa rét. Chị Dịu hiện là công chức nhà nước, đặc thù công việc chuyên môn, chị chỉ có thể tham gia vận chuyển bệnh nhân ngoài giờ hành chính. Dù vậy, chị luôn sẵn sàng để chở người bệnh khó khăn xuống bệnh viện.

Hầu hết các thành viên trong nhóm đều là trụ cột kinh tế của gia đình. Do đó, để thành viên đảm bảo kinh tế gia đình và hỗ trợ kịp thời nhất cho người bệnh, anh Phùng Úy phải điều phối nhịp nhàng, phân công lịch cho từng người trong nhóm.

“Xe 0 đồng” đã trở thành chỗ dựa của không ít bệnh nhân nghèo.

“Xe 0 đồng” đã trở thành chỗ dựa của không ít bệnh nhân nghèo.

Chỗ dựa của những bệnh nhân nghèo

Sau hơn 2 năm hoạt động, “xe 0 đồng” thực sự đã trở thành chỗ dựa của không ít bệnh nhân nghèo. Thế nhưng, ít ai biết rằng, giai đoạn đầu các thành viên của nhóm cũng phải chịu không ít áp lực từ dư luận và ngay cả người thân của mình. Họ chẳng tin có những người kiếm sống từng đồng lại vô tư đi chạy miễn phí, nếu không phải là “gàn” thì chắc làm để “đánh bóng” bản thân. Thậm chí, có người còn bảo nhóm chẳng thể duy trì được lâu dài.

Cũng có người cho rằng, các tài xế này chỉ chạy thuê nhận tiền của một “mạnh thường quân” đứng sau, do vậy họ đương nhiên phải có bổn phận phục vụ người bệnh nên cứ mặc nhiên đòi hỏi với tài xế. Trong khi đó, mải miết với những chuyến xe thiện nguyện bằng chính đồng tiền mình bỏ ra nên ít nhiều kinh tế của anh em trong nhóm cũng bị ảnh hưởng.

Anh Trần Văn Cường, thành viên trong nhóm chia sẻ, nhiều khi đang chở người bệnh đi viện thì khách gọi xe, đành phải từ chối khách. “Vợ tôi ban đầu cũng không bằng lòng đâu, nhưng tôi bảo nhà mình có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, nhờ trời, cả gia đình ta đều khỏe mạnh. Còn những bệnh nhân nghèo kia, họ không có gì để bấu víu cả, mình chỉ có thể giúp họ vài chuyến xe, bớt được đồng nào thì họ có thêm tiền mua thuốc để điều trị. Dần dần vợ tôi cũng hiểu ra, vui vẻ ủng hộ”, anh Cường tâm sự.

Còn với anh Úy, công việc sửa chữa xe máy, xe đạp, ngoài chi tiêu hàng ngày, mỗi năm có thể tích lũy được 50-60 triệu đồng để phòng khi cần. Từ khi tham gia nhóm mê việc “bao đồng”, khoản tích lũy này ít đi, trong khi đó nhu cầu chi tiêu trong nhà không giảm. Do đó, sau những cuốc “xe 0 đồng”, anh tranh thủ trưa, tối sửa xe cho khách để kiếm thêm thu nhập, lo cho vợ con.

Sau thời gian hoạt động, tiếng lành đồn xa, người dân biết đến nhóm “xe 0 đồng” nhiều hơn, số cuộc gọi nhờ hỗ trợ vì thế cũng nhiều hơn. Nhiều “mạnh thường quân” và bạn bè trên Facebook biết, hỗ trợ thêm anh em một khoản kinh phí xăng xe, dù không quá nhiều.

Những chuyến đi kịp thời, người bệnh được can thiệp sớm, sức khỏe ổn định hơn, nhưng cũng có những chuyến đi không thể giúp người bệnh chống được mệnh trời, để lại cho những “tài xế 0 đồng” nhiều tâm tư. Họ trăn trở khi dùng xe cá nhân để vận chuyển bệnh nhân sẽ không có những vật dụng hỗ trợ cấp cứu chuyên dụng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân nặng.

Do đó, hiện các thành viên trong nhóm đang vận động bà con, các DN, con em Thanh Chương thành đạt ở trong và ngoài nước ủng hộ kinh phí mua xe cấp cứu chuyên dụng. Và dù xe cấp cứu chuyên dụng nhưng vẫn hoạt động trên tinh thần hỗ trợ 0 đồng cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đọc thêm